Cố tình chậm đăng ký để chờ giảm lệ phí trước bạ ô tô, người mua xe có bị phạt?

Nhiều người mua ô tô chưa tiến hành làm các thủ tục về xe, cố chờ đến khi chính sách giảm lệ phí trước bạ mới được áp dụng. Liệu họ có nguy cơ bị xử phạt hay không?

Dây chuyền sản xuất lắp ráp ô tô của nhà máy Hyundai Thành Công Việt Nam số 2. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Dây chuyền sản xuất lắp ráp ô tô của nhà máy Hyundai Thành Công Việt Nam số 2. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Mặc dù, các hãng xe liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại nhằm kích cầu, nhưng sự bất ổn của chính sách thuế và lệ phí trước bạ lại khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn. Theo dự thảo mới nhất của Bộ Tài chính, lệ phí trước bạ dự kiến sẽ được điều chỉnh giảm trong thời gian tới nhằm hỗ trợ người dân và thúc đẩy thị trường ô tô, dự kiến từ 01/08/2024.

Việc chờ đợi giảm lệ phí trước bạ có thể mang lại lợi ích tài chính không nhỏ cho người mua xe. Hiện tại, lệ phí trước bạ cho xe ô tô tại Việt Nam dao động từ 10-12% giá trị xe, tùy thuộc vào từng địa phương. Nếu chính sách giảm lệ phí trước bạ được thông qua, người tiêu dùng có thể tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể.

Tuy nhiên, chờ đợi cũng đi kèm với những rủi ro. Thị trường ô tô có thể biến động không ngừng, giá xe có thể tăng do nhiều yếu tố như tăng giá nguyên liệu, chi phí sản xuất và vận chuyển. Hơn nữa, nhu cầu mua xe có thể tăng đột biến khi có thông tin về giảm lệ phí trước bạ, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa và tăng giá bán lẻ.

Ngược lại, mua xe ngay bây giờ giúp người tiêu dùng tránh được những biến động về giá cả trong tương lai. Các chương trình khuyến mãi hiện tại từ các hãng xe có thể mang lại những ưu đãi hấp dẫn như giảm giá, tặng phụ kiện, hay hỗ trợ tài chính. Hơn nữa, với việc sở hữu xe ngay lập tức, người tiêu dùng có thể tận hưởng những tiện ích và giá trị mà chiếc xe mang lại trong cuộc sống hàng ngày.

Thời gian qua, nhiều người mua xe đang truyền tai nhau thông tin về chương trình ưu đãi giảm lệ phí trước bạ sắp diễn ra, điều này khiến cho người đang có ý định mua xe quyết định chậm đăng ký xe.

Mặc dù, quyết định chậm đăng ký xe với kỳ vọng giảm lệ phí trước bạ, tuy nhiên điều này khiến người mua xe đối diện nguy cơ bị xử phạt vì chưa tiến hành đăng ký biển số.

Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào về chính sách giảm lệ phí trước bạ lần thứ tư với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Vì vậy, người mua xe cần tính toán kỹ càng để có thể lựa chọn mua xe ở thời điểm phù hợp nhất.

Đối với các trường hợp đã mua xe nhưng chậm hoàn tất thủ tục đăng ký cũng sẽ đối diện nguy cơ bị phạt do vi phạm quy định của pháp luật.

Bởi theo Thông tư 24/2023 của Bộ Công an có hiệu lực ngày 15/08/2023 cũng quy định: "Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe phải làm thủ tục thu hồi; trường hợp quá thời hạn trên mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi hoặc giao chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe làm thủ tục thu hồi thì trước khi giải quyết cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt đối với chủ xe về hành vi không làm thủ tục thu hồi theo quy định".

Như vậy, nếu như chủ xe chậm thực hiện đăng ký xe ô tô sau khi thực hiện mua bán xe, được tặng cho, phân bổ, điều chuyển hoặc thừa kế, người mua xe có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, nếu quá thời hạn kể trên mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ, mỗi ngày chậm nộp sẽ phải trả tiền chậm nộp theo quy định của luật Quản lý thuế.

Dây chuyền lắp ráp ô tô du lịch tại nhà máy của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) trong Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TTXVN

Dây chuyền lắp ráp ô tô du lịch tại nhà máy của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) trong Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TTXVN

Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, trong 6 tháng, từ 1/8/2024 đến 31/1/2025.

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo dự thảo, từ ngày 1/8/2024 đến hết ngày 31/1/2025: Mức thu LPTB bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về LPTB và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu LPTB tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Từ ngày 01/2/2025 trở đi: Mức thu LPTB tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về LPTB và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu LPTB tại địa phương.

Đánh giá tác động của chính sách đối với người tiêu dùng, Bộ Tài chính cho biết, đánh giá tình hình KT-XH cho thấy bình quân 5 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,03%). Giá vàng trong nước cùng chiều với giá vàng thế giới.

Gia tăng rủi ro địa chính trị ở khu vực Trung Đông cùng với nhu cầu dự trữ của các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư là những nguyên nhân chính dẫn đến giá vàng trên thế giới liên tục tăng cao.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 5/2024 tăng 3,81% so với tháng trước; tăng 21,47% so với tháng 12/2023; tăng 32,18% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 05 tháng đầu năm 2024 tăng 22,95%.

Với sức ép lạm phát, tỷ giá, giá vàng tăng cao... đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng, dẫn đến thắt chặt chi tiêu đối với những mặt hàng có giá trị cao, trong đó có ô tô.

Trước thực tế tình hình tiêu thụ ô tô giảm mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đều đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích người tiêu dùng mua sắm ô tô.

Việc tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có tác động tích cực đối với người tiêu dùng như một giải pháp hỗ trợ tài chính, khuyến khích tiêu dùng.

Cũng theo Bộ Tài chính, dự kiến, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu NSNN về LPTB bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng (tương đương mức giảm theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP).

Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu NSNN của các địa phương. Theo quy định của Luật NSNN, khoản thu LPTB thuộc ngân sách địa phương.

Việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô, sản xuất lắp ráp trong nước khả năng sẽ làm tăng số lượng xe ô tô tiêu thụ và đăng ký nên số thu từ LPTB, thuế TTĐB, thuế GTGT có thể tăng.

Tuy nhiên, số thu thực tế từ thuế TTĐB và thuế GTGT chỉ tập trung ở 8 địa phương nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, còn các địa phương khác đều giảm thu ngân sách địa phương từ chính sách này (địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, từ đó có những ảnh hưởng nhất định tới cân đối ngân sách của nhiều địa phương.

An Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/co-tinh-cham-dang-ky-de-cho-giam-le-phi-truoc-ba-o-to-nguoi-mua-xe-co-bi-phat/341006.html