Cơ sở GDNN và doanh nghiệp cùng tìm lời giải cho bài toán về nguồn nhân lực

Các cơ sở GDNN và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cùng trao đổi, chia sẻ một số giải pháp để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo ông Vũ Quang Trực – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao cùng với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được coi là một chiến lược đột phá.

Đồng thời, là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Thực hiện tốt khâu đột phá này sẽ gia tăng tiềm lực và sức mạnh của quốc gia, tạo nên sức mạnh tổng hợp, quyết định sự thành công của tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế và hội nhập quốc tế, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh cùng đại diện các trường cao đẳng, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thăm quan dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Ảnh: Phạm Linh)

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh cùng đại diện các trường cao đẳng, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thăm quan dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Ảnh: Phạm Linh)

Nhân viên công ty giới thiệu thành phẩm (Ảnh: Phạm Linh)

Nhân viên công ty giới thiệu thành phẩm (Ảnh: Phạm Linh)

Ở tỉnh Quảng Ninh để thực hiện nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85,5%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ 52% vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, đòi hỏi chúng ta phải đưa chỉ tiêu lực lượng lao động qua đào tạo có chứng chỉ trở thành là tiêu chí bắt buộc trong cả nhiệm kỳ 5 năm 2021-2026 và trong từng năm.

Đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt trên 85,8%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 47,5%.

Riêng năm 2023, nhu cầu tuyển, sử dụng lao động tại các doanh nghiệp là 17.000 lao động, trong đó vào làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế là 8.400 người.

Bên cạnh đó, tổng số học sinh lớp 9 năm 2023 là 22.027 người, trong đó chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông là 17.567 người; như vậy là còn 4.460 học sinh sẽ tham gia học nghề và các hoạt động khác.

Tuy nhiên, thực trạng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì không tuyển sinh được, hoặc tuyển sinh rất khó khăn, sinh viên đại học ra trường thì khó tìm việc, doanh nghiệp thì khó tuyển dụng lao động.

Để đưa ra lời giải cho những vấn đề trên, ngày 6/9, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tại Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh).

Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Vũ Quang Trực - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Vũ Quang Trực - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tìm ra các giải pháp gắn kết công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp với sự tham gia của lãnh đạo 6 trường cao đẳng, đại diện cho 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Tại hội thảo, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh sẽ đưa ra đánh giá chung về những kết quả việc triển khai thực hiện gắn kết giữa các doanh nghiệp với các sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị Amata Hạ Long (ở giữa) phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị Amata Hạ Long (ở giữa) phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Tiếp đó, đại diện các cơ sở giáo dục và nghề nghiệp và doanh nghiệp sẽ cùng bàn các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực lao động qua đào tạo cho các doanh nghiệp,đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trong năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2023-2025.

Các giải pháp nhằm tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà trường - Nhà khoa học - Nhà tuyển dụng - Nhà đầu tư trong việc phát triển nguồn nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực lao động qua đào tạo cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng thời, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác đào tạo thực tế tại doanh nghiệp, nêu ra những yêu cầu trong công tác đào tạo của nhà trường đối với sinh viên thực tập để sát thực tế, hiệu quả, phản ánh thực trạng thực tập sinh tại các doanh nghiệp trong thời gian qua.

Đại diện Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc trình bày tham luận tại hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Đại diện Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc trình bày tham luận tại hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Ngoài ra, đại diện một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp cũng đề xuất một số kiến nghị về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm.

Cũng tại hội thảo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã công bố Quyết định thành lập Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với 15 thành viên.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh thành lập Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Phạm Linh)

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh thành lập Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Phạm Linh)

Nhằm phối hợp trong tổ chức hoạt động giới thiệu, giao dịch việc làm, tổ chức ngày hội việc làm và xuất khẩu lao động; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mềm cho sinh viên, học viên;... đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm và đại diện 5 trường cao đẳng đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác trong việc phối hợp tuyển sinh, đào tạo, cung ứng lao động.

Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam cũng ký biên bản thỏa thuận hợp tác trong việc tiếp nhận thực tập sinh, tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực tại hội thảo.

Trung tâm Dịch vụ việc làm và đại diện 5 trường cao đẳng đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác trong việc phối hợp tuyển sinh, đào tạo, cung ứng lao động (Ảnh: Phạm Linh)

Trung tâm Dịch vụ việc làm và đại diện 5 trường cao đẳng đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác trong việc phối hợp tuyển sinh, đào tạo, cung ứng lao động (Ảnh: Phạm Linh)

Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam cũng ký biên bản thỏa thuận hợp tác

Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam cũng ký biên bản thỏa thuận hợp tác

Chiến lược giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra quan điểm “Phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Trong đó, một trong những giải pháp mà chiến lược đưa ra là gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động.

Phạm Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-so-gdnn-va-doanh-nghiep-cung-tim-loi-giai-cho-bai-toan-ve-nguon-nhan-luc-post235816.gd