Cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho người khuyết tật cần quy hoạch lại

Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu, đến năm 2050, 100% các tỉnh có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập, trong đó 90% trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục.

Ngày 21/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì cuộc họp

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì cuộc họp

Dự phiên họp có Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, các thành viên hội đồng thẩm định, các chuyên gia, nhà khoa học.

Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm cơ hội công bằng trong tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ giáo dục có chất lượng và nhu cầu học tập suốt đời đối với người khuyết tật ở tất cả các địa phương.

Trong đó, hướng tới phấn đấu 100% số đơn vị cấp tỉnh có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập. Vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật gồm 12 cơ sở. Phấn đấu 90% trẻ khuyết tật trong độ tuổi giáo dục mầm non và học sinh khuyết tật trong độ tuổi giáo dục phổ thông được tiếp cận giáo dục.

Theo dự thảo quy hoạch, mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập hoạt động có hiệu quả, hội nhập khu vực Châu Á; bảo đảm người khuyết tật hoàn thành giáo dục bắt buộc và phổ cập giáo dục theo quy định, mở ra các cơ hội học tập suốt đời.

Về cơ cấu mạng lưới đến năm 2030 sẽ hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống 12 cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật công lập. Phát triển hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập với 94 trung tâm, trong đó tập trung củng cố, phát triển 34 trung tâm giai đoạn trước, chuyển đổi 23 cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và thành lập mới 37 trung tâm. Khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục tư thục đối với người khuyết tật.

Dự thảo quy hoạch xây dựng phương án phát triển, phân bố mạng lưới theo vùng đến năm 2030, về cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật công lập và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập, trong đó có cả số lượng trung tâm được củng cố, phát triển, trung tâm được chuyển đổi từ cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và trung tâm được thành lập mới tại 6 vùng: Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Quy hoạch hướng đến phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đủ về số lượng, đạt trình độ chuẩn được đào tạo, phù hợp với vị trí việc làm đáp ứng quy định về giáo dục đối với người khuyết tật.

Dự thảo Quy hoạch cũng nêu rõ các phương án về đầu tư, tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị học liệu; các giải pháp về pháp luật, cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực; huy động và phân bổ vốn đầu tư; mô hình quản lý, phương thức hoạt động; môi trường, khoa học và công nghệ; liên kết hợp tác quốc tế; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch. Đồng thời, nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức, thực hiện.

Tại phiên họp, các thành viên hội đồng thẩm định đã trao đổi, nêu ý kiến, đề xuất liên quan đến quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập như phân bổ không gian; phân loại, phân hạng khuyết tât; nguồn kinh phí thực hiện; quỹ đất được cấp; quy định về pháp luật…

Đánh giá cao các ý kiến được trao đổi tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định, ý kiến của các chuyên gia thảo luận, trao đổi, góp ý đều rất sâu sắc, trách nhiệm, hữu ích không chỉ cho tổ lập Quy hoạch này mà còn hữu ích cho công tác chỉ đạo chung của Bộ GD&ĐT. Các ý kiến đều rất quý báu khi xuất phát từ các góc độ khác nhau, có góc độ quản lý nhà nước và có cả góc độ chuyên môn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đối với ngành giáo dục vấn đề thực hiện công bằng trong giáo dục là một yêu cầu rất lớn và được thể hiện ở nhiều khía cạnh như giữa các đối tượng giáo dục khác nhau, các vùng miền khác nhau, giữa các phương pháp giáo dục và trong đó có nhóm giáo dục đặc biệt. Vì vậy, xây dựng Quy hoạch là một hướng đi rất lớn trong việc thực hiện công bằng trong giáo dục.

Nhấn mạnh đảm bảo công bằng trong giáo dục là một việc cần làm và đương nhiên phải làm, Bộ trưởng lưu ý, ngoài việc thực hiện đúng những quy định của pháp luật thì việc lập Quy hoạch phải mang tính nhân văn cốt lõi.

Hưng Anh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-so-giao-duc-chuyen-biet-danh-cho-nguoi-khuyet-tat-can-quy-hoach-lai-d218305.html