'Cơ quan Trung ương và thành phố không cần phường xác nhận giấy đi đường'

Theo UBND quận Hai Bà Trưng, các cơ quan, đơn vị của TƯ và Hà Nội trên địa bàn quận sử dụng giấy đi đường tự cấp, không cần phường xác nhận.

Phường xác nhận giấy đi đường đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp

Triển khai chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc siết chặt quản lý người ra đường, UBND quận Hai Bà Trưng sáng nay đã có văn bản tăng cường kiểm soát người tham gia giao thông trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo đó, quận yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể của Trung ương và thành phố trên địa bàn quận sử dụng giấy đi đường do đơn vị cấp, không phải lấy xác nhận của UBND các phường kèm theo: Căn cước công dân/Chứng minh thư, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Hà Nội siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội

Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn phường, thì UBND phường kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường, hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo.

Các cơ quan (không bao gồm cơ quan trung ương và thành phố), đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ tạm dừng hoạt động phối hợp với UBND phường để được kiểm tra, xác nhận giấy đi đường (hoặc danh sách kèm theo) cho nhân viên trực đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại đơn vị.

Với các chợ, Ban quản lý chợ cần lập danh sách tiểu thương và những người liên quan đến duy trì hoạt động của chợ để UBND phường kiểm tra, xác nhận và gửi lại giấy đi đường cho Ban quản lý chợ cấp cho tiểu thương và những người liên quan.

Phường kiểm tra về tính hợp lý của danh sách trong giấy đi đường

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, bắt đầu từ hôm nay trên địa bàn quận sẽ xác nhận cho những đơn vị, cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng giấy đi đường.

"Các cơ quan, tổ chức phải gửi danh sách người cần cấp giấy đi đường đến phường, sau đó phường có nhiệm vụ phải xác nhận vào danh sách này. Các cơ quan gửi danh sách phải chịu trách nhiệm số lượng người làm việc", vị lãnh đạo này cho hay.

Vị này cũng cho biết, các cơ quan của quận cũng sẽ kiểm tra tính hợp lý của danh sách giấy đi đường mà cơ quan, đơn vị gửi tới.

"Chúng tôi sẽ kiểm tra về tính hợp lý của danh sách trong giấy đi đường, không phải là cứ kê khai là được đóng dấu. Điều này để ngăn chặn các cá nhân, tổ chức kê khai không đúng", vị lãnh đạo này nói.

Khi được hỏi nếu giấy đi đường không có xác nhận của UBND phường mà chỉ có xác nhận của cơ quan, đơn vị thì có hợp lệ không, vị lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết: "Không hợp lệ là một chuyện, chuyện thứ hai là phải giải thích lý do chính đáng. Bắt đầu từ hôm nay giấy đi đường phải có xác nhận của UBND phường".

Phân công cán bộ xác nhận giấy đi đường

Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó chủ tịch phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy cho biết: Theo quy định, giấy đi đường các cơ quan, đơn vị cấp cho cán bộ, công nhân viên phải có xác nhận của UBND phường.

Tuy nhiên, ông Quang cho biết, tới sáng nay vẫn chưa có cơ quan, đơn vị đến xin xác nhận của UBND phường cho giấy đi đường của cán bộ, công nhân viên.

Ông Nguyễn Đình Hà, Chủ tịch UBND phường Xuân La (quận Tây Hồ) cho biết: Ngay tối qua, khi có chỉ đạo mới của UBND TP Hà Nội, phường đã họp, thống nhất các nội dung để thực hiện, phân công cán bộ trực tại trụ sở để xác nhận cho các doanh nghiệp cấp giấy đi đường cho cán bộ, công nhân viên.

"Tuy nhiên, tới 10h sáng nay, vẫn chưa có cơ quan, doanh nghiệp nào đến xin xác nhận", ông Hà nói thông tin thêm: "UBND phường chỉ có thể xác nhận cơ quan, doanh nghiệp đó đóng trên địa bàn phường. Những vấn đề khác như cơ quan, doanh nghiệp đó cử người đi đâu, làm gì thì chính cơ quan, doanh nghiệp đó phải chịu trách nhiệm".

Theo văn bản mới nhất của UBND TP Hà Nội (ký chiều tối 8/8), người ra đường trong thời gian giãn cách xã hội, ngoài Giấy đi đường (theo mẫu của thành phố đã ban hành), phải xuất trình kèm theo: Căn cước công dân/Chứng minh thư, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra, văn bản của UBND TP Hà Nội cũng quy định: UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường trên nguyên tắc chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn

Theo đó, đối với các Tập đoàn, Tổng công ty; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn Thành phố: phối hợp UBND xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo).

Đối với các khu, cụm công nghiệp, chính quyền địa phương chủ động phối hợp các chủ doanh nghiệp thống nhất phương án tổ chức thực hiện giám sát nơi đi hoặc nơi đến phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với các chợ: Ban quản lý chợ lập danh sách tiểu thương và những người liên quan duy trì hoạt động của chợ đảm bảo theo phương án giãn cách, giảm quầy hàng theo quy định.

Phùng Đô - Việt Hòa

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/giay-di-duong-o-ha-noi-phai-co-xac-nhan-cua-xa-phuong-d519858.html