Cơ quan thuế, hải quan tiếp tục đi tiên phong trong chuyển đổi số

Những kết quả tích cực trong chuyển đổi số của ngành Tài chính đã được người dân, doanh nghiệp, tổ chức đánh giá cao. Trong đó, cơ quan thuế, hải quan đã ghi dấu ấn, là cơ quan tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số bằng những con số và kết quả cụ thể.

Cơ quan Thuế tiếp nhận, xử lý gần 8,3 tỷ hóa đơn điện tử

Công tác cải cách hành chính của Bộ Tài chính ngày càng được quan tâm, chất lượng và hiệu quả công việc ngày một rõ nét hơn.

Lãnh đạo Bộ Tài chính đã quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tài chính - ngân sách, góp phần giữ vững ổn định, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả này đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Tài chính trong triển khai công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2024.

102 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai nộp thuế thành công.

102 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai nộp thuế thành công.

Trong đó, Bộ Tài chính coi công tác cải cách thể chế là nhiệm vụ trọng tâm; công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa được đẩy mạnh. Kết quả sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính đã cho thấy những hiệu quả bước đầu trong việc giảm bớt các tầng nấc trung gian, thay đổi phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật của ngành tài chính

Đối với lĩnh vực thuế, dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử đã được triển khai tại 100% Cục Thuế và Chi cục Thuế địa phương. Đến nay, đã có trên 99% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai, nộp và hoàn thuế điện tử; đã hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh...

Về hóa đơn điện tử, đã triển khai thống hóa đơn điện tử tại 63 tỉnh, thành phố. Kết quả từ khi triển khai (1/7/2022) đến ngày 30/6/2024, tổng số hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý là gần 8,3 tỷ hóa đơn (trong đó có 2,3 tỷ hóa đơn có mã; hơn 5,9 tỷ hóa đơn không mã, 1,75 triệu hóa đơn theo lần phát sinh).

Triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết quả từ thời điểm triển khai (15/12/2022) đến ngày 30/6/2024, có 71.329 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 567.789.727 hóa đơn.

Về dịch vụ nộp thuế điện tử eTax Mobile, đến nay số lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile là 1.170.779 lượt, số giao dịch qua ngân hàng thương mại là 1.867.349 giao dịch với tổng số tiền đã nộp thành công 4.376 tỷ đồng.

Triển khai Cổng Thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài, đã có 102 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công. Cổng tiếp nhận thông tin từ các sàn thương mại điện tử trong nước, số lượng các sàn gửi dữ liệu cung cấp thông tin đến cơ quan thuế là 384 sàn thương mại điện tử tương ứng với 1.735 lượt nộp hồ sơ.

Về triển khai hệ thống tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến nay đã tiếp nhận 17.433 hồ sơ đăng ký thuế lần đầu và 5.887 hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân không kinh doanh qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG).

Trong lĩnh vực thuế, triển khai thanh toán nghĩa vụ tài chính trên Cổng DVCQG, đến nay đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Quản lý đất đai và các đơn vị liên quan hỗ trợ triển khai dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho 63/63 tỉnh, thành phố. Từ ngày 01/01/2024 đến nay, có 153.475 giao dịch nộp nghĩa vụ tài chính qua Cổng DVCQG với số tiền trên 1.154 tỷ đồng.

Tiếp tục mở rộng Cơ chế một cửa ASEAN

Trong lĩnh vực hải quan, về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Bộ Tài chính cho biết đã tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để triển khai TTHC trên Cơ chế một cửa quốc gia. Đã có 250 TTHC của 13 Bộ, ngành kết nối với 7,43 triệu bộ hồ sơ của hơn 72 nghìn doanh nghiệp.

Tổng cục Hải quan tăng cường công nghệ thông tin trong công tác quản lý.

Tổng cục Hải quan tăng cường công nghệ thông tin trong công tác quản lý.

Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng Cơ chế một cửa ASEAN, duy trì kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để trao đổi chính thức tờ khai Hải quan ASEAN theo kế hoạch. Trao đổi để xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,...

Về Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung của ngành Hải quan, tiếp tục quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung của ngành Hải quan ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đối với lĩnh vực kho bạc, 100% TTHC lĩnh vực kho bạc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thu phí, lệ phí và thu phạt trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp ngân sách đối với nhà cung cấp nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian tổ chức thu.

Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đặt ra mục tiêu đến năm 2030 hình thành hệ sinh thái tài chính số gắn với các chỉ tiêu cụ thể để mang lại sự hài lòng, đồng thuận cho đối tượng thụ hưởng.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, chuyển đổi số đã tạo ra sự thay đổi về tư duy, nhận thức, phương thức xử lý công việc và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của hầu hết các đơn vị trong ngành Tài chính.

Đến nay, phần lớn hoạt động chỉ đạo, điều hành tại Bộ Tài chính đã được thực hiện trên môi trường số. Như vậy, ngành Tài chính đã chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh chuyển đổi số./.

Minh bạch hóa các quy trình giải quyết TTHC

Bộ Tài chính tiếp tục triển khai áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO 9001:2015 tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ theo đúng quy định.

Việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động của Bộ Tài chính là một trong những giải pháp quan trọng, hỗ trợ cho các cơ đơn vị thuộc Bộ chuẩn hóa các quá trình giải quyết công việc, cải tiến phương thức thực thi công vụ với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của tổ chức, cá nhân công dân có liên quan. Đồng thời, minh bạch hóa các quy trình giải quyết TTHC, hướng đến một nền hành chính hiện đại, dân chủ, trong sạch và vững mạnh.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-quan-thue-hai-quan-tiep-tuc-di-tien-phong-trong-chuyen-doi-so-154945.html