Có thêm 36 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 36 di sản. Theo đó, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều di sản được công nhận nhất, sau đó là Hà Giang và Phú Thọ.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh có năm di sản được ghi danh, bao gồm Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ; Lễ hội đình Đầm Hà, huyện Đầm Hà; Lễ hội Xuống đồng, thị xã Quảng Yên; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng Cô của người Sán Dì và Lễ hội đình Vạn Ninh, thành phố Móng Cái.
Tỉnh Hà Giang có ba di sản được công nhận là Nghề làm nón Hai mê của người Tày, huyện Quang Bình; Lễ cúng rừng của người Cờ Lao, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Quan làng của người Tày, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.
Ba di sản tại Phú Thọ được ghi danh bao gồm Lễ hội đền Du Yến, huyện Thanh Ba; Lễ hội rước Chúa Gái, thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao và Lễ mở cửa rừng của người Mường, huyện Yên Lập.
Tỉnh Hà Nam có hai di sản được công nhận là Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa hát Lải Lèn, huyện Lý Nhân và Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Trống quân Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm.
Tỉnh Quảng Bình có hai di sản được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Kiều, huyện Quảng Trạch, huyện Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn và Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát ru Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch.
Hai di sản được công nhận tại Thanh Hóa là Lễ hội truyền thống Lễ hội Mường Khô tại huyện Bá Thước; Lễ hội Nàng Han ở huyện Thường Xuân và Lễ hội Sết Boóc Mạy, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.
Hai di sản được công nhận ở Thái Bình gồm Lễ hội Bổng Điền, huyện Vũ Thư và Nghề dệt đũi, huyện Kiến Xương. Tỉnh Nghệ An có hai di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội đền Yên Lương, thị xã Cửa Lò và Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (Thập niên sự lệ), huyện Đô Lương.
Các tỉnh ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có các di sản được công nhận là Lễ Vu lan thắng hội, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh; Nghề làm nem Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp; Lễ hội Vía Bà Thủy Long, huyện Đầm Dơi và Nghề làm tôm khô đều thuộc tỉnh Cà Mau.
Bên cạnh đó, các địa phương có một di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Kon Tum với Nghề dệt của nhóm A Ráp (Gia Rai), huyện Sa Thầy, thành phố Kon Tum; Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông tỉnh Yên Bái; Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Quan làng của người Tày, tỉnh Tuyên Quang; Nghệ thuật làm trang phục của người Mông Đen, tỉnh Lào Cai; Lễ hội đền An Xá/Lễ hội Đậu An, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên; Tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình; Lễ hội Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang và Lễ hội Ariêu ping của người Tà Ôi ở tỉnh Quảng Trị.
Nghệ thuật trình diễn dân gian, Tri thức dân gian Vovinam – Việt Võ Đạo của Thành phố Hồ Chí Minh và Lễ hội Chùa Ông, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong dịp này.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Đăng Huy
Theo Báo Điện tử Chính phủ
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/co-them-36-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia/