Cơ quan Vũ trụ châu Âu lần đầu phóng thành công tên lửa Ariane 6
Sáng 10-7, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) lần đầu tiên phóng thành công tên lửa Ariane 6 trong điều kiện thời tiết đẹp, mang theo hy vọng về việc giành lại quyền tiếp cận không gian độc lập.
Cụ thể, vụ phóng tên lửa mạnh nhất này của ESA đã diễn ra suôn sẻ vào lúc 19 giờ ngày 9-7 (giờ GMT, tức 2 giờ ngày 10-7 theo giờ Việt Nam) từ sân bay vũ trụ của châu Âu ở khu vực Kourou, Guyane (Pháp).
Giám đốc ESA Josef Aschbacher tuyên bố: “Đây là một ngày lịch sử đối với châu Âu”. Trong video kết nối với trụ sở ESA tại Paris, ông Philippe Baptiste-người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Pháp (CNES) cũng cho biết: “Châu Âu đã quay trở lại không gian”.
Được biết, Ariane 6 được phát triển với chi phí ước tính khoảng 4 tỷ euro bởi Ariane Group-công ty do Airbus và Safran đồng sở hữu. Ngoài ra, Ariane 6 được thiết kế để theo kịp sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường tên lửa vũ trụ, bao gồm cả SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk.
Ban đầu, tên lửa được sử dụng để đưa vệ tinh lên quỹ đạo này đã được lên kế hoạch phóng vào năm 2020, nhưng do đại dịch Covid-19 và nhiều vấn đề kỹ thuật khiến kế hoạch bị trì hoãn.
Trước đó, phiên bản Ariane 5 đã được phóng vào tháng 7-2023, nghĩa là 27 năm sau lần phóng đầu tiên. Bên cạnh đó, theo dự kiến, châu Âu sẽ phóng Ariane 6 thêm một lần nữa vào cuối năm nay, 6 lần vào năm 2025 và 8 lần vào năm 2026.