Vạn dặm tha hương: Nỗi đau trên cung đường ác quỷ

'Tôi rất sợ khi con thuyền lênh đênh giữa biển. Nhưng, nhớ lại tất cả những điều tồi tệ đã xảy ra tại Libya, tôi biết mình không thể quay về', câu chuyện của chàng trai 26 tuổi có tên Fnan có lẽ cũng là câu chuyện chung của hàng nghìn số phận từng lênh đênh trên những con thuyền xuyên Trung Địa Trung Hải - tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới. Họ bước lên thuyền với hy vọng mong manh về một trang đời mới, dẫu biết rằng hải trình trước mặt họ đầy rẫy những hiểm nguy.

Cung đường hy vọng tới châu Âu

Địa Trung Hải, vốn nổi tiếng với những vùng biển quyến rũ bậc nhất thế giới, giờ đây lại được nhắc đến như tuyến đường phổ biến của những người di cư vào châu Âu. Có 3 tuyến đường di cư chính cùng tồn tại trên Địa Trung Hải, đó là Trung Địa Trung Hải (CMR) đi từ Bắc Phi (chủ yếu là Libya) đến Italy, Đông Địa Trung Hải (EMR) đi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp, Tây Địa Trung Hải (WMR) đi từ Morocco đến lục địa Tây Ban Nha. Trong khi số lượng người di cư đến châu Âu thông qua tuyến Đông Địa Trung Hải đã giảm đáng kể trong những năm gần đây, tuyến Trung Địa Trung Hải lại dần nổi lên như một “hải trình” lý tưởng, trải dài từ châu Phi, từ Algeria, Ai Cập, Libya và Tunisia đến Italy và Malta. Nhưng, tuyến đường ấy chưa bao giờ bình an.

Trung Địa Trung Hải - tuyến đường di cư trên biển nguy hiểm nhất thế giới - vẫn chứng kiến hàng nghìn người di cư mỗi năm.

Trung Địa Trung Hải - tuyến đường di cư trên biển nguy hiểm nhất thế giới - vẫn chứng kiến hàng nghìn người di cư mỗi năm.

Ngày 17/6, lực lượng cứu hộ Italy xác nhận ít nhất 11 người đã thiệt mạng và hàng chục người mất tích trong 2 vụ đắm thuyền riêng biệt gần bờ biển nước này. 10 thi thể đã được tìm thấy trên một chiếc thuyền gỗ cách đảo Lampedusa của Italy khoảng 40 dặm về phía Nam bởi lực lượng cứu hộ RESQSHIP của Đức. Alarm Phone - dịch vụ cứu trợ dành cho những người gặp nạn khi vượt Địa Trung Hải cho biết trên mạng xã hội X: “Chúng tôi được cảnh báo về một chiếc thuyền gặp nạn chở khoảng 60 người. Thật không may, chúng tôi đã đến quá muộn để có thể cứu được 10 sinh mạng. Chỉ có 51 người được giải cứu khỏi con thuyền khởi hành từ Tunisia. Biên giới EU tiếp tục chứng kiến sự mất mát”.

Cùng ngày, 66 nạn nhân được báo cáo mất tích trong một vụ đắm thuyền tương tự ở biển Ionian, cách bờ Calabria ở miền Nam Italy khoảng 100 dặm. Chỉ 12 người được giải cứu, nhưng một trong số họ đã thiệt mạng sau khi được một tàu thương mại đưa đến cảng Roccella Ionica.

“Những người sống sót cho biết có 66 người mất tích, trong đó có ít nhất 26 trẻ em, thậm chí cả trẻ em mới vài tháng tuổi”, Shakila Mohammadi - điều phối Tổ chức Bác sĩ không biên giới ở Roccella Ionica, chia sẻ với Rai News. Điểm trùng hợp đau lòng của cả hai vụ đắm thuyền thương tâm này là đều xảy ra trên tuyến đường di cư mang tên “Trung Địa Trung Hải”.

