Cơ quan nào giúp UBND huyện quản lý nhà nước về thú y?
Theo phản ánh của ông Đỗ Nam (Đắk Nông), việc kiện toàn hệ thống cơ quan thú y ở các địa phương đang dẫn đến tình trạng giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thú y không rõ ràng, không thống nhất giữa các địa phương, ảnh hưởng nhiều đến việc tham mưu, triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh ở cấp huyện.
Theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, khi sáp nhập Trạm Thú y thì chuyển một số nhiệm vụ quản lý nhà nước của Trạm Thú y về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể. Do đó, UBND các huyện chưa có căn cứ để ban hành quyết định giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thú y cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo Luật Thú y năm 2015, Nghị định số 35/2016/NĐ-CP thì hệ thống cơ quan chuyên ngành thú y ở địa phương như sau:
"a) Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố thuộc trung ương (sau đây gọi là cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh), giúp Giám đốc Sở tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Thú y;
b) Trạm thuộc Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y đặt tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi là cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện) thực hiện nhiệm vụ được giao trên địa bàn cấp huyện và phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc phòng kinh tế giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y trên địa bàn cấp huyện".
Thông tư số 30/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cơ bản không thay đổi so với Thông tư số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV: "Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện; tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương về: nông nghiệp; lâm nghiệp; thủy lợi; thủy sản; phòng, chống thiên tai; chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản; phát triển nông thôn; phát triển kinh tế hộ; kinh tế trang trại nông thôn; kinh tế hợp tác xã nông, lâm, ngư, gắn với ngành nghề, làng nghề ở nông thôn và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân huyện và theo quy định của pháp luật".
Ông Nam hỏi, việc sáp nhập Trạm Thú y vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp như hiện nay trong khi chưa có sự điều chỉnh, sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật về thú y thì cơ quan nào là đơn vị tham mưu, giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về thú y?
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời vấn đề này như sau:
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII quy định "Hợp nhất Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Ttrồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Khuyến ngư,... cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và chuyển một số chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước ở các đơn vị này về Phòng Nông nghiệp (hoặc Phòng Kinh tế) cấp huyện".
Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:
"2. Ở các thị xã, thành phố thuộc tỉnh:
a) Phòng Kinh tế: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Nông nghiệp, lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy lợi, thủy sản, phát triển nông thôn; phòng, chống thiên tai; chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông sản, lâm sản, thủy sản, muối, tiểu thủ công nghiệp; khoa học và công nghệ; công nghiệp; thương mại;…
3. Ở các huyện:
a) Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Nông nghiệp, lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy lợi, thủy sản; phát triển nông thôn; phòng, chống thiên tai; chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông sản, lâm sản, thủy sản, muối; phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại nông thôn, kinh tế hợp tác xã nông, lâm, ngư, diêm nghiệp gắn với ngành nghề, làng nghề nông thôn;…".
Theo Điểm b Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Thú y:
"b) Trạm thuộc Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y đặt tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi là cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện) thực hiện nhiệm vụ được giao trên địa bàn cấp huyện và phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y trên địa bàn cấp huyện".
Theo quy định nêu trên, đối với các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc hợp nhất Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Khuyến ngư,... cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và chuyển chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước ở các trạm về Phòng Nông nghiệp hoặc Phòng Kinh tế cấp huyện theo Nghị quyết số 19-NQ/TW thì Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế là đơn vị tham mưu, giúp giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về thú y.
Đối với các tỉnh, thành phố không giải thể các trạm thuộc Chi cục thì Trạm về lĩnh vực chăn nuôi, thú y phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước trong lĩnh vực thú y.
Theo quy định tại Luật Thú y, Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y, hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y gồm:
(1) Cấp Trung ương: Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
(2) Cấp tỉnh: Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
(3) Cấp huyện: Trạm thuộc Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y đặt tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được báo cáo của một số tỉnh đã thực hiện thí điểm việc giải thể các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y để thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, trong đó đánh giá việc giải thể các trạm để thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm dịch, điều tra, phát hiện và phòng trừ dịch hại thực vật, dịch bệnh động vật, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, xử lý vi phạm trong lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y... theo quy định của Luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, pháp luật có liên quan và đề nghị duy trì hoặc tái thành lập các trạm thuộc Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở trên địa bàn cấp huyện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo Đoàn Giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tại Văn bản số 3034/BC-BNN-TCCB ngày 25/4/2024 và Văn bản số 4667/BC-BNN-TCCB ngày 1/7/2024).