Cơ sở mộc dân dụng không phép ở Đak Đoa: Khó quản lý
Tại xã Hải Yang (huyện Đak Đoa, Gia Lai) hiện có 36 cơ sở sơ chế mộc dân dụng. Qua kiểm tra của đoàn liên ngành huyện Đak Đoa mới đây thì hầu hết các cơ sở đều sử dụng gỗ có nguồn gốc hợp pháp, được nhập khẩu từ châu Phi về các tỉnh phía Bắc rồi vận chuyển vào để chế biến xuất đi nơi khác. Tuy nhiên, cả 36 cơ sở này đều chưa có giấy phép kinh doanh, gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền địa phương.
Cách đây hơn 2 năm, trên địa bàn xã Hải Yang chỉ có 4 hộ thành lập cơ sở mộc dân dụng, chuyên gia công chế biến sản phẩm gỗ xẻ thô, chủ yếu làm mặt bàn, ghế, giường, tủ, sập gỗ nguyên tấm để xuất bán đi nơi khác. Nguồn gốc số gỗ này được xác định là nhập khẩu từ châu Phi, được các cơ sở trực tiếp mua rồi vận chuyển từ Hải Phòng, Hà Nội về làm và cung ứng lại cho nhiều hộ trong vùng cùng làm. Thấy hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ trong xã cũng mở cơ sở mộc dân dụng; đến nay, toàn xã đã có 36 cơ sở. Sau khi gia công chế biến gỗ thô thành sản phẩm tinh chế, các cơ sở này xuất bán đi khắp nơi trong nước.
Điểm tập kết gỗ tại thôn 3 (xã Hải Yang) mỗi tuần đều có vài chuyến xe chuyên dụng bốc dỡ hàng, chủ yếu là gỗ tấm xẻ thô với số lượng hàng trăm mét khối. Theo quan sát của chúng tôi, các cơ sở gia công, chế biến gỗ ở xã này đều nằm khá xa nhau. Bà Mai Thị Nhung-Phó Chủ tịch UBND xã Hải Yang-cho biết: “Xã đã lập danh sách và nhiều lần mời các hộ lên quán triệt, yêu cầu cam kết không sử dụng gỗ rừng khai thác tại chỗ. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của các hộ này. Gần đây, thực hiện chủ trương của huyện về quy hoạch lại khu sản xuất, chế biến tập trung, xã đang vận động 36 cơ sở này thành lập làng nghề hoặc vào hợp tác xã để dễ quản lý, tạo việc cho người lao động”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Sơn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa: “Qua các đợt kiểm tra của đoàn liên ngành thì các cơ sở này đều tự phát, chưa có giấy phép kinh doanh. Đoàn liên ngành cũng xác định nguồn gốc gỗ các cơ sở này sử dụng có hồ sơ gốc. Hạt Kiểm lâm huyện đã có báo cáo gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh và đề xuất UBND huyện cho chủ trương thành lập làng nghề, hợp tác xã tại đây để thuận tiện cho việc quản lý của ngành chức năng”.
Trước thực trạng trên, từ đầu tháng 8 đến nay, UBND huyện Đak Đoa đã tổ chức nhiều cuộc họp, triển khai nhiều đợt kiểm tra về nguồn gốc gỗ, vấn đề vệ sinh môi trường và các điều kiện cần thiết trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở mộc dân dụng tại xã Hải Yang. Huyện cũng đã đề xuất một số phương án quy hoạch, quản lý có tính khả thi cao đối với các cơ sở này. Ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện-khẳng định: “Việc cấp phép cho các cơ sở này hiện còn vướng cơ chế do xã chưa quy hoạch được khu sản xuất tập trung. Huyện cũng đang nỗ lực đến tháng 11 năm nay sẽ đưa các hộ vào khu sản xuất tập trung nhằm hạn chế việc lợi dụng đưa gỗ bất hợp pháp vào đây. Cùng với đó, huyện sẽ tăng cường quản lý lao động, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo việc làm cho người dân và tránh thất thu thuế cho địa phương” .
Trong khi việc quy hoạch, bố trí sắp xếp 36 cơ sở mộc dân dụng ở xã Hải Yang còn phải chờ đợi các bước tiến hành với khoảng thời gian chưa được xác định cụ thể thì việc kiểm tra, quản lý của chính quyền địa phương cần được tăng cường. Bởi lẽ, dư luận đang rất quan tâm đến vấn đề có hay không việc các cơ sở này lợi dụng trà trộn nguồn gỗ hợp pháp và bất hợp pháp để chế biến, buôn bán và vận chuyển đi nơi khác khi mà xã Hải Yang nằm rất gần với cửa ngõ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.