Có tiêu chí trong dự thảo chuẩn CSGDĐH vênh so với quy định hiện hành
Hoạt động đánh giá theo chuẩn CSGDĐH nên được tiếp tục hoàn thiện theo hướng định tính hơn và bổ sung thêm tiêu chí để bảo đảm tính toàn diện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp đối với dự thảo Thông tư quy định về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Đã có nhiều ý kiến tranh luận, góp ý với những tiêu chuẩn, tiêu chí đưa ra tại dự thảo.
Rất khó để đưa ra các chỉ tiêu định lượng phù hợp với tất cả các cơ sở giáo dục đại học
Cùng góp ý về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục, Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Hảo (Trưởng bộ phận Học thuật xuất sắc, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông) nhận định, việc xây dựng chuẩn cơ sở giáo dục đại học là hoạt động nhằm triển khai Khoản 2b (Ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học để thực hiện quy hoạch) của Điều 11 (Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học) thuộc Luật Giáo dục đại học (số 34/2018/QH14).
Một số quốc gia cũng đã thiết lập các chuẩn như vậy nhằm bảo đảm các chuẩn cơ sở giáo dục đại học đang hoạt động đạt được các yêu cầu tối thiểu do Chính phủ đặt ra.
“Để đánh giá tính đầy đủ, hợp lý của dự thảo Thông tư quy định về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, chúng ta có thể đối sánh với chuẩn cơ sở giáo dục đại học đã được xây dựng và vận hành hiệu quả ở một số quốc gia, tiêu biểu như tại Úc.
Về cơ bản, dự thảo chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam khá tương đồng với chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Úc về cấu trúc, trừ tiêu chuẩn về Tài chính (Úc không sử dụng)”, chuyên gia chia sẻ.
Theo đó, Phó giáo sư Hảo cho rằng, trong bối cảnh tăng cường tự chủ đại học của Việt Nam, đặc biệt tự chủ về tài chính, không cần thiết để đưa tiêu chuẩn này vào chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Nhận định thêm, vị chuyên gia cho rằng, về nội hàm của các tiêu chí (thuộc các tiêu chuẩn), dự thảo chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam quá thiên về các yêu cầu định lượng trong khi của Úc gần như là định tính nhưng vẫn bảo đảm tính đo lường được.
“Việc lượng hóa các tiêu chí sẽ giúp việc đo lường, đánh giá dễ dàng hơn nhưng sẽ rất khó khăn để đưa ra được các chỉ tiêu định lượng phù hợp với tất cả các cơ sở giáo dục đại học hiện có”, thầy Hảo phân tích.
Chuyên gia Hảo lấy ví dụ, ở Tiêu chí 1.3 thay vì yêu cầu “Chiến lược phát triển của nhà trường được ban hành, triển khai và giám sát qua các chỉ số chính, trong đó ít nhất 3/4 số chỉ số được cải thiện hằng năm”, có thể điều chỉnh thành: “Chiến lược phát triển của nhà trường được ban hành, triển khai, giám sát và sự phát triển được thể hiện thông qua các chỉ số chính”.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á cũng cho rằng mỗi trường có thế mạnh và đặc điểm, đặc thù và cách thực hiện riêng biệt. Vì vậy, việc quy đổi hay định lượng để làm rõ và phù hợp trong đánh giá cũng là một vấn đề khó.
Nhiều bất cập khi chỉ số của các văn bản xác định chuẩn không thống nhất
Góp ý thêm về dự thảo, Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn đã chỉ ra nhiều bất cập do không có sự đồng bộ, thống nhất về các chỉ số của dự thảo với các văn bản liên quan đến việc xác định chuẩn hiện hành.
Cụ thể, theo Tiến sĩ Tuấn, dự thảo có hướng dẫn xác định chuẩn rõ ràng và dễ xác định. Tuy nhiên, liên quan đến việc xác định đạt chuẩn, hiện có nhiều bộ văn bản có các chỉ số khác nhau.
