Cơ sở bảo dưỡng chưa chắc mặn mà tham gia kiểm định ô tô

Không nhiều cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện về quy định mặt bằng để 'lấn sân' sang dịch vụ kiểm định. Hơn nữa, với một loạt yếu tố khác, các chuyên gia nhận định 'chưa chắc các cơ sở này mặn mà tham gia'.

Ngày 8/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 30 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Trong đó, Nghị định 30 đã bỏ nội dung đơn vị đăng kiểm phải độc lập về pháp lý và tài chính với đơn vị kinh doanh vận tải, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới được quy định ở Nghị định 139.

Theo đó, Nghị định 30 quy định tham gia dịch vụ kiểm định có thể là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Những tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới mới được phép vận hành.

Bộ GTVT cho rằng việc thay đổi này nhằm huy động cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, kinh doanh dịch vụ vận tải tham gia kiểm định xe cơ giới, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh áp dụng khoa học trong kiểm định xe.

Quy định mới có hiệu lực đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, rất ủng hộ chủ trương vừa được Chính phủ thông qua.

Tuy nhiên, ông Quyền lưu ý các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô muốn được cấp phép kiểm định cần có đủ điều kiện như mặt bằng, trang thiết bị, lực lượng đăng kiểm viên... theo quy chuẩn một trạm đăng kiểm.

“Hiện nay, hệ thống phần mềm tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô có trùng khớp với hệ thống đăng kiểm hay không? Ngoài mặt bằng hiện hữu dành cho hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa có thể bố trí thêm diện tích lắp đặt máy móc cho kiểm định?”, ông Quyền đặt vấn đề.

Theo quan sát của cá nhân, ông Quyền đánh giá không nhiều cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện “lấn sân” sang dịch vụ kiểm định.

Bởi theo ông Quyền, hầu hết các cơ sở này tập trung tại các đô thị lớn. Trong khi ở đây, mặt bằng thường hạn chế, diện tích hiện hữu chỉ đủ đáp ứng dây chuyền làm công tác bảo hành, bảo dưỡng.

"Tôi nghĩ, không nhiều nơi có đủ mặt bằng để thực hiện. Nếu nơi nào đáp ứng đủ điều kiện này thì cũng phải mất thời gian chuẩn bị, thẩm định của cơ quan quản lý nên cũng không thể nhanh được”, ông Quyền nhìn nhận.

Trong khi đó, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh lại cho rằng, các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa muốn làm thêm dịch vụ đăng kiểm không quá khó. Bởi ở những cơ sở này đã sẵn nhân lực, máy móc. Ngay cả mặt bằng tưởng chừng như khó ở các đô thị cũng không phải là vấn đề không thể giải quyết.

NĐ 30 cho phép cơ sở bảo dưỡng tham gia kiểm định (Ảnh: N.K)

NĐ 30 cho phép cơ sở bảo dưỡng tham gia kiểm định (Ảnh: N.K)

Vấn đề đặt ra ở đây theo ông Thanh “chưa chắc các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô mặn mà với hoạt động này”.

“Trong phiên trả lời chất vấn ngày 8/6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cam kết, chỉ đến đầu tháng 7 giải quyết xong tình trạng ùn tắc đăng kiểm. Như vậy, chưa cần các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng tham gia đã xử lý ổn thỏa việc này.

Hơn thế, một loạt thông tư quy định miễn, giãn chu kỳ đăng kiểm cho xe mới, xe gia đình hay việc tăng giá dịch vụ đăng kiểm… được áp dụng khiến thời gian tới số lượng xe cần phải kiểm định sẽ sụt giảm.

Đây là những yếu tố buộc các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng cân nhắc việc nên hay không tham gia cung cấp dịch vụ đăng kiểm. Bởi mục tiêu của các doanh nghiệp là lợi nhuận”, ông Thanh bày tỏ.

Không nên lo ngại việc "vừa đá bóng, vừa thổi còi"

Trước lo ngại liệu có xuất hiện tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khi cơ sở bảo dưỡng yêu cầu phải thay thế phụ tùng mới được kiểm định hay không, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết, hiện nay, người tiêu dùng rất thông thái, và có nhiều trung tâm đăng kiểm để lựa chọn.

Nếu cảm thấy việc đơn vị bảo hành, bảo dưỡng (kiêm đơn vị đăng kiểm) đề nghị nội dung không phù hợp, đưa ra hạng mục sửa chữa tùy tiện, vô lý, có thể từ chối thực hiện kiểm định tại đây và đưa xe sang đơn vị khác làm nghiêm túc, minh bạch hơn.

Đồng tình với quan điểm này, ông Thanh cũng cho rằng giá dịch vụ đăng kiểm đã được quy định “cứng”. Chi phí sửa chữa, thay thế các phụ tùng khách hàng có quyền yêu cầu được thông báo trước về giá cả và quyết định lựa chọn thay thế hay không.

“Tất nhiên, cơ sở bảo dưỡng của các hãng ô tô chính hãng sẽ thay thế bởi các phụ tùng chính hãng, chế độ bảo hành tốt hơn thì giá sẽ cao hơn với hàng mua trôi nổi ngoài thị trường. Người dân, doanh nghiệp được quyền lựa chọn. Mà càng có nhiều nơi để lựa chọn thì càng mang lại lợi ích cho người dân”, ông Thanh bày tỏ.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-so-bao-duong-o-to-duoc-lan-san-kiem-dinh-chua-chac-man-ma-tham-gia-2152638.html