Cơ sinh học toàn cầu hội tụ tại Việt Nam: Cầu nối khoa học liên ngành và đổi mới y sinh

Ngày 7/7, tại Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), phường Quy Nhơn Nam, tỉnh Gia Lai, hội thảo quốc tế 'Cơ sinh học lần thứ 3: Từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng' chính thức khai mạc, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc kết nối cộng đồng khoa học cơ sinh học toàn cầu với Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Sự kiện do Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp cùng các viện nghiên cứu và đại học hàng đầu thế giới tổ chức, quy tụ gần 100 nhà khoa học đến từ 25 quốc gia trên thế giới.

Với sự tham gia của các tổ chức danh tiếng như Viện Jacques Monod (Pháp), Viện Curie (Pháp), EMBL Heidelberg (Đức), Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Ajou (Hàn Quốc), cùng nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trong nước, hội thảo là nơi hội tụ của những trí tuệ hàng đầu trong lĩnh vực cơ sinh học, một ngành khoa học liên ngành đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu.

Sự kiện vinh dự có sự tham dự của các giáo sư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cơ sinh học như Giáo sư Dennis Discher (Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ), tiên phong về cơ học mô và tế bào; Giáo sư Song Li (Đại học California, Los Angeles, Hoa Kỳ), chuyên gia về công nghệ sinh học và vật liệu sinh học; Tiến sĩ Yingxiao Wang (Đại học Nam California, Hoa Kỳ), chuyên gia hàng đầu về kĩ thuật y sinh, vi sinh phân tử và miễn dịch;

Giáo sư Xavier Trepat (Viện Kỹ thuật Sinh học Catalonia, Tây Ban Nha), bậc thầy về cơ học mô và cảm biến tế bào; Tiến sĩ Anne Grapin-Botton (Viện Max Planck về Sinh học Tế bào Phân tử và Di truyền, Đức), chuyên gia về sinh học di truyền, phát triển tuyến tụy và công nghệ 3D organoid;

 Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học danh tiếng trên thế giới.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học danh tiếng trên thế giới.

Ngoài ra, còn có nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới như Tiến sĩ Pierre Sens (Viện Curie, Pháp), Tiến sĩ Raphaël Voituriez (Đại học Sorbonne, Pháp), Giáo sư Kerstin Göpfrich (Đại học Heidelberg, Đức), Giáo sư Anđela Šarić (Viện Khoa học và Công nghệ Áo), Phó Giáo sư Richard G. Morris (Đại học New South Wales, Úc) và Tiến sĩ Yan-Jun Liu (Đại học Phúc Đán, Trung Quốc).

Cơ sinh học (mechanobiology) là lĩnh vực nghiên cứu sự tương tác giữa các lực cơ học và quá trình sinh học ở cấp độ tế bào và mô. Đây là ngành khoa học liên ngành kết hợp sinh học, vật lý, khoa học vật liệu, quang học và toán học để giải mã các cơ chế nền tảng của sự sống. Những nghiên cứu trong lĩnh vực này đang mở ra các ứng dụng đột phá trong y học tái tạo, điều trị ung thư, phát triển vật liệu sinh học và công nghệ sinh học tiên tiến.

Hội thảo năm nay tập trung vào 6 chủ đề chính: Tín hiệu tế bào và phân tử (Cell/Molecular Signaling) nghiên cứu các tín hiệu từ vi môi trường và cơ chế truyền tín hiệu phân tử; Phát triển bệnh lý và ứng dụng trong y sinh (Disease Development & Biomedical Applications) tìm hiểu cơ chế bệnh học dựa trên cơ học và các chiến lược điều trị mới; Tạo hình tế bào và quá trình đa bào (Morphogenesis & Multicellular Processes) nghiên cứu hành vi tập thể của tế bào và cơ học mô trong quá trình phát triển;

Vật liệu sinh học và kỹ thuật sinh học (Biomaterials/Bioengineering) phát triển các phương pháp và vật liệu lấy cảm hứng từ cơ sinh học; Di cư tế bào đơn (Single-Cell Migration) nghiên cứu vận động và bám dính ở cấp độ tế bào đơn; và Lý sinh học lý thuyết (Theoretical Biophysics) nghiên cứu các nguyên lý toán học nền tảng của cơ sinh học.

 Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai phát biểu tại hội thảo.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai mới cho biết, cơ sinh học với sự kết nối chặt chẽ giữa sinh học, vật lý, khoa học vật liệu và công nghệ sinh học tiên tiến, đang mở ra những cơ hội đột phá cho y học hiện đại và công nghiệp chăm sóc sức khỏe.

Kể từ năm 2013, đã chào đón hơn 16.500 nhà khoa học đến từ hơn 60 quốc gia, trong đó có 18 chủ nhân Giải Nobel. Đây không chỉ là niềm tự hào của tỉnh Gia Lai, mà còn là biểu tượng sinh động cho tinh thần kết nối tri thức và cống hiến vì sự phát triển bền vững.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định trước đây và tỉnh Gia Lai hiện nay sau khi sáp nhập địa phương luôn xác định rõ là con đường chiến lược để phát triển tỉnh nhà.

"Chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để ICISE phát huy tối đa sứ mệnh của mình: làm cầu nối giữa các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, thúc đẩy hình thành các nhóm nghiên cứu xuất sắc, nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học cho thế hệ trẻ", ông Nguyễn Hữu Hà cho biết.

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm ICISE.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm ICISE.

Một điểm nhấn quan trọng của hội thảo là sự chú trọng đến thế hệ nhà khoa học trẻ. Các nghiên cứu sinh, tiến sĩ và nhà khoa học sau tiến sĩ được tạo điều kiện tham gia thảo luận học thuật, trình bày nghiên cứu và kết nối với các chuyên gia đầu ngành.

Đây là cơ hội quý báu để nâng cao năng lực nghiên cứu, mở rộng hợp tác quốc tế và định hình các nhóm nghiên cứu cơ sinh học tại Việt Nam.

Trong bối cảnh khoa học sự sống đang bước vào kỷ nguyên của dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học, cơ sinh học chính là cầu nối giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng thực tiễn, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào cộng đồng khoa học quốc tế.

ĐẠT TÙNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/co-sinh-hoc-toan-cau-hoi-tu-tai-viet-nam-cau-noi-khoa-hoc-lien-nganh-va-doi-moi-y-sinh-post892170.html