Có thể chịu hình phạt tù chung thân
Theo đó, hành vi sử dụng môi trường internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Tùy theo mức độ hành vi này có mức án tương ứng, mà cao nhất có thể là phạt tù chung thân.
Hành vi sử dụng internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Chiếm quyền điều khiển telegram để lừa đảo chiếm đoạt tiền
Vừa qua, trên mạng xuất hiện nhiều người bị chiếm quyền điều khiển tài khoản telegram, sau đó bị lừa chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Cụ thể, CATP Móng Cái đã tiếp nhận đơn tố giác của chị Đ.T.P, SN 1984, trú tại phường Ka Long, TP Móng Cái về việc bị đối tượng xấu chiếm đoạt tài sản bằng phương thức chiếm quyền điều khiển tài khoản Telegram.
Theo chị P, khoảng giữa tháng 8/2024, chị P nhận được tin nhắn từ 01 tài khoản telegram với nội dung: “Hệ thống sẽ phát hiện xem tài khoản của bạn có đăng nhập từ xa hay không. Vui lòng nhấp vào trang web chính chức để liên kết lại điện thoại di động của bạn với đường link: http://bright888.net”.
Do thiếu cảnh giác nên chị P đã truy cập vào đường link trên. Đến ngày 8/8/2024, anh D, SN 1996, trú tại phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng liên hệ với chị P qua telegram để chuyển trả cho chị P 2 tỷ đồng. Chị P nhắn tin bằng telegram cho anh D một số tài khoản thuộc Ngân hàng ACB để anh D chuyển tiền.
Sau khi anh D chuyển tiền và gửi ảnh chụp màn hình kết quả, chị P phát hiện ra tài khoản nhận tiền lại là một tài khoản khác thuộc Ngân hàng Eximbank nên đã cùng anh D kiểm tra lại tin nhắn thì phát hiện tin nhắn mà anh D nhận được ở telegram không phải số tài khoản mà chị đã gửi, thay vào đó là một số tài khoản khác. Lúc này chị P mới biết mình bị các đối tượng xấu chiếm quyền điều khiển tài khoản telegram và theo dõi các cuộc nói chuyện, sau đó can thiệp, thay đổi số tài khoản nhận tiền mà chị P gửi cho anh D thành số tài khoản của đối tượng để chiếm đoạt số tiền 2 tỷ đồng.
Quy định của pháp luật đối với hành vi sử dụng internet để lừa đảo
Về hành vi này, Bộ Công an đã cho biết, hiện nay, các đối tượng thông qua hoạt động chiếm quyền điều khiển tài khoản telegram để lừa đảo chiếm đoạt tài khoản thông qua một số phương thức, thủ đoạn: chiếm quyền điều khiển, theo dõi các cuộc trò chuyện của nạn nhân, khi nạn nhân trao đổi với người thân, bạn bè, đối tác liên quan đến giao dịch tài khoản ngân hàng thì đối tượng can thiệp, thay đổi số tài khoản ngân hàng của mình thành số tài khoản nhận tiền để chiếm đoạt tài sản; sử dụng tài khoản telegram đã chiếm đoạt sau đó nhắn tin đến bạn bè, người thân của chủ tài khoản hỏi vay tiền sau đó chiếm đoạt; sử dụng tài khoản telegram đã chiế́m đoạt gửi tin nhắn chứa mã độc, ứng dụng độc hại đến bạn bè, người thân của chủ tài khoản, sau đó chiếm quyền điều khiển thiết bị, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Cũng theo Bộ Công an, hành vi sử dụng môi trường internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Cụ thể, đối với các hành vi cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tùy theo số tiền chiếm đoạt mà phải chịu các khung hình phạt khác nhau, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Đối với các hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".
Bộ Công an cũng khuyến cáo để người dân nhận biết và tránh trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo trên. Theo đó, tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu, trau dồi kiến thức pháp luật, thường xuyên cập nhật, theo dõi các thông báo của các cơ quan chức năng trên các phương tiện thông tin, phương tiện truyền thông đại chúng về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tăng cường các biện pháp bảo mật để bảo vệ tài khoản mạng xã hội, tránh bị các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội bằng cách: kích hoạt xác thực hai yếu tố (2FA); thường xuyên kiểm tra lịch sử đăng nhập; định kỳ thay đổi mật khẩu tài khoản; không chia sẻ mã OTP với bất kỳ ai; không nhấp vào các đường link lạ, không cài đặt các ứng dụng nguồn gốc không rõ ràng; không chia sẻ nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội; không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan, như: căn cước công dân, giấy chứng minh Nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng…; không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết…
Bộ Công an khuyến cáo, trước khi chuyển tiền cho bất kỳ ai, gọi điện thoại thông thường đến số điện thoại của người yêu cầu chuyển tiền để xác thực lại thông tin, không liên lạc trao đổi qua tài khoản mạng xã hôị̣. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho CQCA nơi gần nhất đề được tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết, đồng thời chủ động lưu giữ các nội dung liên quan đến việc trao đổi giữa bản thân mình với đối tượng lừa đảo (tin nhắn, cuộc gọi, sao kê chuyển tiền...) để cung cấp thông tin, tài liệu cho CQCA phục vụ công tác kiểm tra, xác minh, điều tra xử lý nghiêm các đối tượng.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/co-the-chiu-hinh-phat-tu-chung-than-401731.html