Cơ sở không xử lý hình sự 210 người liên quan vụ thao túng chứng khoán ở FLC

Sau khi xem xét tính chất và mức độ hành vi vi phạm, Cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự với 210 người thuộc Công ty Faros, các công ty trong hệ sinh thái FLC và người thân trong gia đình ông Trịnh Văn Quyết.

Cụ thể, có 210 người thuộc Công ty Faros và các công ty trong hệ sinh thái FLC, là người thân trong gia đình ông Trịnh Văn Quyết liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán.

CQĐT chỉ ra rằng: Từ năm 2016- 2022, có 187 cá nhân đứng tên đại diện pháp luật, nhân viên các công ty thuộc hệ sinh thái Tập đoàn FLC và các công ty liên quan; người thân, bạn bè của ông Trịnh Văn Quyết và em gái Trịnh Thị Minh Huế có hành vi ký các chứng từ (ủy nhiệm chi, giấy rút tiền, giấy nộp tiền, sec) để bà Huế dùng làm thủ tục nộp tiền, rút tiền, chuyển tiền vào, ra khỏi tài khoản của Công ty Faros và nhiều công ty khác nhau.

Việc này nhằm tạo dòng tiền chạy qua các tài khoản để giúp ông Quyết và bà Huế cùng đồng phạm hạch toán kế toán, hợp thức việc thu hồi nợ công, thu hồi các khoản đầu tư cũ, tạo các khoản công nợ, đầu tư tài chính mới nhằm hợp thức, che giấu số vốn góp khống trước khi niêm yết tại Faros.

CQĐT cho rằng, hành vi của những người trên có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Che giấu tội phạm. Tuy nhiên, khi các cá nhân này ký chứng từ kế toán đều có các giao dịch chuyển tiền qua tài khoản của công ty mình mà không biết, bản chất các giao dịch chuyển tiền chỉ là thủ đoạn tạo dòng tiền chạy qua các tài khoản, chứ không phải các giao dịch kinh tế có thật.

Ông Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Hoàng Hà

Ông Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Hoàng Hà

Các cá nhân này không biết rõ tổng thể, toàn bộ dòng tiền liền mạch mà chỉ thực hiện ở từng khâu đơn lẻ, trong phạm vi từng giao dịch của từng doanh nghiệp.

Bản thân họ không được trao đổi, không biết, không tham gia vào lập hồ sơ góp vốn khống tại Faros, không biết mục đích ký các chứng từ là để hợp thức che giấu số vốn góp khống để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, các chứng từ chủ yếu được sử dụng vào việc hạch toán kế toán chạy dòng tiền qua các khâu trung gian nhằm hợp thức, che giấu việc góp vốn khống và sử dụng vốn góp tại Faros. Bản thân các cá nhân này thực hiện hành vi với vai trò thứ yếu, lệ thuộc, là nhân viên làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì từ việc làm của mình.

Theo CQĐT, có 23 người là nhân viên các công ty thuộc hệ sinh thái FLC, là người thân, họ hàng trong gia đình ông Trịnh Văn Quyết, có hành vi giúp sức cho bà Huế thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

23 cá nhân này đều cho bà Huế mượn chứng minh nhân dân và giấy tờ tùy thân để bà Huế làm hồ sơ mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng, sau đó giao cho bà Huế quản lý, sử dụng để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, theo đề nghị của bà Huế, 23 người kể trên đều ký khống sẵn các chứng từ mang tên mình để bà Huế sử dụng thực hiện các giao dịch ngân hàng trong việc thanh toán mua bán cổ phiếu, trong việc sử dụng tiền thu lợi bất chính từ hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Do đó, xét tính chất, mức độ hành vi vi phạm, phân hóa, CQĐT không xem xét trách nhiệm hình sự đối với những người này mà kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm về hành chính.

Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xử lý

Kết luận điều tra bổ sung cũng nhắc đến 13 kiểm soát viên và giao dịch viên Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Thanh Xuân, Hà Nội. Theo CQĐT, có đủ căn cứ xác định, từ năm 2014- 2016, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế nhờ các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên các công ty thuộc hệ thống FLC và là người thân đứng tên cổ đông góp vốn, ký sẵn các chứng từ để bà Huế dùng làm thủ tục nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền, tạo dòng tiền qua tài khoản, hợp thức việc góp khống vốn điều lệ vào Công ty Faros.

Hầu hết các cá nhân đều không trực tiếp đến ngân hàng để làm thủ tục nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền, nhưng các giao dịch viên, kiểm soát viên của Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Thanh Xuân vẫn đồng ý thực hiện các giao dịch nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền theo chứng từ đã được ký sẵn để bà Huế hợp thức tạo dòng tiền góp vốn khống.

Việc này vi phạm khoản 2, Điều 12 Quy định số 6440/QĐ-NHBL của Ngân hàng BIDV. Nhưng khi thực hiện, các giao dịch trong tài khoản của các cá nhân có đủ số tiền để thực hiện giao dịch, chứng từ đầy đủ về hình thức, nội dung, đầy đủ chữ ký của chủ tài khoản theo quy định.

CQĐT cho rằng, các giao dịch viên không biết mục đích của việc nộp tiền, rút tiền, chuyển tiền để nhằm mục đích nâng khống vốn, niêm yết, bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Hơn nữa họ cũng không được hưởng lợi ích gì từ hành vi của mình mà chỉ được hưởng lương hàng tháng.

Do đó, CQĐT khẳng định, không có căn cứ xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với 13 giao dịch viên, kiểm soát viên nói trên, nhưng cho rằng cần kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xử lý nghiêm các sai phạm nêu trên.

T.Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ly-do-khong-xu-ly-hinh-su-210-nguoi-lien-quan-den-trinh-van-quyet-2253107.html