Cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã?

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị, ban soạn thảo cần phân tích rõ nguồn hình thành, cơ chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý Quỹ và quy định rõ trường hợp hoạt động cho vay nếu thất thoát, mất khả năng thanh toán nguồn Quỹ thì ai chịu trách nhiệm?

Chiều 1.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 4 (Lai Châu, Hải Dương, Quảng Ngãi, Bạc Liêu). Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 4 (Lai Châu, Hải Dương, Quảng Ngãi, Bạc Liêu). Ảnh: Hồ Long

Thất thoát, mất khả năng thanh toán Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã - ai chịu trách nhiệm?

Các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia.

Việc sửa đổi Luật cũng sẽ góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Hội nghị lần thứ Năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 20-NQ/TW).

ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho biết, dự thảo Luật đã mở rộng hơn về đối tượng, đồng thời bổ sung 8 nhóm chính sách. Tuy nhiên, một số chính sách quan trọng cần tiếp tục được làm rõ như: ưu tiên các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức… Do vậy, ban soạn thảo phải nghiên cứu, rà soát kỹ hơn để cụ thể hóa nội dung này, phù hợp với yêu cầu Nghị quyết số 20 – NQ/TW.

Đại biểu Trần Thị Hồng An (Quảng Ngãi) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Trần Thị Hồng An (Quảng Ngãi) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, ĐBQH Trần Thị Hồng An (Quảng Ngãi) nêu rõ, theo báo cáo tổng kết 1 năm thi hành luật, tính đến ngày 31.12.2021, cả nước có 56 Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, trong đó có 1 quỹ cấp Trung ương và 55 quỹ địa phương. Với mục đích của quỹ là hỗ trợ, tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển, việc thành lập Quỹ là cần thiết. Tuy nhiên, ĐB Trần Thị Hồng An đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung quy định về nguồn tài chính hình thành Quỹ, cơ chế vận hành, quản lý Quỹ.

ĐB Trần Thị Hoa Ry cũng lưu ý, dự thảo Luật quy định việc thành lập, tổ chức và các hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được thực hiện theo quy định của Chính phủ là chưa hợp lý. Đại biểu đề nghị, đối với Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được thành lập ở Trung ương nên giao cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quản lý; đối với Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được thành lập ở cấp tỉnh nên giao cho Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh quản lý, thực hiện theo Nghị định 45/2021/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Cùng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, cần phân tích rõ nguồn hình thành, cơ chế hoạt động, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Quy định rõ trường hợp hoạt động cho vay nếu thất thoát, mất khả năng thanh toán thì ai chịu trách nhiệm?

Cần làm rõ “hoạt động đầu cơ” là gì?

Về hoạt động tín dụng nội bộ, nhiều ý kiến cho rằng, nội dung liên quan đến tín dụng nội bộ tại dự thảo Luật còn khá mờ nhạt, chưa cụ thể. Chính phủ dự kiến giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về nội dung này nhưng cần làm rõ về nội hàm, điều kiện để hợp tác xã được thực hiện tín dụng nội bộ, cách thức triển khai và quản lý hình thức tín dụng này, đồng thời phải quy định về nguyên tắc của hoạt động tín dụng nội bộ tại dự thảo Luật, bảo đảm thống nhất với Luật Các tổ chức tín dụng vì tín dụng là hoạt động mang tính đặc thù và tiềm ẩn rủi ro cao, nhằm tránh rủi ro hệ thống và bất ổn về trật tự an ninh chính trị, xã hội.

Theo ĐB Phạm Văn Hòa, quy định tín dụng nội bộ không chỉ cho phép huy động vốn, cho vay của các thành viên trong hợp tác xã, mà còn cho vay cả ngoài thành viên hợp tác xã, không chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Nếu làm ăn thua lỗ, sai phạm thì ai chịu trách nhiệm. Do đó cần cân nhắc kỹ quy định này.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về các hành vi bị nghiêm cấm, ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) lưu ý, dự thảo Luật quy định, cấm tổ chức kinh tế hợp tác thực hiện bất kỳ hoạt động nào mang tính chất đầu cơ và vì lợi ích của một nhóm thành viên. Như vậy, cần làm rõ “hoạt động đầu cơ” là gì. Ví dụ như hợp tác xã gom hàng hóa chuẩn bị cho chu kỳ sản xuất mới thì có gọi là đầu cơ không? Trong khi hoạt động này rất phổ biến ở hợp tác xã, vì hợp tác xã phải gom hàng hóa để chế biến tập trung.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/co-quan-nao-chiu-trach-nhiem-quan-ly-quy-ho-tro-phat-trien-hop-tac-xa--i305514/