Những thỏa thuận lịch sử trong ngành sản xuất ô tô

Hai gã khổng lồ trong ngành sản xuất ô tô Nhật Bản, Honda và Nissan đã chính thức đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán trong 6 tháng tới về khả năng sáp nhập - một bước ngoặt lịch sử đối với ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản. Việc sáp nhập này sẽ tạo ra nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới và cung cấp cho họ nhiều nguồn lực hơn để cạnh tranh với mối đe dọa ngày càng tăng từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và Tesla của Mỹ.

Honda và Nissan sẽ đàm phán về việc sáp nhập

Sự chậm chân trong cuộc đua xe điện và nhu cầu xe điện sụt giảm ở nhiều thị trường đã tạo áp lực cực lớn lên nhiều hãng xe hàng đầu thế giới buộc họ phải có những thay đổi.

Honda là nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai Nhật Bản và Nissan đứng ở vị trí thứ ba. Nếu hai hãng này về chung một nhà thì đây sẽ là sự thay đổi lớn nhất trong ngành ô tô toàn cầu kể từ sau thương vụ sáp nhập trị giá 52 tỷ USD của Fiat Chrysler và PSA năm 2021 để tạo ra Công ty Stellantis.

Honda có giá trị vốn hóa thị trường là hơn 40 tỷ USD và Nissan có giá trị 10 tỷ USD. Việc sáp nhập có thể tạo ra một tập đoàn khổng lồ trị giá hơn 50 tỷ USD. Hai công ty có thể đặt mình dưới sự bảo trợ của một công ty cổ phần và sẽ xem xét đưa Mitsubishi vào nhóm của họ. Mitsubishi (vốn nằm trong liên minh Nissan - Renault - Mitsubishi) cho biết cũng sẽ đưa ra câu trả lời muộn nhất là vào cuối tháng 1/2025 về việc có tham gia vào các cuộc đàm phán sáp nhập này hay không.

Nếu đàm phán thành công, Honda - Nissan - Mitsubishi sẽ trở thành tập đoàn ô tô lớn thứ 3 thế giới chỉ sau Toyota của Nhật Bản và Volkswagen của Đức. Liên minh mới này cũng sẽ mang lại cho các công ty quy mô và cơ hội chia sẻ tài nguyên trước sự cạnh tranh gay gắt từ Tesla và các đối thủ Trung Quốc nhanh nhẹn hơn như BYD.

Trong cuộc họp báo chung ở Tokyo, Giám đốc điều hành Honda, ông Toshihiro Mibe, cho biết, Honda và Nissan sẽ cố gắng hợp nhất hoạt động của họ dưới dạng một công ty cổ phần. Honda sẽ giữ vị trí chủ chốt trong ban lãnh đạo mới và giữ nguyên các nguyên tắc và thương hiệu của từng công ty. Ông cho biết, họ đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận sáp nhập chính thức vào tháng 6 và hoàn tất thỏa thuận cũng như niêm yết công ty mẹ trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo trước tháng 8/2026.

Các cuộc đàm phán bắt đầu vì chúng tôi tin rằng chúng ta phải xây dựng năng lực cạnh tranh trước năm 2023 để có thể chống lại sự trỗi dậy của các hãng xe Trung Quốc và đối thủ mới. Nếu không chúng ta sẽ bị đánh bại.

Giám đốc điều hành Honda, Toshihiro Mibe.

Các nhà lãnh đạo công ty cho biết, Honda và Nissan sẽ đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 30 nghìn tỷ yên (191 tỷ USD) và lợi nhuận hoạt động hơn 3 nghìn tỷ yên thông qua việc sáp nhập tiềm năng.

Việc sáp nhập của Honda và Nissan mang lại lợi ích gì?

Các nhà sản xuất ô tô ở Nhật Bản đã tụt hậu so với các đối thủ lớn trong lĩnh vực xe điện và đang cố gắng cắt giảm chi phí cũng như bù đắp khoảng thời gian đã mất khi những hãng mới như BYD của Trung Quốc và Tesla dẫn đầu thị trường xe điện đang chiếm phần lớn thị phần. Vậy việc sáp nhập của những gã khổng lồ trong ngành sản xuất ô tô của Nhật Bản sẽ mang lại những lợi ích gì cho mỗi bên?

