Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm gồm cả 3 lực lượng y tế, nông nghiệp, công thương
Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, mô hình tổ chức mới về quản lý an toàn thực phẩm đang được kiện toàn, lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.
200 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng đạt chuẩn GPM
Đó là thông tin vừa được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đưa ra tại Hội thảo triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế tổ chức.
Nói về những kết quả đạt được trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, theo đánh giá độc lập của Ngân hàng thế giới năm 2017, hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam đã tiếp cận với phương thức quản lý tiên tiến của thế giới.
Đặc biệt, việc Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã thay đổi căn bản phương thức quản lý an toàn thực phẩm, quản lý dựa trên nguy cơ, giảm tối đa tiền kiểm; tăng hậu kiểm, phân công rõ ràng các bộ tham gia quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo nguyên tắc một doanh nghiệp, một cơ sở sản xuất chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước.
Theo đó, Bộ Y tế quản lý 6 nhóm ngành hàng, Bộ Công Thương quản lý 8 nhóm ngành hàng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 19 nhóm ngành hàng.
Các quy định nêu trên tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng cũng tăng trách nhiệm của doanh nghiệp với sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và tăng cường trách nhiệm cho các địa phương, doanh nghiệp.
Với phương thức quản lý này, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì đã tiết kiệm cho xã hội hàng triệu ngày công và hàng ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó cũng tăng chế tài xử phạt khi phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm như phạt đến 7 lần trị giá hàng hóa vi phạm hoặc phạt tối đa 20 năm tù nếu vi phạm an toàn thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng.
Với hệ thống kiểm nghiệm, theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, đến nay trên toàn quốc ngành Y tế có 6 labo thuộc các viện trung ương và 63 phòng kiểm nghiệm thực phẩm cấp tỉnh được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn ISO/IEC, trong đó có 62/63 tỉnh có phòng kiểm nghiệm thực phẩm thuộc sở y tế, riêng phòng kiểm nghiệm thực phẩm tại Cà Mau thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.
Ngoài ra, hiện Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm là cơ quan trọng tài trong lĩnh vực kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, đủ khả năng triển khai các kỹ thuật phân tích khó, mới. Viện cũng được tham gia vào hệ thống các Labo tham chiếu ASEAN.
Với công tác truyền thông về an toàn thực phẩm, theo ông Phong, cụm từ an toàn thực phẩm trước đây ít người nhắc tới nhưng nay an toàn thực phẩm đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn xã hội.
Theo điều tra xã hội học hàng năm thì kiến thức, thực hành về vệ sinh an toàn thực phẩm của người sản xuất, chế biến, tiêu dùng đều được nâng lên.
Với các kết quả nêu trên đã góp phần đưa nước ta từ một nước nhập khẩu lương thực, thực phẩm đến nay chúng ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, tuổi thọ trung bình của người Việt cũng tăng từ 71,3 năm 2007 lên 73,7 tuổi năm 2022.
Riêng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, từ ngày 1/7/2019 phải sản xuất tại cơ sở được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP). Hiện nay Việt Nam có trên 200 cơ sở sản xuất đạt chứng nhận GMP.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, công tác an toàn thực phẩm hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm tại các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, bệnh viện, trường học còn diễn biến phức tạp.
Tình trạng nhập lậu, thực phẩm không đảm bảo còn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí còn ảnh hưởng đến uy tín của thực phẩm nhập khẩu.
Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không đảm bảo các điều kiện vệ sinh tối thiểu như điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm chưa đủ kiến thức dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm
Tỷ lệ nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất, cụ thể là tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, các chất kháng sinh, kích thích tăng trưởng trong các nông sản và thịt gia súc, gia cầm làm nguyên liệu để chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các nước khác trong khu vực.
Cơ chế thị trường tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực phẩm nhập khẩu song bên cạnh đó còn tồn tại vi phạm về đạo đức sản xuất, kinh doanh dẫn đến nhiều sản phẩm chưa bảo đảm vẫn bị lén lút đưa ra thị trường.
Một bộ phận không nhỏ tổ chức cá nhân kinh doanh thực phẩm trong đó có thực phẩm bảo vệ sức khỏe vì lợi nhuận, bất chấp quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh.
Chưa kể, chính từ sự thông thoáng của chinh sách hậu kiểm nên một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để vi phạm như đăng ký kinh doanh xong chuyển địa điểm. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có khoảng 80% doanh nghiệp nói chung có hiện tượng đăng ký một nơi, kinh doanh một nơi.
Sẽ có cơ quan tổ chức mới về quản lý an toàn thực phẩm
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, theo lộ trình từ nay đến 2025, cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ được kiện toàn, xây dựng lại theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối
Hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế;
Bước đầu hình thành một số mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; Nhiều hàng hóa thực phẩm sản xuất trong nước đạt chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Hệ thống cơ cấu tổ chức còn chưa thống nhất, đồng bộ; Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học bước đầu đã có kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn cao;
Việc kinh doanh trực tuyến, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội; Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa đạt hiệu ng quả cao…
Được biết, sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Bộ Y tế đã tổ chức kế hoạch tuyên truyền, triển khai thực hiện.
Quán triệt triển khai Chỉ thị 17 của Ban Bí thư và hướng dẫn số 82 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Quyết định số 426/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17, thời gian tới sẽ xây dựng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương.
Đồng thời phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy này. Bộ Y tế sẽ cùng với các bộ ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để nhanh chóng kiện toàn về tổ chức bộ máy theo nhiệm vụ Ban Bí thư, Chính phủ giao.
Theo đó, ở mô hình tổ chức bộ máy mới sẽ được xây dựng theo hướng tập trung các lực lượng chuyên môn về y tế, công thương, nông nghiệp trong một cơ quan chung, giống như mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm hiện đang được thực hiện thí điểm ở 3 tỉnh thành (TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh).
Lộ trình kiện toàn mô hình tổ chức là từ 2023-2025. Hiện mô hình tổ chức mới về quản lý an toàn thực phẩm vẫn chưa được hình thành, chưa rõ tên gọi, việc này Bộ Nội vụ sẽ đề xuất. Tuy nhiên, cơ quan tổ chức mới về quản lý an toàn thực phẩm sẽ phải tập trung đủ cả 3 lực lượng y tế, nông nghiệp, công thương.
Ngoài ra, một giải pháp quan trọng khá là tăng hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, kêu gọi hỗ trợ về kinh phí cũng như kỹ thuật cho công tác an toàn thực phẩm.
Hoàn thiện thể chế pháp luật phù hợp với tình hình thực tế như kinh doanh online, văn phòng ảo, quảng cáo xuyên biên giới, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo sức khỏe người dân là trên hết, trước hết và phù hợp với thông lệ quốc tế.
An ninh, an toàn thực phẩm là một vấn đề lớn không chỉ ở các nước đang phát triển như nước ta mà ngay cả các nước phát triển như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... các sự cố về an toàn thực phẩm vẫn thường xuyên xảy ra. Đây là vấn đề hết sức phức tạp. Theo WHO, hàng năm khoảng 42.000 chết vì ăn phải thực phẩm bẩn ô nhiễm.