Có trí tuệ thì 'dữ liệu lớn' cũng thành cơm

Hôm rồi về quê, nói chuyện với người họ hàng từng đi chiến trường từ những năm 1960. Mất cả năm, bác đi bộ vào Nam đánh nhau cho tới ngày 30-4-1975. Không thư từ, không tin tức hơn 10 năm trời, gia đình coi như bác đã hy sinh. Nhưng một hôm bỗng bác lù lù xuất hiện trước sân nhà, mẹ ngồi trong nhìn ra cứ tưởng bóng ma. Khỏi phải nói niềm vui nào hơn thế.

Giờ đã ở tuổi thất thập vẫn chơi Facebook, đọc tin mạng xã hội, xem YouTube, bác hỏi tôi, dữ liệu lớn là gì. Đó đó, thứ bác đang xem là dữ liệu lớn, bác chát với cháu bên Anh cũng tạo ra dữ liệu đó. Bác than, thời đi chiến trường chẳng có tin tức gì, chắc là dữ liệu nhỏ. Hồi xưa mà thông tin nhiều thế này, rồi ngồi phân tích chắc có thuật toán tìm ra giải pháp tối ưu hơn là bom đạn.

Rồi bác hỏi, liệu dữ liệu lớn có “xắt thành miếng” mà ăn được không? Tại sao không tập trung vào sản xuất lúa gạo, thực phẩm, trồng rừng lấy cây xanh, sản xuất máy bay chở khách, mà khai thác dữ liệu lớn làm gì. Liệu có biến thành miếng đút mồm như Tố Hữu viết: “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” y chang dân Ninh Bình từng phá núi bán lấy tiền. Suốt ngày 4.0, 0.4, IoT hay AI, chả ai hiểu đất nước này đi đến đâu nếu chỉ dựa vào dữ liệu.

Một người vừa học xong lớp 4 rồi đi bộ đội hàng chục năm hỏi một câu hỏi mang tầm vĩ mô, tìm câu trả lời không dễ. Có một điều chắc chắn dữ liệu lớn đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế.

Sau vụ khủng bố 11-9 tại Mỹ, mùa Noel năm ấy dường như các shopping mall (siêu thị) ảm đạm, hàng hóa không có người mua thì kinh tế sẽ thảm bại. Tổng thống Mỹ George W. Bush gửi tặng mỗi gia đình nghèo tờ séc 500 đô la để họ đi mua sắm nhằm kích cầu.

Đương nhiên, đã vào đó thì không ai mua dưới 500 đô la và thế là shopping mall lại đông nghịt. Dựa vào thông tin mua bán của mấy bà buy one get one free (mua 1 tặng 1) mà biết được nhiệt độ của nền kinh tế sau ngày 11-9. Không có dữ liệu lớn thì làm sao biết được.

Tại Hà Nội hay thậm chí ở làng quê Ninh Bình, nếu thiếu mươi triệu để giải quyết việc khẩn cấp, muốn vay nóng một tháng thì lãi suất 10-15% thậm chí 40% cũng có. Nhưng bên Mỹ hay Tây Âu và ngay tại Việt Nam, bạn có thể “vay” hàng trăm triệu trong một tháng mà không phải trả lãi nếu như bạn có cái thẻ tín dụng.

Trong lịch sử mấy trăm năm phát triển của Mỹ và Tây Âu, thành tựu kinh tế, khoa học, kỹ thuật dẫn đầu thế giới là do thể chế ấy tạo ra hệ thống chia sẻ dữ liệu. Mà vĩ đại nhất là họ tạo ra kiểu tiêu trước trả sau để xây dựng hình ảnh người tiêu tiền và từ đó tìm ra cái cách mà xã hội vận hành.

Đó chính là thẻ tín dụng, một cái mảnh plastic vô tri vô giác nhưng thay thế một đống tiền mặt nhờ chủ thẻ có... uy tín, không phải trả tiền mặt ngay khi mua hàng. Thay vào đó, ngân hàng sẽ ứng trước tiền cho người bán và chủ thẻ sẽ thanh toán lại sau cho ngân hàng khoản giao dịch. Tuy nhiên trả chậm sẽ bị phạt lãi suất như vay nóng trên thị trường chợ đen.

