Có tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh 'tiêu' tiền
Nhận định nguyên nhân chậm triển khai một số chính sách của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng có tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có tờ trình Thủ tướng báo cáo bổ sung tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ này chỉ ra, nguồn lực của chương trình rất lớn nhưng thời gian thực hiện ngắn, một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra. Trong đó, chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm (quy mô 40.000 tỷ đồng) chỉ đạt khoảng 3,05%. Việc thực hiện chính sách sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch không được như dự kiến.
Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động được triển khai trong bối cảnh thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội từng bước, dẫn đến một số địa phương còn chậm, lúng túng. Việc thẩm định, giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng ở một số nơi, thời điểm gặp nhiều khó khăn, chậm so với yêu cầu đề ra.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan do tình hình dịch bệnh, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số chính sách hỗ trợ lần đầu được xây dựng và triển khai, nhưng tổ chức thực hiện lại theo quy định thông thường, dẫn đến chậm trễ trong ban hành chính sách. Do đó, quá trình thực hiện phải điều chỉnh.
Một số doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng có tâm lý e ngại thanh, kiểm tra, phát sinh chi phí, thủ tục trong quá trình thụ hưởng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, việc đề xuất, xây dựng một số chính sách chưa hoàn toàn sát thực tế; công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm, chưa đảm bảo tính sẵn sàng để thực hiện, giải ngân theo yêu cầu của nghị quyết. Một số dự án trình Quốc hội còn phải điều chỉnh, hoàn thiện trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để giao kế hoạch vốn.
Bên cạnh đó, còn một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách. Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ trong thực thi đến giải quyết công việc chưa hiệu quả. Trong tình huống đặc biệt, cấp thiết, chính sách, quy trình, thủ tục cũng cần đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đề ra.