Cơ quan tình báo GDI của Taliban

Kể từ khi nắm quyền kiểm soát đất nước Afghanistan (tháng 4/2021), tháng 7/2022, chính quyền Taliban chính thức đổi tên Tổng cục An ninh quốc gia (NDS) thành Tổng cục Tình báo (GDI), lãnh đạo bởi Abdul Haq Wasiq, thứ trưởng NDS từ 1996 đến 2001.

Trách nhiệm của GDI là“chống gián điệp, giải quyết các mối quan hệ với chiến binh nước ngoài là thành viên của Al-Qaeda ở Afghanistan, giải quyết những mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), giải quyết những nhà báo gây ảnh hường bất lợi đến đường lối của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan…”.

Kẻ thù thứ nhất

Tên gọi chính thức của Afghanistan hiện nay là Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, đứng đầu bởi nhà lãnh đạo tối cao Hibatullah Akhundzada. Chỉ hơn 1 năm sau khi kiểm soát Afghanistan, ông Hibatullah Akhundzada ký quyết định đổi tên Tổng cục An ninh quốc gia NDS thành Tổng cục tình báo GDI, đồng thời đưa Abdul Haq Wasiq, đã từng có thời gian bị quân đội Mỹ bắt giữ và giam cầm tại Vịnh Guantanamo, từ vị trí Thứ trưởng NDS thành người chỉ huy GDI. Tất cả mọi hoạt động của GDI đều được Abdul Haq Wasiq báo cáo trực tiếp với lãnh đạo Hibatullah Akhundzada mà không cần phải thông qua bất cứ thành viên nào trong chính phủ, kể cả Bộ trưởng Quốc phòng.

Nối tiếp công việc của NDS, từ tháng 7/2022 đến giữa năm 2023, GDI tổ chức nhiều chiến dịch săn lùng những người Afghanistan đã từng làm việc cho liên quân Anh, Pháp, Mỹ…, dưới thời Tổng thống Ashraf Ghani. Tất cả những người này bị bắt, bị thanh lọc rồi được tha nếu chỉ cộng tác trong lĩnh vực y tế, giáo dục hoặc một số ngành nông nghiệp công nghiệp. Còn những người là sĩ quan quân đội, cảnh sát, an ninh tình báo thì tử hình!

Abdul Haq Wasiq, người lãnh đạo GDI hiện nay.

Abdul Haq Wasiq, người lãnh đạo GDI hiện nay.

Về chống khủng bố, đối tượng quan tâm hàng đầu của GDI là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Nhà nước Hồi giáo tự xưng vùng Kharosan (IS-K). Theo Abdul Haq Wasiq, cả hai tổ chức này đều có ý định “chiếm lại Afghanistan để thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo vùng Kharosan”.

Xung đột giữa Taliban và IS-K bắt đầu nổi lên từ năm 2015 khi IS-K thành lập chi nhánh ở miền Đông Afghanistan để giành quyền kiểm soát lãnh thổ. Tiếp theo, IS-K cho ra đời các chi nhánh khác ở Tây Bắc, Tây Nam. Và mặc dù được sự ủng hộ của cả IS, Phong trào Hồi giáo Uzbekistan lẫn Mặt trận Mullah Dadullah nhưng IS-K đánh đâu thua đó trong lúc sau lưng Taliban là Mạng lưới Haqqani và al-Qaeda, Đến đầu năm 2021, phần lớn những vùng lãnh thổ do IS-K kiểm soát đều bị Taliban chiếm lại.

Buộc phải rút lui vào những khu vực hẻo lánh giáp với Pakistan, bên cạnh việc đấu tranh chính trị bằng cách cho ra đời tạp chí “Tiếng nói Kharosan” nhằm mục đích tuyên truyền, IS-K còn liên tục tổ chức những vụ đánh bom tự sát nhắm vào các nhà thờ Hồi giáo, các trường tôn giáo ở Afghanistan, trong đó đáng kể nhất là vụ đánh bom Nhà thờ Sufi, xảy ra hôm thứ Sáu 29/4/2022, ngày cuối cùng của tháng chay Ramadan, giết chết 50 người, bị thương 108 người khi họ đang cầu nguyện. 5 tháng sau, ngày 30/9/2022, một kẻ đánh bom liều chết đã kích hoạt khối thuốc nổ giấu trong người tại Trung tâm giáo dục Kaaj ở Dashte Barchi, khu phố Hazara, Kabul khiến 52 học sinh, giáo viên thiệt mạng và 110 người khác bị thương. Đáp lại, tính đến cuối tháng 5/2024, hơn 600 thành viên IS-K đã bị GDI bắt giữ và có vẻ như việc triệt hạ đối thủ hiện hữu vẫn sẽ tiếp tục.

GDI bắt Youtuber Ajmal Haqiqi.

GDI bắt Youtuber Ajmal Haqiqi.