Họ sẽ theo dõi việc mua bán, trả tiền, tiêu pha của hàng chục triệu người dùng thẻ, nhìn vào đó mà biết được uy tín của từng người dùng hay công ty. Có một hệ thống đánh giá gọi là credit score, ai trả tiền như thế nào sẽ được ghi lại, điểm credit score cao thì sau này vay mượn dễ hơn, thuê hay mua nhà lãi suất thấp hơn, nhiều khu nhà sang trọng không cho người thuê nếu điểm credit score thấp vì biết kiểu người này sẽ chây ì. Phân cấp giàu nghèo, khu sang khu hèn, cũng từ cái chuyện nhỏ là cái credit score.

Đối tác tìm kiếm để làm ăn dựa vào nhiều yếu tố, trong đó có việc “anh” có vay nhiều tiền không và có trả đúng hạn không. Không vay, không trả, thì người Mỹ ngại làm ăn vì chả biết uy tín của anh ta ra sao. Uy tín có được là do dữ liệu lớn thu thập được của các công ty thẻ tín dụng. Cũng từ đó họ phân tích được ra thói quen vùng miền.

Như vậy dữ liệu lớn có được đôi khi do mấy bà nội trợ cùng thói quen mua hàng của họ, tuy dữ liệu lớn không phải là bát cơm nhìn thấy “bằng xương bằng thịt” nhưng nó tạo ra bát cơm.

Nhìn vi mô thì thấy thông tin mình bị lợi dụng, nhưng ở tầm vĩ mô thì đúng là kiểu chia sẻ thông tin như vậy lại đóng góp cho nền kinh tế.

Quay lại câu chuyện của Việt Nam có dữ liệu lớn hay không? Chắc chắn là có và rất lớn. Chia sẻ cũng có, bán dữ liệu có được một cách không minh bạch để chia sẻ cũng có. Bạn vừa mua vé máy bay đi Sài Gòn vào tuần sau thì bỗng nhiên điện thoại liên tục tít tít nhắn tin: “Anh ơi, giá xe Hà Nội - Nội Bài là 180.000 thôi, lái xe nhiệt tình chuyên nghiệp”. Ai đó đã lộ thông tin này hoặc họ đã bán thông tin khách hàng cho bên dịch vụ.

Nhìn vi mô thì thấy thông tin mình bị lợi dụng, nhưng ở tầm vĩ mô thì đúng là kiểu chia sẻ thông tin như vậy lại đóng góp cho nền kinh tế. Tài xế taxi kiếm được tiền vì chở khách, anh ta sẽ tiêu vào ăn uống, đưa tiền cho vợ đi chợ.

Có dữ liệu lớn phải dùng, phải chia sẻ như các nước phương Tây dùng thông tin khách hàng tiêu tiền bằng thẻ tín dụng cho nền kinh tế. Một người Việt mở một hiệu phở ở phố, thấy làm ăn được thì có 10 ông Việt khác ra bán phở tương tự, cạnh tranh dìm giá, và cuối cùng cả 11 ông phá sản. Nhưng người hiểu dữ liệu lớn sẽ theo dõi khách hàng ra vào hiệu phở thích cái gì, trước phở là thịt bò tươi thì tìm cách thành “Grab” thịt bò, sau phở là cà phê thì mình “ship” cà phê và đá lạnh. Nhiều bên cùng chiến thắng do hiểu dữ liệu lớn.

Thuở người lính đi chiến trường 10 năm không tin tức đã qua rồi. Bây giờ là thời của dữ liệu lớn. Tuy nhiên, muốn dùng và biến dữ liệu lớn thành cơm cần một chút trí tuệ. Mà đôi lúc đơn giản chỉ dựa vào thông tin các bà nội trợ tiêu tiền bằng thẻ tín dụng.

Hiệu Minh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293620/co-tri-tue-thi-du-lieu-lon-cung-thanh-com-.html