Có thể tổ chức kỳ họp chuyên đề của Quốc hội để xem xét sửa đổi Luật Đất đai

Đây là kiến nghị của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay, 19-1. Tán thành tổ chức các kỳ họp chuyên đề của Quốc hội để giải quyết kịp thời các vướng mắc pháp luật, các vấn đề phát sinh trong cuộc sống, 'Như Luật Đất đai chẳng hạn, rất cần thiết', Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cho ý kiến tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận xét: “Kỳ họp đã thành công rất tốt đẹp. Bây giờ chỉ còn thực hiện. Và để đảm bảo thực hiện tốt thì Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần phối hợp để giám sát chặt chẽ”. Trong thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Quốc hội được đặt cao hơn bao giờ hết, nên có các kỳ họp chuyên đề để kịp thời thực hiện, triển khai – đồng chí Nguyễn Khắc Định đề nghị. Đặc biệt, theo Phó chủ tịch Nguyễn Khắc Định, nghị quyết chung của kỳ họp được chuẩn bị rất nhanh, nhưng vẫn đầy đặn, sắc bén, rất được cử tri và nhân dân đồng tình, phấn khởi.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tán thành ý tưởng tổ chức kỳ họp chuyên đề của Quốc hội để giải quyết kịp thời các vướng mắc pháp luật, các vấn đề phát sinh trong cuộc sống. “Như Luật Đất đai chẳng hạn, rất cần thiết”, ông nói. Phó chủ tịch Trần Quang Phương cho rằng, sau này, khi sửa Luật Tổ chức Quốc hội, nên gọi các kỳ họp không thường kỳ của Quốc là “kỳ họp chuyên đề” cho sát hợp, tránh những hiểu lầm không cần thiết.

Nhấn mạnh đến yêu cầu phối hợp nhịp nhàng giữa Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ví von: “Có lẽ đây là kỳ họp đi vào lịch sử “bếp núc” của Quốc hội. Như dự án luật sửa đổi bổ sung 8 luật, hầu hết các ủy ban của Quốc hội phải vào cuộc, làm việc ngày đêm. Chưa có văn bản nào mà trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực rồi mà vẫn phải xin 17 chữ ký của các cơ quan có liên quan”. Người đứng đầu Ủy ban Kinh tế đề nghị tăng tính chủ động, sắp xếp thời gian hợp lý cho công tác tiếp thu, giải trình của các cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng, thẩm tra pháp luật. Theo ông, có một số nội dung sau khi được UBTVQH góp ý, đến khi trình lại “gần như vẫn y nguyên”. Đây cũng là nhận xét của Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Lê Quang Huy.

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao tinh thần làm việc hết sức trách nhiệm, cẩn trọng của các cơ quan Quốc hội, các cơ quan thông tấn báo chí. “Công tác thông tin tuyên truyền làm bài bản, sâu sắc, cả trước, trong và sau kỳ họp”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nêu ngắn gọn. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, đây là kỳ họp của “quyết đoán, quyết tâm, quyết định”.

Được mời dự họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh đề xuất nên tăng cường công tác chuẩn bị, phối hợp sớm hơn giữa Đảng đoàn Quốc hội và Chính phủ. “Lần đầu tiên Kiểm toán Nhà nước được giao có ý kiến chính thức bằng văn bản về các dự án trọng điểm quốc gia gửi đến tất cả các ĐBQH để nghiên cứu (dù Luật đã có, nhưng đến nay mới thực hiện được – PV). Tuy nhiên, các tài liệu chưa được cung cấp sớm và đầy đủ nên việc kiểm toán gặp khó khăn nhất định”, Tổng kiểm toán giãi bày.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, vai trò của Kiểm toán Nhà nước tới đây cần tiếp tục được tăng cường. “Luật đã có, chúng ta phải tận dụng cho tốt công cụ quan trọng này”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/co-the-to-chuc-ky-hop-chuyen-de-cua-quoc-hoi-de-xem-xet-sua-doi-luat-dat-dai-789451.html