Cô Tâm và hành trình tri ân liệt sĩ

Hơn 10 năm thực hiện hành trình đến gần 400 nghĩa trang liệt sĩ, cô đã thu thập được khoảng 2.000 thông tin về liệt sĩ. Sau đó, cùng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (HTGĐLS), cô trực tiếp tham gia tư vấn xác nhận thông tin, hướng dẫn thủ tục và hỗ trợ kinh phí đưa được gần 50 hài cốt liệt sĩ đủ điều kiện pháp lý theo quy định của Nhà nước về quê an táng. Ngoài ra, cô còn dành số tiền tích cóp của cá nhân là gần 1 tỷ đồng để làm sổ tiết kiệm, xây nhà tình nghĩa… tặng các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Đó là tấm lòng nghĩa tình của cô Lê Thị Tâm-Chi hội trưởng Chi hội HTGĐLS huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

Năm 1973, cô gái Lê Thị Tâm quê ở Mai Dịch, Hà Nội nhập ngũ rồi được điều về làm nhân viên giáo vụ của Trường Trung cấp Quân y 1 đóng quân tại Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Sau hơn 7 năm quân ngũ, Thượng úy Lê Thị Tâm chuyển ngành về quê chồng ở Thanh Thủy, Phú Thọ công tác. Nhân duyên đến với công việc tìm kiếm thông tin, hỗ trợ gia đình liệt sĩ của cô bắt đầu từ những ngày cất công đi tìm phần mộ của anh trai là liệt sĩ Lê Hồng Khôi, sinh năm 1947, hy sinh năm 1965 tại chiến trường K.

Cô kể: “Sau ngày anh Khôi hy sinh, gia đình tôi mới nhận được giấy báo tử với dòng thông tin ít ỏi: “Hy sinh tại mặt trận phía Nam, an táng tại nghĩa trang gần mặt trận”. Nhiều năm tìm kiếm không có kết quả mọi người trong nhà nhiều lúc cũng nản lòng, nhưng cá nhân tôi vẫn ấp ủ quyết tâm tìm anh. Từ năm 2008 khi cuộc sống gia đình cơ bản ổn định, tôi quyết định trực tiếp đi vào chiến trường nơi có thể trước đây anh tôi từng chiến đấu để tìm kiếm”.

Cô Lê Thị Tâm.

Cô Lê Thị Tâm.

Trong hành trình ấy, cô cũng bắt gặp nhiều gia đình có cùng cảnh ngộ như mình, đã tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc mà vẫn chưa tìm thấy người thân. Vì vậy, đi tới các nghĩa trang, cùng với việc tìm kiếm thông tin của liệt sĩ Lê Hồng Khôi, cô đều tận dụng thời gian chụp hình từng ngôi mộ, ghi chép thông tin liệt sĩ của huyện nhà và của tỉnh Phú Thọ vào cuốn sổ tay, hy vọng sau này có thể cung cấp cho nhiều gia đình liệt sĩ.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2010, kết nối được với đội cựu chiến binh tình nguyện của tỉnh Bình Phước do đồng chí Vũ Đình Luật (sinh sống ở Thọ Sơn, Bù Đăng, Bình Phước) đứng đầu, cô đã đứng ra thành lập Đội tình nguyện Phú Thọ-Bình Phước, với công việc đầu tiên là hỗ trợ tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ của tỉnh Phú Thọ được quy tập, an táng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Chuyến đi đầu tiên kéo dài ròng rã 8 tháng liền, 20 người của đội do cô dẫn đầu và tài trợ toàn bộ kinh phí len lỏi khắp các cánh rừng, khe suối. May mắn là kết thúc chuyến đi, từ thông tin do nhân dân và các cựu chiến binh cung cấp đội đã tìm được 8 hài cốt liệt sĩ (có nhiều hiện vật được an táng cùng chứng minh đó là các chiến sĩ Quân Giải phóng). Đây là tín hiệu mừng và cũng là động lực để cô tiếp tục nối dài công việc mình lựa chọn. Ngoài ra, trước thực trạng không ít kẻ xấu lợi dụng việc đi tìm hài cốt liệt sĩ để lừa đảo, trục lợi và nhằm công khai, minh bạch để mọi người hiểu đúng về việc làm của mình, nên đi tới đâu cô cũng xin xác nhận, chứng thực của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan...

Cô Lê Thị Tâm (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) cùng các hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam viếng đồng đội.

Cô Lê Thị Tâm (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) cùng các hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam viếng đồng đội.

