Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư sẽ được vận hành đúng tiến độ
Tính đến cuối tháng 9-2019, công an các địa phương đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư, Bộ Công an đã tiến hành tổ chức, xử lý được hơn 70 triệu dữ liệu dân cư tại 52 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Sau khi hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư, Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ nhập liệu; tổ chức cấp số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân; triển khai vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chính thức đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2020 theo đúng tiến độ đề ra.
Sẽ vận hành đúng tiến độ vào năm 2020
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 896 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2020, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 896 năm 2019 trong Công an nhân dân và thành lập Ban chỉ đạo triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.
Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo Công an các địa phương trên cả nước đẩy nhanh tiến độ thu thập thông tin dân cư. Tính đến cuối tháng 9-2019, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH trên toàn quốc đã hoàn thành toàn bộ việc thu thập thông tin dân cư theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân.
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an đã phối hợp với Công an các địa phương tiến hành tổ chức xử lý được hơn 70 triệu dữ liệu tại 52 tỉnh, thành phố trên toàn quốc; thí điểm triển khai phần mềm đăng ký thường trú, tạm trú tại Công an Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 55 tỉnh, thành phố; xây dựng hệ thống phần mềm kết nối giữa hệ thống Căn cước công dân với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cấp số định danh cá nhân đồng bộ, thống nhất; chuẩn bị điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, nhân lực để phục vụ triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Dự kiến, trong Quý IV-2019, sẽ tổ chức nhập liệu, chuẩn hóa, xử lý dữ liệu và trong năm 2020 sẽ hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân, triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, đường truyền... và các hạng mục đầu tư của dự án từ Trung ương đến tận các xã, phường, thị trấn.
Những khó khăn trong việc triển khai
Bên cạnh các kết quả nêu trên, việc triển khai thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thời gian qua cũng đã gặp một số khó khăn như:- Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án có quy mô lớn, được triển khai từ Trung ương đến tận từng xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, việc triển khai dự án có liên quan đến các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt tác động đến toàn bộ người dân.
Tuy vậy, yêu cầu phải triển khai trong thời ngắn, tiến độ cấp vốn còn chậm và sự quan tâm, phối hợp của các đơn vị có liên quan chưa được chặt chẽ và hiệu quả, dẫn đến tiến độ triển khai dự án còn chậm.
Tại các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, việc thu thập thông tin dân cư của lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như để bà con hiểu được nội dung khai báo thông tin dân cư cho chính xác thì lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phải là người biết tiếng dân tộc để giải thích cho bà con dễ hiểu.
Tại các vùng núi, mặc dù đường sá đi lại khó khăn, thiên tai bất thường mùa mưa bão, đối với người cao tuổi không đi lại được, các chiến sỹ Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an các tỉnh miền núi đã đến tận nơi để thu thập thông tin dân cư. Bên cạnh đó, do tục lệ của các dân tộc miền núi, như dân tộc Nùng lấy chồng thì mang họ nhà chồng, dân tộc Dao lấy vợ mang họ nhà vợ; nhiều người cao tuổi không nhớ ngày tháng năm sinh, quá trình thu thập thông tin dân cư có nhiều trường hợp phải đính chính, sửa đổi, bổ sung do thông tin còn thiếu hoặc chưa chính xác.
Qua đó mới thấy được sự khó khăn, vất vả khi thu thập dữ liệu của các tỉnh vùng sâu, vùng xa.
Việc tổ chức xử lý dữ liệu sau khi các địa phương hoàn thành thu thập thông tin dân cư với khối lượng lớn, thời gian thực hiện ngắn, trong khi thiết bị, máy móc để xử lý dữ liệu chưa được trang bị, cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án.
Lợi ích của việc triển khai CSDL Quốc gia về dân cư
Theo dự kiến, năm 2020, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ đi vào hoạt động. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vị trị, vai trò hết sức quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xác định là cơ sở dữ liệu gốc, cơ sở dữ liệu dùng chung. Thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng nhiều giấy tờ cá nhân nhưng lại không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính.
Việc tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Thứ hai, thông tin về dân cư được thu thập, cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý chắc biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thứ ba, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực, làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Đồng thời, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời cũng góp phần làm giảm khối lượng hồ sơ giấy tờ đang lưu trữ tại các cơ quan hành chính; góp phần xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Những công việc được tập trung trong thời gian tới
Để việc triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hiệu quả, đáp ứng tiến độ đề ra, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tổ chức triển khai dự án, nhất là việc hoàn thiện thể chế, đảm bảo các cơ chế, chính sách, bố trí đủ nguồn vốn để triển khai dự án.
Các Bộ, ngành có liên quan cần chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Công an trong quá trình tổ chức triển khai, trong đó tập trung vào việc cung cấp, cập nhật thông tin dân cư, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đáp ứng chuẩn kết nối giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Hai là, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan, ban ngành có liên quan phối hợp với lực lượng Công an trong việc tổ chức triển khai dự án; trong đó cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông về Dự án để các cơ quan, tổ chức và người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, quyền và trách nhiệm để tự giác thực hiện. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, nhân lực của địa phương để tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu dân cư tại địa phương.
Ba là, đề nghị người dân cần thấy được mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với công tác quản lý nhà nước và phục vụ cho chính bản thân người dân trong giao dịch, đi lại, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính, giảm giấy tờ cho người dân. Trên cơ sở đó cần chủ động kê khai, cập nhật thông tin của bản thân và thành viên trong gia đình theo đúng quy định.
Qua đó, nhằm khẩn trương xây dựng một hệ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn quốc, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu trong giao dịch, đi lại của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử tại Việt Nam.