Cơ quan hải quan coi mức độ hài lòng của doanh nghiệp là thước đo

Thời gian qua, hoạt động phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho cả cơ quan hải quan và cộng đồng doanh nghiệp, được Nhà nước và xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

 Lãnh đạo Cục Hải quan Bắc Ninh trực tiếp nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Hà Thái.

Lãnh đạo Cục Hải quan Bắc Ninh trực tiếp nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Hà Thái.

Gắn với các hoạt động thực tế, trực tiếp

Phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp (DN) luôn được ngành Hải quan xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, được triển khai thực hiện ở cả 3 cấp: tổng cục, cục và chi cục.

Trong phát triển quan hệ đối tác hải quan - DN, ngành Hải quan luôn lấy người dân, DN làm trung tâm, phát huy sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực hỗ trợ khơi thông hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.

Cơ quan hải quan luôn coi mức độ hài lòng của DN là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc, coi DN là đối tác tin cậy để cân bằng giữa hai mặt quản lý và phục vụ, tạo điều kiện tốt cho cộng đồng DN tiếp cận các biện pháp hỗ trợ của cơ quan hải quan trong bối cảnh khó khăn mà DN gặp phải, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của DN và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức hải quan trong thực thi công vụ.

DN khi tham gia các hoạt động do cơ quan hải quan triển khai để phát triển quan hệ đối tác hải quan - DN cũng nhận được nhiều lợi ích. Đó là, được tiếp cận nhanh, đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin về văn bản chính sách pháp luật mới liên quan đến lĩnh vực hải quan.

DN có thể tham gia góp ý phản biện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các hiệp hội DN vào quá trình xây dựng chính sách pháp luật hải quan. DN được đóng góp ý kiến, trí tuệ của mình vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về hải quan, từ đó DN có hiểu biết cũng như chia sẻ với cơ quan hải quan, đồng thuận với cơ quan hải quan, tăng tính tuân thủ chấp hành pháp luật, thực hiện tốt pháp luật nhà nước về hải quan.

Nhiều sáng kiến linh hoạt

Tại địa phương, tùy vào tình hình thực tế, các đơn vị hải quan cũng linh hoạt sáng tạo trong việc triển khai phát triển mối quan hệ đặc biệt này.

Ví như Hải quan Đà Nẵng, để đến gần với DN hơn, đơn vị tập trung vào 6 nhóm chuyển đổi là: Chuyển đổi về phương pháp tiếp cận; chuyển đổi về mở rộng phạm vi, thành phần tham gia quan hệ đối tác; chuyển đổi về cách thức tổ chức hoạt động quan hệ đối tác; chuyển đổi đa dạng, phong phú sâu sắc về nội dung hoạt động quan hệ đối tác; chuyển đổi số; chuyển đổi về nâng cao chất lượng, hiệu quả quan hệ đối tác. Từ định hướng đó, đơn vị tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực như hội thảo chuyên đề về nghiệp vụ cụ thể, qua đó “cầm tay chỉ việc” tới DN.

Tại Hải Phòng, cơ quan hải quan đã có sáng kiến xây dựng và triển khai hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ của công chức. Hệ thống ghi nhận, tổng hợp ý kiến đánh giá, mức độ hài lòng của DN đối với chất lượng phục vụ của công chức, đội công tác, chi cục hải quan có liên quan tại từng tờ khai, hồ sơ cụ thể để kịp thời kiểm tra, xác minh, xử lý mọi hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, chậm trễ, sai sót nghiệp vụ (nếu có); xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng bộ phận, cá nhân trong quá trình giải quyết thủ tục. Từ đó, tăng cường vai trò giám sát của người dân, DN cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm của công chức trong thực thi công vụ; đưa quan hệ đối tác hải quan - DN ngày càng đi vào thực chất.

Quảng Ninh thì coi công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan - DN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ông Trịnh Văn Nhuận - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, đơn vị tiếp tục chủ động, tạo điều kiện để cộng đồng DN và các bên liên quan nắm bắt được đầy đủ, kịp thời các chính sách, quy định pháp luật về hải quan, về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu mới được ban hành. Qua đó đồng hành cùng cơ quan hải quan trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện.

Thời gian tới, để công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan - DN đi vào hiệu quả, thực chất, theo ông Phạm Xuân Trường - Tổ trưởng Tổ Cải cách nghiệp vụ hải quan (Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan - Tổng cục Hải quan) các cục hải quan tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh thực hiện các hoạt động trọng tâm, cụ thể như:

Thứ nhất, luôn gắn các hoạt động đối tác hải quan - DN vào hoạt động nghiệp vụ thường xuyên, hàng ngày của đơn vị, luôn đồng hành cùng DN, coi DN là đối tác tin cậy.

Thứ hai, luôn chủ động, đổi mới sáng tạo trong cách làm, cách thức tổ chức triển khai các hoạt động quan hệ đối tác phù hợp với tình hình, thực tế tại đơn vị. Làm mới các hoạt động đối thoại, hợp tác để lôi kéo cộng đồng DN sẵn sàng tham gia hợp tác cùng cơ quan hải quan.

Thứ ba, thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin tình hình sản xuất kinh doanh của DN trên địa bàn từ đó có các giải pháp phù hợp hỗ trợ DN. Chủ động phân tích, lựa chọn các vấn đề mang tính thời sự mà DN quan tâm để hỗ trợ DN kịp thời.

Hình thành chuỗi cung ứng tin cậy

Mục tiêu phát triển quan hệ đối tác hải quan - DN trong Chiến lược Phát triển Hải quan đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là: “Xây dựng quan hệ đối tác giữa cơ quan hải quan với DN để hình thành chuỗi cung ứng tin cậy trên cơ sở nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình đối tác tin cậy với sự tham gia của các DN xuất khẩu, nhập khẩu và các đối tác thương mại của DN trong chuỗi cung ứng”.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-quan-hai-quan-coi-muc-do-hai-long-cua-doanh-nghiep-la-thuoc-do-152436-152436.html