“Hiện nay các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đang được đánh giá và công nhận Đảm bảo chất lượng theo Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học ban hành theo quyết định số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 với 25 Tiêu chuẩn 111 tiêu chí. Như vậy so sánh với tiêu chí đánh giá kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học còn thiếu nhiều vấn đề”, vị phó hiệu trưởng lấy dẫn chứng.
Tương tự, các quy định liên quan tới việc xác định quỹ đất phục vụ công tác đào tạo của dự thảo với các quy định hiện hành cũng không có sự thống nhất.
Cụ thể, theo Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, tại điều 6 khoản 2, điểm a quy định: Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu tính trên một sinh viên chính quy không thấp hơn 2,8 m2;
Nhưng tại dự thảo quy định: Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo và nghiên cứu trên một sinh viên chính quy, quy chuẩn theo trình độ và lĩnh vực đào tạo, không nhỏ hơn 5 mét vuông (Tiêu chí 3.2)
Diện tích đất trên một sinh viên chính quy, quy chuẩn theo trình độ, lĩnh vực đào tạo và vị trí khuôn viên, không nhỏ hơn 25 mét vuông đối với cơ sở đào tạo và phân hiệu (nếu có), theo tiêu chí 3.1.
Theo Tiến sĩ Tuấn, 2 tiêu chí này rất khó thực hiện vì hầu hết các trường đã không đạt chỉ số về mặt bằng cần có quỹ đất, nhất là ở nhiều địa phương không đủ quỹ đất cho giáo dục; mặt khác diện tích sàn tăng chi phí đầu tư lớn khó có nguồn để đáp ứng.
Góp ý thêm về chi tiết dự thảo, vị Phó Hiệu trưởng cho rằng, tiêu chí 3.5 quy định về số lượng máy 50 cái/1000 sinh viên là thấp vì hiện nay các hoạt động giảng dạy, học tập, chấm bài và làm bài… đã được thực hiện trên máy tính, và hầu hết giảng viên - sinh viên đều sử dụng 3-4 giờ/ngày.
Theo đó, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á đề xuất cần kết hợp giữa các bộ văn bản thống nhất xác định chuẩn (ví dụ Văn bản xác nhận chỉ tiêu cần thống nhất chỉ số về diện tích sàn/sv, diện tích đất/sinh viên, số lượng sinh viên/giảng viên quy đổi) nhằm tạo sự thuận lợi hơn cho các trường trong quá trình theo dõi, thực hiện.
“Dự thảo cần cần thống nhất với Bộ tiêu chuẩn kiểm định thành 1 chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục để giảm công việc tổng hợp theo dõi, giảm chi phí gây tốn kém trong quá trình thực hiện cho các cơ sở”, Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn nói.
Trong khi đó, Trưởng bộ phận Học thuật xuất sắc của Trường Đại học Quốc tế Miền Đông lại cho rằng để tránh sự chồng chéo và hao tốn nguồn lực của cả hệ thống giáo dục đại học, chỉ nên thực hiện một trong hai hoạt động: đánh giá theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học hoặc kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục.
“Hai hoạt động đánh giá theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học cùng hướng đến một mục tiêu chung là bảo đảm chất lượng tối thiểu của các cơ sở giáo dục đại học.
Vì vậy, để tránh sự chồng chéo và hao tốn nguồn lực của cả hệ thống giáo dục đại học, tôi cho rằng chỉ nên thực hiện một trong hai hoạt động trên. Nếu chọn hoạt động đánh giá theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học thì bộ tiêu chuẩn nên được tiếp tục hoàn thiện theo hướng định tính hơn và bổ sung thêm tiêu chí để bảo đảm tính toàn diện.
Nếu chọn hoạt động kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục thì nên tiếp tục rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn, tiêu chí và hệ thống mốc chuẩn đang có để bám sát các yêu cầu mới. Như tại Úc, các cơ sở giáo dục đại học chỉ cần được đánh giá theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học (bởi cơ quan TEQSA trực thuộc Chính phủ Úc) và không phải tham gia hoạt động kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục”, thầy Hảo nêu ý kiến đề xuất.