'Cơ sở để tập hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị'
Cách đây 20 năm, ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11) hằng năm.
Từ đó đến nay, việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết” đã trở thành cơ sở để thu hút, tập hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị đối với công cuộc đổi mới, xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển toàn diện.
Phóng viên Báo Lào Cai đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Giàng Seo Vần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Lào Cai nhân dịp tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 04. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
PV: Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân trong những năm qua đã được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Giàng Seo Vần: Sau khi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 04, ngày 23/10/2003, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 19/CT-TU về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với chủ đề mở rộng và nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (nay là Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh").
Hằng năm, các cấp ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư với mục tiêu chung là củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nâng cao vai trò của MTTQ trong tập hợp đoàn kết Nhân dân. Thông qua ngày hội để tuyên truyền sâu rộng về lịch sử truyền thống vẻ vang của cơ quan MTTQ Việt Nam, tuyên truyền về ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong tham gia các cuộc vận động, phong trào ở khu dân cư.
Thông qua Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Ủy ban MTTQ Việt Nam còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên triển khai các hoạt động chính trị như bình xét “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, phát động phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Xanh - sạch - đẹp - bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”... Ngoài ra còn phát động, sơ kết, tổng kết các cuộc vận động như xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”; mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, “Đoạn đường thanh niên tự quản”, “Làng, bản an ninh, an toàn xã hội” “Chi hội Cựu chiến binh tự quản”...
PV: Thưa Đồng chí! Tinh thần đại đoàn kết đã mang lại những kết quả cơ bản nào trong thời gian qua?
Đồng chí Giàng Seo Vần: Tỉnh vùng cao, biên giới Lào Cai hiện có 761 nghìn người gồm 25 dân tộc anh em chung sống, trong đó có 66,4% dân số là đồng bào các dân tộc ít người.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, việc tập hợp lực lượng của ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội, đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai luôn coi trọng tinh thần đại đoàn kết, lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp để làm nên những thắng lợi cách mạng vẻ vang.
Điển hình như trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, trong 20 năm qua, tỉnh Lào Cai đã có nhiều bước tiến vượt bậc, nhất là vùng nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điểm dễ nhận thấy là diện mạo nông thôn, đô thị có nhiều thay đổi, hạ tầng giao thông, trường học, hệ thống cơ sở y tế, điện lưới quốc gia, thủy lợi, hạ tầng viễn thông ngày càng hoàn thiện. Đến đầu năm 2023, thu nhập bình quân của người dân Lào Cai đạt con số 88,2 triệu đồng/năm (tăng 30 lần so với năm 2003), tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (hiện còn 25,1% theo tiêu chí đa chiều).
PV: Về ý nghĩa của Ngày hội Đại đoàn kết, điều gì được rút ra sau 20 đợt tổ chức sự kiện này tại các thôn, tổ dân phố, khu dân cư, thưa đồng chí?
Đồng chí Giàng Seo Vần: Điều không thể phủ nhận làNgày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc chính là cơ sở cốt yếu để củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước; tăng cường đồng thuận xã hội góp phần xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Trong dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết, các khu dân cư đều có tổng kết, đánh giá Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó đã biểu dương hàng nghìn tập thể, cá nhân điển hình tại cộng đồng về đóng góp cho phong trào. Nhờ tinh thần đoàn kết mà đến nay toàn tỉnh đã có 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong tổng số 127 xã của tỉnh, huyện Bảo Thắng được công nhận huyện nông thôn mới.
Rất nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được nhân rộng thông qua sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, hệ thống tổ chức ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và tổ chức thành viên khi thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Điển hình như mô hình “Thôn bản bình yên, gia đình hạnh phúc”, “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự”, “Trường học an toàn về an ninh trật tự”, “Camera an ninh”, “Tổ tự quản đường biên, mốc giới”, “Móc khóa an ninh”, trong đó mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự tại khu vực biên giới tỉnh Lào Cai” được Bộ Công an ghi nhận và lấy làm điển hình kinh nghiệm của toàn quốc.
Hay như hoạt động của Quỹ “Vì người nghèo”, trong 20 năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã vận động được hơn 160 tỷ đồng; làm mới, sửa chữa hơn 14 nghìn nhà "Đại đoàn kết" với giá trị 109 tỷ đồng. Từ số tiền của Quỹ “Vì người nghèo”, hằng năm, tại Ngày hội Đại đoàn kết, cơ quan MTTQ các cấp đã trích tặng hàng chục nghìn suất quà cho hộ nghèo, học sinh nghèo. Ngoài ra còn nhiều hoạt động có ý nghĩa khác như phối hợp di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ thiên tai, thành lập Quỹ Cứu trợ để vận động ủng hộ, hỗ trợ đồng bào vùng bị thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, người dân gặp hoàn cảnh éo le, hoạn nạn.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục và tình đoàn kết, nghĩa tình đồng bào trong cộng đồng dân cư; thông qua ngày hội phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Đây cũng là dịp để tổng kết, nhìn nhận khách quan về sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác mặt trận tại cơ sở.
PV: Điều gì là cốt lõi được rút ra sau 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, thưa đồng chí?
Đồng chí Giàng Seo Vần: Bài học rút ra là sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự phối hợp chủ động thường xuyên của chính quyền, các ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân luôn có vai trò cốt yếu dẫn tới hiệu quả của ngày hội. Một bài học khác là việc nêu cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về ý nghĩa của ngày hội đối với việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Việc đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy và phát huy tinh thần tự quản và sáng tạo của Nhân dân trong việc triển khai các nhiệm vụ của địa phương, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, gắn kết chặt chẽ ngày hội với đời sống và hoạt động xã hội của từng khu dân cư cũng là nhân tố tích cực để thành công.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã tham gia trả lời phỏng vấn!