Các tập đoàn Nhật Bản từ lâu đã tập trung vào xe hybrid (kết hợp động cơ xăng và điện), bỏ qua sự phát triển toàn cầu của công nghệ chạy hoàn toàn bằng điện. Tại hai thị trường trọng điểm là Trung Quốc và Mỹ, doanh số bán hàng của hai hãng đã sụt giảm. Ở Mỹ sụt giảm là do không thể tiếp thị xe hybrid chạy cả bằng điện và xăng, còn ở Trung Quốc là do sự thống trị của các thương hiệu địa phương trong lĩnh vực xe điện. Doanh số của Honda tại thị trường Trung Quốc đã giảm hơn 30% trong 11 tháng của năm, còn doanh số của Nissan giảm 10%.

Nissan có lịch sử hơn 100 năm nhưng đang nợ nần chồng chất, vì vậy hãng cần sáp nhập với một đối tác lớn hơn để đáp ứng tốt hơn với thị hiếu thị trường, giải quyết bài toán chi phí gia tăng và những thay đổi toàn cầu khác. Lợi nhuận trong sáu tháng kết thúc vào tháng 9 của hãng này đã giảm 94% so với cùng kỳ năm 2023. Vào tháng 11, Nissan tuyên bố sẽ cắt giảm 20% sản lượng sản xuất toàn cầu, sa thải 9.000 nhân công tương đương với 10% lực lượng lao động của hãng. Nissan cũng cắt giảm 70% dự báo lợi nhuận hoạt động cả năm.

Một số nhà phân tích đã suy đoán, Nissan có thể phải đối mặt với tình trạng phá sản ngay sau năm 2026 khi hãng này phải gánh một khoản nợ khổng lồ sắp đến hạn. Nếu việc sáp nhập thành hiện thực, Nissan có thể tiếp cận với nguồn lực lớn và cơ sở khách hàng rộng lớn hơn.

Honda nổi tiếng với công nghệ xe Hybrid và chiếm thị phần lớn thứ hai toàn cầu sẽ được hưởng lợi từ một liên minh được mở rộng để tung ra thị trường 100% ô tô điện một cách hiệu quả sau thất bại của dự án chung với hãng General Motors của Mỹ.

Về chung nhà với Nissan, Honda có thể có được những chiếc SUV cỡ lớn khỏe khoắn, với sức kéo lớn và hiệu suất địa hình tốt. Nissan cũng có nhiều năm kinh nghiệm chế tạo pin và xe điện cũng như hệ truyền động hybrid xăng - điện, đã ra mắt loại xe điện sản xuất hàng loại đầu tiên trên thế giới kể từ năm 2010. Thế mạnh của Nissan có thể giúp Honda phát triển xe điện và thế hệ hybrid tiếp theo. Nissan, Honda và Mitsubishi trước đó đã tăng cường việc chia sẻ các bộ phận cho xe điện như pin ô tô và cùng nghiên cứu phần mềm lái xe tự động để thích ứng tốt hơn với điện khí hóa.

Những rào cản trong quá trình sáp nhập

Ngay cả sau khi Honda, Nissan và Mitsubishi sáp nhập thì liên minh này sẽ trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai Nhật Bản với 7,5 triệu xe được đưa ra thị trường, trong đó Honda sản xuất được 4 triệu và Nissan là 3,4 triệu và Mitsubishi là hơn 1 triệu xe. Toyota vẫn đứng ở vị trí số 1 với 11,5 triệu xe vào năm 2023. Một liên minh mới ra đời đem lại nhiều tiềm năng cho Honda và Nissan nhưng cả hai cũng thừa nhận rằng kế hoạch sáp nhập vẫn đối mặt với những rào cản.

