Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong ký ức thành viên Tổ Tư vấn kinh tế
Sách 'Võ Văn Kiệt - trăm năm trong một chữ Dân' cho độc giả nhiều khía cạnh khác của cố Thủ tướng, một 'anh Sáu Dân' thân thiện, một vị chính khách đã giúp khôi phục nền kinh tế.
Cuốn sách Võ Văn Kiệt - trăm năm trong một chữ Dân bao gồm 32 bài viết (hầu hết chưa từng được xuất bản) của nhiều tác giả là các chính trị gia, nhà nghiên cứu, chuyên viên, các nhà văn, nhà báo, kể lại những câu chuyện liên quan đến cuộc đời hoạt động và di sản của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Theo chia sẻ của nhóm chủ biên, cuốn sách hé lộ nhiều điểm thú vị của ông Võ Văn Kiệt. Qua những lời kể trong sách, người đọc sẽ được biết thêm nhiều câu chuyện và giai thoại về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, từ những chuyến đi công tác nước ngoài gặp gỡ các chính khách, những lần đối thoại gay gắt về vấn đề lính Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam tới những góc khuất trong cuộc sống đời thường như chuyện lập gia đình, chuyện tiếp bạn từ thuở “mày tao chi tớ” ở quê nhà.
Chiều 8/12, Buổi ra mắt sách diễn ra với sự tham gia của các khách mời, những người từng có dịp tiếp xúc với cố thủ tướng, đã lần lượt chia sẻ ký ức về cố Thủ tướng.
Ông Sáu Dân được nhiều người quý mến
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, chủ biên cuốn sách, nhận định: "Càng đọc, càng nhận ra cố Thủ tướng là một người rất đặc biệt". Lần đầu tiên, tất cả cộng sự gần gũi của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã hội tụ lại với nhau trong cuốn sách.
Đặc biệt, sách có bài viết của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. "Tôi biết cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - ông Sáu Dân từ những năm ở R", ông Nguyễn Minh Triết viết. "Trong hội họp, trong làm việc và kể cả trong những lúc vui chơi giải trí, tôi nhận thấy ở ông ngoài những điểm chung thì có những nét riêng rất đặc biệt, tôi gọi đó là tính cách của ông, tính cách Võ Văn Kiệt".
Bên cạnh tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, tư tưởng lớn, năng động, sáng tạo, tính cách Võ Văn kiệt, theo nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, còn gần gũi, chịu lắng nghe. Chính vì sự gần gũi này mà nhiều người vẫn hay gọi ông một cách thân tình là "ông Sáu Dân".
Ông Sáu Dân được nhiều người quý mến ấy đã để lại nhiều di sản cho đất nước, những công trình mang dấu ấn của riêng ông, từ ý tưởng đến chỉ đạo trực tiếp như: thủy điện Trị An, thủy điện Thác Mơ, công trình đường dây tải điện 500kV Bắc Nam…
Phát huy nhân tài, khôi phục kinh tế
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét cố thủ tướng là một người truyền lửa. Tại sự kiện giao lưu, bà chia sẻ về cơ duyên được gặp ông Võ Văn Kiệt từ đầu thập niên 1990. Bà cho biết lần nào gặp ông xong, bà cũng ấn tượng sâu sắc.
Cuối năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thành lập Tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính với 60 người, sau 3 năm hoạt động, Tổ tư vấn được sắp xếp lại thành Tổ nghiên cứu đổi mới kinh tế, xã hội và hành chính, thu gọn tổ chức, giảm số thành viên xuống còn 21 người.
Ông Võ Đại Lược, Thành viên chính thức Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết trong sách: "Thời ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng, tốc độ tăng trưởng cao và hiệu quả nền kinh tế tăng rõ rệt".
Nhiều người đã ghi nhận công lao của cố Thủ tướng trong việc kéo Việt Nam ra khỏi khủng hoảng kinh tế những năm 1980, để lại nhiều di sản tốt đẹp cho đến tận ngày nay.
Để làm được điều đó, ông Võ Văn Kiệt đã dụng đến khả năng nhận biết nhân tài của mình. Theo lời kể của ông Vũ Quốc Tuấn, cố thủ tướng thường xuyên gặp mặt thân tình đội ngũ trí thức trong nhiều lĩnh vực.
Các khách mời đều đồng tình rằng ông Võ Văn Kiệt là người rất biết lắng nghe, thường xuyên hỏi ý kiến các chuyên gia kinh tế, trao đổi với các trí thức về kinh tế thị trường để nắm bắt được vấn đề, làm cơ sở khoa học cho những quyết sách của mình, những quyết sách góp phần vực dậy kinh tế nước nhà.
"Chỉ có chuyển biến thực sự về nhận thức, mới biết quý nhân tài; phát hiện được nhân tài, mới có thể có những đột phá về chính sách trọng dụng, tôn vinh nhân tài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho nhân tài phát huy tài năng, cống hiến cho đất nước, dân tộc", ông Vũ Quốc Tuấn nhận định.