Có thêm gần 100 tỷ đồng trong một ngày, nữ đại gia Nguyễn Thị Nga giàu cỡ nào?
Cùng với đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam, khối tài sản của nữ đại gia Nguyễn Thị Nga cũng ghi nhận tăng thêm gần 100 tỷ đồng.
Sau phiên điều chỉnh giảm nhẹ, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch tích cực trong phiên 28/12. Kết phiên, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 6,96 điểm để đóng cửa ở 1.128,93 điểm. Thanh khoản trên sàn HoSE đạt hơn 15.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, chỉ số HNX-Index tăng 0,75 điểm để đóng cửa ở 231,35 điểm. Chỉ số Upcom-Index tăng 0,51 điểm để đóng cửa ở mức 86,97 điểm.
Cùng với diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam, mã cổ phiếu SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SSB) cũng có phiên giao dịch tích cực ghi ghi nhận mức tăng 1.000đ/cổ phiếu, tương đương tăng 4,42% so với phiên liền trước. SSB là mã cổ phiếu ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong rổ chỉ số VN30.
Cùng với đà tăng của cổ phiếu SSB trong phiên giao dịch ngày 28/12, khối tài sản của nữ đại gia Nguyễn Thị Nga - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng cũng ghi nhận mức tăng thêm hơn 92 tỷ đồng khi đang trực tiếp nắm giữ hơn 92 triệu cổ phiếu ngân hàng này. Tính theo giá thị trường, nữ doanh nhân 68 tuổi đang trực tiếp nắm giữ khối tài sản có giá trị hơn 2.180 tỷ đồng tại ngân hàng mình làm lãnh đạo.
Bà Nguyễn Thị Nga mới đăng ký mua thêm 5 triệu cổ phiếu SSB
Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HSX), bà Nguyễn Thị Nga mới đây cũng đã đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu SSB nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 29/12/2023 đến ngày 26/1/2024 theo phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh.
Nếu thực hiện thành công, bà Nga sẽ nâng sở hữu tại SeABank từ 92,23 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3,696% lên 97,23 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 3,896%. Tạm tính với mức giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/12, bà Nga sẽ phải chi khoảng 118 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu SSB như đã đăng ký.
Sau phiên giao dịch tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023, chuyên gia công ty chứng khoán Vietcap đánh giá việc VN-Index vượt kháng cự mạnh tại 1.123-1.127 điểm có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy lực cầu vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Khi đó, chỉ số sẽ có cơ hội tiếp tục đà tăng, hướng lên vùng cản tiếp theo quanh 1.145 điểm. Đường MA200 tại 1.123 điểm sẽ tạm thời đóng vai trò làm hỗ trợ ngắn hạn cho VN-Index. Tuy nhiên, nếu thanh khoản thị trường không gia tăng mạnh, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chưa chắc đã có sự đồng thuận với nhóm vốn hóa lớn.
Chuyên gia CTCK Asean (Aseansc)cho rằng nhà đầu tư không nên quá lạc quan, khi áp lực bán có thể quay trở lại bất cứ lúc nào và VN-Index vẫn chưa vượt được đỉnh cũ xung quanh ngưỡng 1.130 điểm. Do đó, CTCK này duy trì khuyến nghị thận trọng, nhà đầu tư nên quan sát diễn biến ở vùng giá này, giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 50–70%, và tránh mua đuổi ở thời điểm hiện tại.
Chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) nhận định thị trường có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp rung lắc trong phiên 29/12 khi chỉ số VN-Index đối mặt với mức kháng cự 1.131 điểm. Đồng thời, CTCK này lưu ý thị trường chung vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn và các nhóm cổ phiếu có sự phân hóa, trong đó nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang có diễn biến rõ ràng hơn và đang dẫn dắt xu hướng thị trường trong ngắn hạn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng mạnh cho thấy các nhà đầu tư vẫn tiếp tục lạc quan hơn với diễn biến thị trường hiện tại.
Chuyên gia của CTCK Agribank (Agriseco Research) cho rằng áp lực chốt lời suy yếu kết hợp với lực mua chủ động gia tăng về cuối phiên đã giúp cho VN-Index nối dài nhịp tăng điểm tích cực và thử thách lại vùng đỉnh trung hạn 1.130 điểm. Biên độ tăng điểm mở rộng cùng thanh khoản cải thiện ở các cổ phiếu Bluechip đang mở ra cơ hội vượt đỉnh và hướng lên vùng kỳ vọng kế tiếp quanh 1,155 điểm. Điểm trừ trong phiên 28/12 là áp lực phân phối đang dần xuất hiện ở các nhóm cổ phiếu mid cap và penny.
Do đó, Agriseco Research khuyến nghị các nhà đầu tư tránh mua đuổi các cổ phiếu đã tăng nóng giai đoạn trước, chỉ trading ngắn hạn đối với các mã cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm ngành ngân hàng (STB, VCB, CTG), vật liệu xây dựng (HPG, HSG), trong các nhịp điều chỉnh về vùng kháng cự gần.