Honda có thể chờ đến khi Nissan phá sản để mua lại với giá rẻ. Nếu như vậy Nissan cũng có thể rơi vào tay hãng Foxconn, nổi tiếng với vai trò là nhà sản xuất iPhone cho Apple. Foxconn được cho là đang nhắm đến việc mua cổ phần từ hãng xe Renault, cổ đông lớn nhất của Nissan để có được các tài sản cốt lõi của Nissan, đặc biệt là chuyên môn về thiết kế và sản xuất ô tô. Động thái này khiến Nissan và Honda phải đẩy nhanh quá trình đàm phán sáp nhập. Việc sáp nhập với Nissan đồng nghĩa Honda phải giải quyết ba gánh nặng lớn. Đầu tiên là phong cách kinh doanh rất riêng do lịch sử ra đời khác biệt giữa hai bên. Honda, ban đầu là nhà sản xuất xe máy, luôn theo đuổi sự sáng tạo và mạo hiểm. Trong khi đó, Nissan lại thiên về sự ổn định, tập trung mở rộng ra thị trường quốc tế và xây dựng các liên minh. Nissan có bộ máy lãnh đạo trì trệ là rào cản lớn cho bất kỳ nỗ lực cải cách nào. Và việc sa thải họ dường như bất khả thi do ràng buộc bởi các hợp đồng phức tạp.

Khó khăn tiếp theo cho quá trình tái cấu trúc của Honda là các cổ đông lớn vốn là các quỹ đầu tư. Các quỹ này thường mua cổ phần của các công ty đang gặp khó khăn, sau đó tăng giá cổ phiếu rồi bán ra kiếm lời. Thứ ba, giá cổ phiếu Nissan tăng khi thông tin sáp nhập được xác nhận. Điều này đồng nghĩa với việc Honda sẽ phải chi nhiều hơn so với mua lại Nissan khi hãng này phá sản.

Sáp nhập trong ngành ô tô không có gì mới. Chúng đã diễn ra trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX kể từ khi nhiều thương hiệu khác nhau bị mua lại hình thành nên công ty mẹ General Motors (GM). Nhưng đôi khi các công ty mẹ gặp khó khăn trong việc tập hợp các đối tác khác nhau lại với nhau. Nhà sản xuất ô tô Đức Daimler-Benz đã đồng ý mua Chrysler vào năm 1998 với hy vọng có thể kết hợp sức mạnh của mình để củng cố vị thế trong thời kỳ kinh tế khó khăn của ngành công nghiệp ô tô. Nhưng thậm chí chưa đầy mười năm sau, Daimler-Benz lại bán toàn bộ cổ phiếu của bộ phận Chrysler. Tham vọng vượt qua General Motors và Ford để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới đã bị dập tắt.

Còn vụ sáp nhập mới nhất của Chrysler, với Tập đoàn PSA của châu Âu vào năm 2001 để thành lập Stellantis, đã gặp phải những vấn đề riêng trong năm qua, với doanh thu và lợi nhuận giảm.

Hình thành từ năm 1999, Renault - Nissan từng được coi là một chuẩn mực về mô hình liên kết trong ngành công nghiệp ô tô, sau đó kết nạp thêm Mitsubishi Motors vào năm 2016. Năm 2017, liên minh này đã vươn lên trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, với tổng doanh số đạt 10,61 triệu xe. Mô hình này chứng minh được hiệu quả trong suốt gần hai thập kỷ, nhưng tất cả đã sụp đổ vào năm 2018, khi cựu Chủ tịch Carlos Ghosn bị bắt giữ với cáo buộc trốn thuế thu nhập.

Volkswagen đạt được thỏa thuận sau các cuộc đình công

Giống như các hãng xe Nhật Bản, nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu Volkswagen cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc trong khi nhu cầu về xe ô tô mờ nhạt ở châu Âu và việc áp dụng xe điện chậm hơn dự kiến. Nhiều ngày qua hãng đã phải đối mặt với những cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử 87 năm của hãng. Và sau 70 giờ đàm phán liên tục, cuối cũng hãng cũng đạt được một thỏa thuận lịch sử với các nghiệp đoàn về cắt giảm 35.000 việc làm đến năm 2035.

Theo Ngân hàng UBS, ước tính mỗi ngày đình công tại Đức khiến khoảng 2.000 - 3.000 xe Volkswagen không được sản xuất, gây thiệt hại hơn 100 triệu USD về doanh thu và khoảng hơn 20 triệu USD lợi nhuận hoạt động.

Sau gần ba ngày đàm phán căng thẳng dài nhất trong lịch sử tồn tại của hãng, các nghiệp đoàn đã đồng ý về việc cắt giảm hơn 35.000 nhân công đến năm 2035, một thỏa thuận được cho là cần thiết nhằm giảm sản lượng xe hơi Volkswagen sản xuất tại Đức xuống còn hơn 700.000 chiếc.

Thỏa thuận này giúp chấm dứt các cuộc đình công hàng loạt của người lao động tại các nhà máy. Các lãnh đạo nghiệp đoàn ca ngợi thỏa thuận này là "phép màu Giáng sinh", vì sẽ không có việc đóng cửa, sa thải hay cắt lương ngay lập tức.

Về phía Volkswagen, thỏa thuận này sẽ cho phép hãng tiết kiệm 15 tỷ Euro hàng năm trong trung hạn và không có tác động đáng kể nào đến hướng dẫn năm 2024 của hãng.

Số lượng 35.000 việc làm bị cắt giảm trong tương lai tương đương với khoảng 1/4 nhân công của VW và nằm trong kế hoạch của Volswagen.

Hãng cũng cho biết, họ đang xem xét các lựa chọn thay thế cho nhà máy Dresden và tái sử dụng địa điểm Osnabrueck. Một số hoạt động sản xuất sẽ được chuyển sang Mexico.

Volkswagen đã đàm phán với các đại diện công đoàn kể từ tháng 9 về các biện pháp mà họ cho là cần thiết để cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc và nhu cầu xe điện giảm ở châu Âu.

Cuộc đàm phán đã kết thúc và chúng tôi đã đạt được thỏa thuận tốt. Điều này hiện có ý nghĩa gì đối với thương hiệu Volkswagen? Chúng tôi có ba ưu tiên trong đàm phán: giảm tình trạng dư thừa tại các địa điểm ở Đức, cắt giảm chi phí lao động và giảm chi phí phát triển xuống mức cạnh tranh. Chúng tôi đã đạt được các giải pháp khả thi cho cả ba vấn đề. Đây là những quyết định khó khăn nhưng cũng đặt ra một lộ trình quan trọng cho tương lai. Và chúng tôi đang đặt nền móng để Volkswagen trở thành nhà sản xuất số lượng lớn về công nghệ vào năm 2030.

Ông Thomas Schaefer, nhà lãnh đạo của Volkswagen.

Volkswagen công bố những thay đổi sâu rộng đối với các hoạt động tại các nhà máy ở Đức của mình, bao gồm trong tương lai và cắt giảm công suất trong một thỏa thuận cuối cùng giữa nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu và các công đoàn vào nhằm ngăn chặn các cuộc đình công hàng loạt.

Khoảng 100.000 công nhân đã tổ chức hai cuộc đình công riêng biệt trong tháng qua. Cả hai đều là những cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử VW để phản đối kế hoạch cắt giảm chi phí của tập đoàn.

Cuộc khủng hoảng tại VW xảy ra vào thời điểm bất ổn và biến động chính trị ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng như tình trạng hỗn loạn rộng khắp giữa các nhà sản xuất ô tô trong khu vực.

Dù tình hình chung ảm đạm, song vẫn một điểm sáng tích cực đó chính là việc người tiêu dùng vẫn đang ưu chuộng và tiếp tục lựa chọn xe điện, nhờ đó doanh số và thị phần xe điện vẫn liên tục tăng mạnh, chỉ có điều nó không được lạc quan như những gì người ta quá kỳ vọng. Trước những khó khăn của thị trường xe điện, nhiều hãng sản xuất ô tô phải tìm lối đi riêng đó là đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng và tiếp tục đổi mới để đạt tới thành công.

Minh Nguyệt

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nhung-thoa-thuan-lich-su-trong-nganh-san-xuat-o-to-291129.htm