Cố Thủ tướng Berlusconi - cuộc đời nổi bật và gây tranh cãi

Ngoài sự nghiệp chính trị và kinh doanh nổi bật, cố Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi còn gây chú ý do đời tư và những phát ngôn gây tranh cãi.

Ngày 12-6, cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đã qua đời tại bệnh viện San Raffaele (Milan) sau 6 tuần điều trị bệnh nhiễm trùng phổi, đài CNN dẫn thông báo từ văn phòng báo chí của ông. Ông Berlusconi hưởng thọ 87 tuổi.

Cố Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi. Ảnh: GETTY IMAGES

Cố Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi. Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Berlusconi là ông trùm truyền thông, chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá và là một tỉ phú. Ông được xem là người đã giúp định hình hình ảnh của Ý trong nhiều thập niên. Đài BBC nhận xét trong chính giới Ý, ông Silvio Berlusconi là người thông minh, phức tạp.

Ngoài sự nghiệp chính trị nổi bật, ông Berlusconi còn gây chú ý vì đời tư và những phát ngôn gây tranh cãi của mình.

Sự nghiệp kinh doanh

Ông Silvio Berlusconi sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Milan vào ngày 29-9-1936. Ông lớn lên tại một ngôi làng ở ngoại ô thành phố trong Thế chiến II.

Khả năng kiếm tiền của ông Berlusconi đã được bộc lộ từ khi ông còn là sinh viên luật. Khi ấy, ông là thành viên một ban nhạc sinh viên. Ngoài ra, ông còn làm ca sĩ trong các hộp đêm và trên các tàu du lịch. Trong thời gian đó, ông bán cả máy hút bụi và bán các bài luận của mình cho những bạn học chung.

Ông Berlusconi từng làm ca sĩ trên tàu du lịch khi còn trẻ. Ảnh: REX FEATURES

Ông Berlusconi từng làm ca sĩ trên tàu du lịch khi còn trẻ. Ảnh: REX FEATURES

Sau khi tốt nghiệp, ông thành lập công ty xây dựng Edilnord. Công ty này sau đó đã xây dựng một khu chung cư khổng lồ ở ngoại ô Milan. Năm 1973, ông thành lập công ty truyền hình cáp Telemila, chuyên cung cấp truyền hình cáp cho các ngôi nhà do Edilnord xây dựng.

Năm 1977, ông sở hữu thêm 2 nhà ga và 1 studio ở trung tâm Milan. Sau đó, ông thành lập công ty cổ phần Fininvest. Fininvest là chủ sở hữu của Mediaset - đế chế truyền thông lớn nhất của Ý và là chủ sở hữu của các đài tư nhân lớn nhất nước này.

Ông cũng từng là ông chủ của câu lạc bộ bóng đá AC Milan. Sau đó, ông tiếp quản câu lạc bộ bóng đá Monza.

Trước khi qua đời, ông là một trong những người giàu nhất nước Ý, với khối tài sản gia đình trị giá hàng tỉ USD. Các con của ông đều tham gia điều hành các công ty do ông sáng lập.

Ông Berlusconi từng sở hữu câu lạc bộ bóng đá AC Milan. Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Berlusconi từng sở hữu câu lạc bộ bóng đá AC Milan. Ảnh: GETTY IMAGES

Sự nghiệp chính trị

Năm 1993, ông thành lập đảng Forza Italia. Năm 1994, nhờ vào chiến dịch truyền thông rầm rộ, ông giành chiến thắng trong cuộc đua cho chức thủ tướng Ý. Tuy nhiên, do một số bất đồng trong nội bộ chính phủ liên minh, ông Berlusconi buộc phải thôi giữ chức thủ tướng.

Năm 2001, ông Berlusconi trở lại làm thủ tướng, đứng đầu liên minh House of Freedoms. Trong chiến dịch tranh cử, ông hứa sẽ đại tu nền kinh tế Ý, đơn giản hóa hệ thống thuế và tăng lương hưu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu không mấy khả quan, ông Berlusconi đã không thực hiện được các cam kết của mình. Sau đó, ông thất bại trong cuộc bầu cử năm 2006.

Ông Berlusconi trong một sự kiện vào năm 2001. Ảnh: AP

Ông Berlusconi trong một sự kiện vào năm 2001. Ảnh: AP

Ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ở Ý năm 2008 và quay trở lại ghế thủ tướng. Đến năm 2011, chi phí đi vay của Ý tăng vọt do cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro. Ông Berlusconi đã mất đi sự ủng hộ và buộc phải từ chức thủ tướng.

Vào tháng 10-2012, ông bị kết án 4 năm tù vì tội gian lận thuế và bị cấm giữ chức vụ nhà nước. Ông Berlusconi tuyên bố mình vô tội. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ông Berlusconi đã hơn 75 tuổi nên ông được nhận hình phạt thay thế là phục vụ cộng đồng.

Năm 2018, một tòa án đã ra phán quyết ông Berlusconi có thể ứng cử trở lại vào các chức vụ nhà nước. Cựu thủ tướng Ý sau đó đã ứng cử vào Nghị viện châu Âu và thắng cử. Năm 2022, ông được bầu vào Thượng viện Ý.

Ông từng tiết lộ ông đã xuất hiện trước tòa 2.500 lần trong 109 vụ án. Ông từng bị cáo buộc phạm tội tham nhũng, gian lận thuế, cố gắng hối lộ thẩm phán.

Sau khi nắm quyền, chính phủ của ông Berlusconi đã thông qua một đạo luật cho phép ông và các nhân vật hàng đầu khác được miễn truy tố khi còn đương chức. Tuy nhiên, luật này sau đó đã bị Tòa án Hiến pháp Ý bãi bỏ.

Ông Silvio Berlusconi đến dự cuộc gặp với Tổng thống Ý Sergio Mattarella vào tháng 10-2022. Ảnh: REUTERS

Ông Silvio Berlusconi đến dự cuộc gặp với Tổng thống Ý Sergio Mattarella vào tháng 10-2022. Ảnh: REUTERS

Đời tư

Ngoài chính trị, ông Berlusconi còn gây chú ý về đời sống riêng tư của mình. Vị cố thủ tướng không che giấu việc quen nhiều phụ nữ trẻ hơn.

Ông gặp người vợ thứ hai - bà Veronica Lario trong một buổi diễn kịch của bà. Sau một thời gian chung sống, bà Lario đệ đơn ly hôn chồng, sau khi phát hiện bức ảnh ông Berlusconi dự tiệc sinh nhật lần thứ 18 của người mẫu Noemi Letizia.

Vụ bê bối thu hút sự quan tâm nhiều nhất của dư luận, liên quan đến ông Berlusconi, là bữa tiệc "bunga bunga". Bữa tiệc có sự tham dự của các vũ nữ, được cho là diễn ra tại biệt thự của vị cựu thủ tướng.

Ông Berlusconi cùng với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một cuộc họp báo vào năm 2008. Ảnh: REUTERS

Ông Berlusconi cùng với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một cuộc họp báo vào năm 2008. Ảnh: REUTERS

Theo BBC, ông Berlusconi còn là một người bạn lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Vị cố thủ tướng cho rằng Ukraine là bên có lỗi trong cuộc xung đột đang diễn ra tại nước này.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-thu-tuong-berlusconi-cuoc-doi-noi-bat-va-gay-tranh-cai-post737606.html