Theo những nạn nhân may mắn được giải cứu trong vụ việc 66 người di cư mất tích, động cơ của con thuyền khởi hành từ Thổ Nhĩ Kỳ 8 ngày trước đó đã bốc cháy khiến thuyền bị lật và trên con thuyền không có đủ phao cứu sinh. Tất cả thành viên trên con thuyền đều đến từ Iran, Iraq và Syria nhưng chẳng ai có thể xác minh nhân thân của họ. Nếu báo cáo thương vong được xác nhận, số người chết và mất tích tại vùng biển Trung Địa Trung Hải sẽ tăng lên hơn 800 người trong năm nay. Nghĩa là, trung bình mỗi ngày sẽ có 5 người thiệt mạng trên tuyến di cư này.

Thực tế đau thương này đã tồn tại gần một thập kỷ và những vụ chìm thuyền đã không còn lạ lẫm trên vùng biển nguy hiểm này. Vào ngày 18/4/2015, vụ đắm tàu kinh hoàng nhất Địa Trung Hải đã xảy ra khi một con thuyền đánh cá chở quá tải va chạm với một tàu chở hàng ngoài khơi Libya. Có tới 1.100 người trên tàu vào thời điểm vụ va chạm xảy ra nhưng chỉ có 28 người sống sót. Tháng 2/2023, ít nhất 94 người thiệt mạng khi một chiếc thuyền chở 200 người di cư bị chìm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt lúc đang cố gắng cập bến bờ biển miền Nam Italy.

Cung đường tang tóc

Trong một bức tranh rộng lớn hơn, Liên hợp quốc đã ghi nhận hơn 20.000 người thiệt mạng và mất tích dọc tuyến di cư Trung Địa Trung Hải kể từ năm 2014. Mặc dù vậy, Báo cáo Xu hướng toàn cầu mới nhất của UNHCR lại cho thấy quy mô các cuộc di cư trên tuyến đường biển ngày càng gia tăng, thậm chí lên tới 120 triệu người trên toàn thế giới. Từ năm 2019 đến năm 2023, Trung tâm Di cư hỗn hợp đã phỏng vấn 31.500 người tị nạn và người di cư dọc theo tuyến đường Trung Địa Trung Hải. Các nạn nhân mô tả những mối đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng khi vượt hải trình nguy hiểm này, trong đó có cả hãm hiếp, bạo lực tình dục, tra tấn, bạo lực thể xác, bắt cóc đòi tiền chuộc, giam giữ, cướp bóc, buôn người và trục xuất tập thể.

Mối nguy hiểm dọc theo một số tuyến đường di cư Trung Địa Trung Hải đặc biệt tăng cao ở những nơi khó tiếp cận, nơi các tổ chức nhân đạo không có mặt vì họ không được phép tiếp cận hoặc vì tình trạng bất an thường trực. Thế nhưng, bất chấp những con số ấy, Trung Địa Trung Hải vẫn là tuyến đường phổ biến của những người di cư. Vì sao? Ngoài chiến tranh và xung đột, thiên tai và biến đổi khí hậu đang dần trở thành động lực thúc đẩy di cư của con người khi mà một số khu vực trở nên không thể sinh sống được và sinh kế truyền thống không còn bền vững. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều người ở Bắc Phi tìm cách di cư.

Những con thuyền không hề an toàn vẫn là lựa chọn của hàng nghìn người di cư trên hành trình vượt Địa Trung Hải đến châu Âu.

Những con thuyền không hề an toàn vẫn là lựa chọn của hàng nghìn người di cư trên hành trình vượt Địa Trung Hải đến châu Âu.

The Guardian trong bài phân tích mới đây về người di cư đã lấy Libya như một dẫn chứng cho lý do mà hàng nghìn người lựa chọn các tuyến đường biển. Ở Libya, nhiều người dân phải đối mặt với mức độ bạo lực khủng khiếp, gồm bắt cóc, tra tấn và tống tiền. “Tôi rất sợ khi họ đưa chúng tôi ra khỏi thuyền giữa biển, nhưng khi biết chúng tôi sắp quay trở lại Libya, tôi nhớ lại tất cả những điều tồi tệ đã xảy ra với tôi trong trại tạm giam nên tôi nhảy xuống nước... Tôi không thể quay lại đó”, Fnan - chàng trai 26 tuổi đến từ Eritrea, kể lại với lực lượng cảnh sát biển Libya khi được giải cứu.

“Họ là những người cố gắng thoát khỏi cái chết, thoát khỏi sự áp bức. Họ muốn đảm bảo một cuộc sống tử tế, được học tập và làm việc để đảm bảo một tương lai đầy hứa hẹn. Chỉ có Chúa mới hiểu được biết hoàn cảnh của những người di cư và tị nạn này khó khăn như thế nào”, Adel - một nhân viên cứu hộ thuộc lực lượng phản ứng nhanh trên biển tại Libya chia sẻ.

Theo số liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), năm 2023, 157.651 người đã đến Italy bằng đường biển. Trong đó, 10 quốc tịch phổ biến của người di cư theo thứ tự từ cao xuống thấp lần lượt là Guinea, Tunisia, Côte d'Ivoire, Bangladesh, Ai Cập, Syria, Burkina Faso, Pakistan, Mali và Sudan.

Vậy, con thuyền đến châu Âu “kỳ diệu” tới mức nào mà những người di cư sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống của mình để vượt biên tìm cơ hội mới? Truyền thông Italy từng mô tả, những chiếc thuyền mong manh chở người di cư không khác nào những chiếc “quan tài nổi” trên biển. Tuyến đường biển này, từ Libya, Tunisia đến Hy Lạp, Tây Ban Nha hoặc Italia, tuy chỉ mất vài ngày nhưng với những người di cư lại đáng giá bằng cả mạng sống. Họ thường bị chủ thuyền nhồi nhét trên những chiếc thuyền cũ kĩ, không hề có bất cứ một thiết bị bảo hộ nào.

Phóng viên Kênh truyền hình CNN trong một bài phỏng vấn năm 2023 từng dẫn lời của một gã buôn người nói: "Không có gì đảm bảo trên biển. Bạn có thể bị bắt. Nếu không may mất mạng, bạn phải chấp nhận vận mệnh của mình thôi". Trong khi đó, quan chức Ayman Mbarki của lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia cho biết, họ đã cố gắng phát hiện thuyền của những kẻ buôn người bằng radar và các cuộc tuần tra thường xuyên. “Nhưng, trong nhiều vụ, chúng tôi đến hiện trường để tìm thi thể chứ không phải người sống sót”.

Một thập kỷ đã trôi qua kể từ khi Trung Địa Trung Hải nổi lên như tuyến đường “lý tưởng” của người di cư và cũng là tuyến di cư nguy hiểm nhất. Theo dữ liệu sơ bộ do Frontex thu thập, số lượng người vượt biên bất thường vào Liên minh châu Âu trong 5 tháng đầu năm 2024 đã giảm 23%, xuống gần 80.000 người. Tuyến đường Trung Địa Trung Hải, nơi có số lượng người di cư tăng bất thường cao nhất vào năm 2023, đamg cho thấy xu hướng giảm so với những tháng gần đây, với mức giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn khoảng 21.300 người trong 5 tháng đầu năm 2024. Cùng với đó, Nghị viện châu Âu tháng 4 vừa qua đã thông qua Hiệp ước châu Âu về tị nạn và di cư, với tiêu chí trọng tâm là “đoàn kết và trách nhiệm”, sự kiện được Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá là "lịch sử”.

Nhưng, với hiệp ước mới, liệu EU có thể cùng nhau vượt qua thách thức chung, chủ động quyết định ai sẽ đến EU, đồng thời bảo đảm việc quản lý biên giới và các quyền cơ bản của người di cư hay không? Những sự cố mới nhất xảy ra tại vùng biển Trung Địa Trung Hải trong tháng 6 vừa qua có lẽ đã đi ngược lại sự khả quan của báo cáo mà Frontex công bố, thay vào đó, nó tạo ra cảm giác thất vọng sâu sắc cho hồi kết của những lời kêu gọi lặp đi lặp lại về việc tăng cường nguồn lực và năng lực cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Mọi sự cố chìm thuyền đang xảy ra là hệ quả của những nỗ lực không thành công trong việc bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Ngoài nhu cầu cấp thiết về sự hỗ trợ của châu Âu cho các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, điều quan trọng hơn cả là phải thúc đẩy khả năng tiếp cận rộng rãi hơn với các con đường di cư an toàn và thường xuyên cho người di cư và người tị nạn, để họ không phải mạo hiểm đánh đổi mạng sống của mình cho đại dương bí ẩn mênh mông.

An Nhiên

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/van-dam-tha-huong-noi-dau-tren-cung-duong-ac-quy-i735384/