Đối thủ thứ hai

Với al-Qaeda, mặc dù được sự ủng hộ của tổ chức khủng bố này nhưng GDI vẫn phải dè chừng các chiến binh trung thành với cố thủ lĩnh Osama bin Laden. Trong suốt thập niên 1990, NDS, tiền thân của GDI, đã đưa ra những lời hứa hão huyền khi Chính phủ Mỹ đề nghị Taliban giao nộp Osama bin Laden, lúc ấy đang ẩn náu ở Afghanistan, nhất là sau các cuộc tấn công của al - Qaeda vào đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania năm 1998. Thậm chí tháng 5/1999, Ngoại trưởng Mỹ là bà Madeleine Albright đã viết trong một thông điệp gửi Taliban: “Nếu nước Mỹ bị tấn công một lần nữa, chúng tôi sẽ buộc Taliban phải chịu trách nhiệm trực tiếp về hành động của bin Laden. Chúng tôi có quyền sử dụng bất kỳ phương tiện nào để trả đũa. Taliban nên hiểu rằng lựa chọn của họ rất rõ ràng. Họ có thể hợp tác với Mỹ hoặc đối đầu với Mỹ”.

Thế nhưng, mặc cho những lời lẽ cứng rắn của Ngoại trưởng Madeleine Albright, Taliban vẫn giữ thái độ lập lờ và vẫn để bin-Laden sử dụng lãnh thổ Afghanistan điều hành mạng lưới al-Qaeda ở một số nơi trên thế giới. Chỉ đến khi xảy ra vụ tấn công khủng bố tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới New York, Mỹ, ngày 11/9/2001 do bin-Laden chủ mưu thì đến tháng 10 cùng năm, Không quân Mỹ đồng loạt ném bom tất cả các trại huấn luyện của Taliban trên đất Afghanistan đồng thời đem quân vào quốc gia này, lật đổ chế độ Taliban, đưa ông Hamid Kazai lên làm tổng thống. Tuy nhiên không phải vì thế mà hòa bình đã trở lại. Trong suốt 10 năm, Taliban vẫn tồn tại và vẫn tiến hành cuộc chiến tranh khủng bố tiêu hao, dẫn đến chiến thắng của họ hồi cuối tháng 4/2021.

Sau khi kiểm soát toàn bộ đất nước, nhà lãnh đạo Hibatullah Akhundzada nhận ra rằng Taliban đang phải dàn mỏng trên khắp lãnh thổ, điều mà họ chưa kịp chuẩn bị. Vì thế, ông lại tiếp tục bắt tay với al-Qaeda để tìm sự giúp đỡ với tư cách là một đối tác chiến lược nhằm giúp Taliban quản lý các các chiến binh nước ngoài từ Trung Đông và từ Trung, Nam Á, đang đổ xô đến Afghanistan để tham gia “thánh chiến”. đồng thời cũng nhằm giảm bớt nguy cơ al-Qaeda liên minh với nhóm Haqqani bởi lẽ nếu liên minh ấy hình thành, al - Qaeda và nhóm Haqqani thừa khả năng sử dụng chuyên môn quân sự, sức mạnh bạo lực cùng các mối liên kết với những tổ chức khủng bố quốc tế chống lại Taliban.

Cuối năm 2023, khi cảm thấy đã “đủ lông đủ cánh”, thông qua GDI, nhà lãnh đạo Hibatullah Akhundzada bắt đầu loại dần quyền lực của al-Qaeda. Bằng cách liên kết với Cơ quan tình báo Pakistan, GDI nắm được một số thông tin về những ý đồ chiến lược của al-Qaeda rồi tìm cách ngăn cản hoặc phá vỡ nếu những chiến lược ấy không mang lại lợi ích cho Afghanistan. Một chỉ huy cao cấp của al-Qaeda ở bán đảo Arab đã phải ngao ngán khi nói chuyện với một chỉ huy al-Qaeda ở Somali, châu Phi: “Pakistan biết tất cả mọi thứ. Họ kiểm soát mọi thứ. Tôi không thể leo lên một cái cây ở Kunar mà không bị theo dõi”.

Hiện tại, mối lo ngại lớn nhất của GDI là một ngày nào đó, al-Qaeda sẽ trở mặt liên kết với IS-K Afghanistan. Theo các nguồn tin tình báo phương Tây, 1/4 lực lượng GDI đang được tung ra nhằm theo dõi mọi động thái của cả al-Qaeda lẫn IS-K nhằm có thể phá vỡ nó trước khi liên minh hình thành.

3 trong số 279 nhà báo bị GDI bắt, gồm Abdul Qayum Zahid Samadzai, Ibrahim Alipoor và Ehsan Akbari.

3 trong số 279 nhà báo bị GDI bắt, gồm Abdul Qayum Zahid Samadzai, Ibrahim Alipoor và Ehsan Akbari.

Mối lo thứ ba

Ngày 19/1/2024, Tổng cục Tình báo GDI công khai kêu gọi truyền thông Afghanistan “hạn chế xuất bản và phát sóng những tin tức sai sự thật và tin đồn vô căn cứ”. Lời cảnh báo này là sự thừa nhận đầu tiên của Taliban về những chiến dịch gây sức ép tới báo chí, thực hiện từ cuối năm 2021 đến nay.

Khi Taliban kiểm soát toàn bộ đất nước Afghanistan, chính sách truyền thông ban đầu được quản lý bởi các tổ chức dân sự là Bộ Thông tin văn hóa, sau đó là Bộ Khuyến khích đạo đức và phòng chống tệ nạn. Trong một cuộc họp báo ở Kabul ngày 24/8/2021, người phát ngôn của Taliban là Zabihullah Mujahid nói: “Chúng tôi sẽ tạo ra hình ảnh thân thiện với báo chí, kể cả với các phương tiện truyền thông hoạt động độc lập nếu họ không đi ngược các giá trị Hồi giáo, các lợi ích quốc gia” nhưng chỉ 25 ngày sau, Trung tâm thông tin và truyền thông chính phủ (GMIC) đã công bố 11 quy tắc mới, bao gồm các chỉ thị mà các nhà báo phải chấp hành.

Và đó là lúc bi kịch xảy ra. Bắt đầu từ cuối tháng 6/2023, quyền kiểm soát báo chí nằm trong tay GDI khi những tin tức về việc Taliban cấm nữ giới đi học ngoại trừ bậc tiểu học, đóng cửa các trường trung, đại học dành cho nữ giới, đóng cửa các tiệm uốn tóc, các thẩm mỹ viện, các tổ chức nhân đạo quốc tế phải rời khỏi Afghanistan…, được các nhà báo trong nước đưa lên mạng xã hội, đã khiến thế giới có cái nhìn rõ ràng về những gì đang xảy ra. Và mặc dù sau đó để cải thiện tình hình, Taliban đã cho phép các cửa hàng thời trang, thẩm mỹ viện, đồ trang sức được hoạt động trở lại cũng như cho phép dịch, bán một số tác phẩm văn học phương Tây nhưng không vì thế mà tự do báo chí được nới lỏng.

Ngày 1/2/2024, đặc vụ GDI bắt Abdul Qayum Zahid Samadzai, phóng viên của Tập đoàn Truyền thông độc lập 92News có trụ sở tại Pakistan rồi đánh đập và thẩm vấn ông trong suốt 36 tiếng đồng hồ với cáo buộc “gián điệp nước ngoài”. Họ chỉ thả Abdul sau khi ông ký cam kết “ngừng đưa tin về những vấn đề xã hội, chính trị ở Afghanistan”. Theo một số nhà báo và cơ quan điều hành truyền thông, GDI hiện đang áp đặt một chế độ an ninh bất thành văn, không báo trước đối với các phóng viên hoạt động ở Afghanistan: Tất cả các phóng viên người Afghanistan và nước ngoài đều phải có thư công nhận từ văn phòng người phát ngôn Chính phủ Taliban mà thực chất là GDI, trong thư, ngoài việc nêu rõ họ tên, cơ quan làm việc, số điện thoại thì phóng viên chỉ được phép tác nghiệp ở những nơi do Taliban chỉ định.

Người bị bắt thứ hai là Ibrahim Alipoor, phóng viên ảnh tự do, quốc tịch Iran. Các đặc vụ GDI đã còng tay và bịt mắt Alipoor suốt ba ngày dù anh có thư giới thiệu. Những kẻ thẩm vấn Alipoor đã lăng mạ anh, cáo buộc anh là gián điệp. Chỉ đến khi Bộ Ngoại giao Iran có công hàm phản đối, Alipoor mới được thả. Người thứ ba là nhà báo Lynn O'Donnell viết cho tờ Chính sách đối ngoại - Foreign Policy. GDI buộc cô phải đưa ra tuyên bố rút lại các bài viết trước đó với lý do “xúc phạm văn hóa Afghanistan”. Nhà báo thứ tư hiện vẫn bị GDI cầm tù là Ehsan Akbari của Hãng thông tấn Kyodo News, Nhật Bản. Ehsan bị GDI triệu tập và bắt giữ tại thủ đô Kabul ngày 17/1. Hôm sau, đặc vụ GDI đến văn phòng của Akbari, tịch thu máy tính xách tay, điện thoại và máy ảnh rồi tiến hành lục soát nơi ở của anh nhưng không cung cấp thông tin về lý do tại sao Ehsan bị bắt.

Theo Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc và Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ), ít nhất đã có 279 nhà báo bị GDI bắt giam trong tổng số 2.091 nhà báo nam và 243 nhà báo nữ hiện đang làm việc ở nước này. Tất cả đều bị cáo buộc bởi những tội danh mơ hồ. Ngay cả những Youtuber cũng không thoát khỏi nhà tù, nhất là với những người nổi tiếng như Ajmal Haqiqi khi trong chốn riêng tư, anh trao đổi với bạn bè: “Ngoài IS-K, al-Qaeda, chúng tôi là kẻ thù thứ ba của chế độ…” và bị chỉ điểm viên GDI báo cáo…

Vũ Cao (Theo Inside Politics)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/co-quan-tinh-bao-gdi-cua-taliban-i734962/