Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông sản Hải Dương an toàn

Nhiều hợp tác xã ở Hải Dương đã được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ sản xuất nông sản an toàn, bền vững.

Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Bạch Đằng (Kinh Môn) phát biểu tại hội nghị

Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Bạch Đằng (Kinh Môn) phát biểu tại hội nghị

Sáng 25/12, Ban Quản lý Dự án tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam giai đoạn 2022-2026 tổ chức hội nghị sơ kết tại tỉnh Hải Dương. Dự án được triển khai với sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nhằm thúc đẩy sản xuất nông sản an toàn và bền vững.

Tại Hải Dương, dự án đã lựa chọn 6 hợp tác xã để hỗ trợ. Năm 2023, dự án tập trung hỗ trợ 3 hợp tác xã: Tân Minh Đức (Gia Lộc), Nông sản sạch Bạch Đằng (Kinh Môn), Dịch vụ nông nghiệp Nhân Huệ (Chí Linh). Năm 2024, dự án tiếp tục hỗ trợ 3 hợp tác xã khác: Nông nghiệp sạch Nam Vũ (Thanh Hà), Âu Việt Fram (Kim Thành), Nông nghiệp Sen Fram (Nam Sách).

Các đại biểu dự hội nghị

Các đại biểu dự hội nghị

Các chuyên gia JICA cũng phối hợp với Ban Quản lý dự án Trung ương theo dõi các chỉ số như diện tích canh tác, sản lượng tiêu thụ và giá bán theo từng mùa vụ, đồng thời tổ chức các chương trình giảng dạy và tập huấn về sản xuất cây trồng an toàn. Nhiều cán bộ Ban Quản lý Dự án JICA Hải Dương tham gia tập huấn tại Nhật Bản, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh cũng như hỗ trợ các hợp tác xã khắc phục hậu quả bão số 3 với phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học và tập huấn kỹ năng khôi phục sản xuất.

Trong năm 2023, các hợp tác xã được JICA hỗ trợ 100% kinh phí (khoảng 400 triệu đồng) cho các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, khảo sát thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất và tiếp thị, áp dụng GAP cơ bản. Sang năm 2024, mức hỗ trợ giảm xuống 50% (khoảng 200 triệu đồng) tập trung vào vật tư, thiết bị và công cụ sản xuất.

Tham gia dự án, các hợp tác xã đã thay đổi nhận thức trong việc sử dụng hợp lý vật tư đầu vào (giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất...); giảm thất thoát, nâng cao chất lượng rau quả sau thu hoạch. Thành viên các hợp tác xã nắm vững quy trình kỹ thuật về sản xuất rau, quả theo GAP hướng tới sản xuất rau quả an toàn theo chuỗi giá trị.

Dự án đang được thực hiện tại 7 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Sơn La, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam và Hải Dương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ quản.

MINH NGUYÊN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/co-quan-hop-tac-quoc-te-nhat-ban-ho-tro-thuc-day-san-xuat-nong-san-hai-duong-an-toan-401468.html