Với hơn 10 năm thực hiện hành trình tri ân liệt sĩ, cô Lê Thị Tâm đã đi tới gần 400 nghĩa trang liệt sĩ, xa nhất là ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Tuy giúp được nhiều gia đình tìm thấy người thân nhưng còn về anh trai của mình, thật tiếc đến nay cô vẫn chưa tìm thấy phần mộ ngoài thu thập được thêm thông tin nơi hy sinh là tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Cô tâm sự: “Tôi tự nguyện lựa chọn làm những việc này hoàn toàn bằng nguồn tài chính cá nhân chứ chưa từng kêu gọi hỗ trợ. Kể cũng lạ, cứ đi thì vui vẻ, khỏe mạnh mà dừng lại thì thế nào cũng có vấn đề về sức khỏe!”.

 Cô Lê Thị Tâm trực tiếp tham gia cất bốc hài cốt liệt sĩ và bàn giao cho gia đình.

Cô Lê Thị Tâm trực tiếp tham gia cất bốc hài cốt liệt sĩ và bàn giao cho gia đình.

Mỗi hành trình tìm kiếm liệt sĩ, cô lại có những kỷ niệm khó quên. Trong đó có chuyến đi diễn ra vào năm 2018 cùng 3 người trong gia đình liệt sĩ Trần Văn Bình,xã Tân Phương,huyện Thanh Thủy, Phú Thọ vào nghĩa trang liệt sĩ dốc Bà Đắc (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đón anh trở về quê mẹ. “Liệt sĩ Trần Văn Bình nhập ngũ năm 1967, 3 năm sau anh hy sinh ở khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia. Lần ấy, đoàn chúng tôi vượt đoạn đường hơn 2.000km tới được nghĩa trang thì trời đã tối đen. Tôi gọi bác quản trang và được bác cho vào nghĩa trang, sắp xếp chỗ tạm nghỉ. Sáng hôm sau, xuất trình giấy tờ để xin cất bốc hài cốt liệt sĩ thế nhưng chúng tôi bị từ chối vì ngôi mộ của liệt sĩ Bình được chuyển về nghĩa trang là do Quân khu 9 quy tập, chưa bàn giao giấy tờ cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang. Vì vậy, trong danh sách quản lý của nghĩa trang chưa có tên liệt sĩ. Vậy là cả đoàn lại lục đục đi tiếp chặng đường khoảng 70km quay về tỉnh. Đến quá giờ trưa hôm đó, ai nấy bụng đói cồn cào rồi lại nhận được câu trả lời: Sở không giải quyết. Chẳng lẽ ra về tay trắng, cuối cùng cô quyết định về Phòng Chính sách Quân khu 9 trình bày đề nghị giúp đỡ. May mắn được cán bộ hỗ trợ nhiệt tình, chuẩn bị hồ sơ và trực tiếp liên lạc với lãnh đạo Sở giải quyết. Đến khi cầm trong tay tờ quyết định cho phép di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê, mọi người mới thở phào. Sau 47 năm, liệt sĩ Trần Văn Bình đã được trở về quê hương trong nước mắt mừng tủi, ngóng chờ của mẹ già đã 96 tuổi. Niềm vui của gia đình liệt sĩ giờ đây cũng chính là niềm vui của tôi vậy".

Cô Lê Thị Tâm trò chuyện với phóng viên.

Cô Lê Thị Tâm trò chuyện với phóng viên.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được Trung tướng Hoàng Khánh Hưng-Chủ tịch Hội HTGĐLSVN và các thành viên từng trực tiếp đồng hành cùng cô Tâm trong các chuyến đi cho biết, đến nay nhờ sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm của cô mà đã có gần 50 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy với đầy đủ thông tin chứng thực. Trong đó, 16 lần cô đã tham gia cùng gia đình liệt sĩ vào tận nghĩa trang để cất bốc và đưa về quê an táng. Tất cả những lần đó cô đều dùng xe ô tô của gia đình hỗ trợ miễn phí việc đưa hài cốt liệt sĩ về quê và lấy mẫu sinh phẩm để tiến hành giám định ADN mà không hề suy tính, đắn đo. Vào những ngày lễ, Tết, cô cùng với Chi hội HTGĐLS huyện Thanh Thủy tổ chức tuyên truyền, vận động nguồn lực xã hội tặng quà, trao sổ tiết kiệmcho các gia đình liệt sĩ và người có công với tổng trị giá đến nay là hàng tỷ đồng (2/3 số đó là của gia đình cô đóng góp). Việc làm tình nghĩa của cô Lê Thị Tâm đã nhận được sự ủng hộ của gia đình và các cộng sự. Chính quyền nhiều địa phương (như Bình Phước, Tây Ninh, Phú Thọ…) đã tặng nhiều bằng khen, giấy khen và bảng vàng vinh danh để ghi nhân việc làm nghĩa tình của cô.

Bài và ảnh:SONG THANH-MAI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-14/co-tam-va-hanh-trinh-tri-an-liet-si-723359