Cô trò dâng hương tưởng nhớ vị tướng áo vải làm cuộc khởi nghĩa rung chuyển 1917
Những câu chuyện lịch sử về cuộc khởi nghĩa do vị danh tướng áo vải lãnh đạo cách đây hơn 100 năm vẫn được lưu truyền đến lớp lớp thế hệ trẻ.
Nằm trên ngọn đồi trong khuôn viên Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tỉnh Thái Nguyên, Đền thờ Đội Cấn là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, nơi tri ân vị lãnh tụ áo vải và nghĩa quân cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917.
Đội Cấn tức Trịnh Văn Cấn (1881 - 1918) sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, từ nhỏ đã nung nấu ý chí đánh đuổi thực dân Pháp xâm lăng. Ông bị bắt đi lính khố xanh từ rất trẻ, khi đóng quân tại thị xã Thái Nguyên giữ chức Đội trưởng nên được gọi là Đội Cấn.

Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đền thờ Đội Cấn tại thành phố Thái Nguyên.
Trước khi Đội Cấn lãnh đạo làm cuộc khởi nghĩa năm 1917, trại giam ở thị xã Thái Nguyên có đến hơn 200 tù nhân, trong đó phần nhiều là chiến sĩ của phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, khởi nghĩa Yên Thế.
Căm phẫn trước chế độ nhà tù hà khắc tàn bạo, Đội Cấn đã liên hệ và phối hợp với những người tù chính trị bị giam giữ, tập hợp những binh lính giác ngộ quanh mình, chuẩn bị kế hoạch hành động.
Đêm 30 rạng sáng ngày 31/8/1917, Đội Cấn phát đi lời hịch, kêu gọi binh lính, người dân vùng dậy khởi nghĩa. Nghĩa quân đã làm chủ tỉnh lỵ, tiêu diệt được giám binh và tay sai, phá nhà tù để giải phóng tù nhân. Ngay sau đêm khởi nghĩa rung chuyển, Đội Cấn ra tuyên ngôn, thành lập Quang Phục Quân với hơn 600 người (131 người vốn là lính khố xanh, 180 người vốn là tù nhân được giải phóng, hơn 300 người là công nhân, nông dân yêu nước).

Di tích Nhà tù Thái Nguyên trên đường Đội Cấn, TP Thái Nguyên.
Đến tháng 10/1917, trước sự càn quét bằng sức mạnh quá chênh lệch của quân Pháp, do lực lượng bị tiêu hao nên số ít còn lại của nghĩa quân rút về vùng Núi Pháo (Đại Từ, Thái Nguyên) để cầm cự. Trước sự truy kích của giặc, Đội Cấn bị thương nặng và quyết định tự sát để giữ trọn khí tiết.
Mặc dù chịu thất bại, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 đã làm rung chuyển chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, với những bài học lịch sử mang ý nghĩa cao đẹp về tinh thần, nghĩa khí, tài năng của vị danh tướng áo vải cũng như nghĩa quân.

Cô và trò trường Tiểu học Đội Cấn 2 (TP Thái Nguyên) dâng hương, chăm sóc di tích Đền thờ Đội Cấn.
Đến nay, những câu chuyện lịch sử về cuộc khởi nghĩa cách đây đã hơn 100 năm vẫn được lưu truyền đến lớp lớp thế hệ trẻ. Trong đó, các trường học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên tích cực đưa học sinh đến gần hơn với lịch sử, để những bài học ý nghĩa ngay trên chính mảnh đất của cha ông được khắc sâu.
Cô giáo Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đội Cấn 2 (TP Thái Nguyên) cho biết: Nhà trường đã lựa chọn lồng ghép nội dung về danh tướng Đội Cấn và cuộc khởi nghĩa vào nội dung giáo dục địa phương trong một số bài học; tổ chức cho học sinh dâng hương tưởng niệm vào ngày lễ hay dịp kỷ niệm, định kỳ chăm sóc di tích Đền thờ. Sau khi tìm hiểu, các em còn tự làm video giới thiệu sách về Đội Cấn, chương trình phát thanh măng non về các nội dung truyền thống lịch sử…
“Thầy và trò rất tự hào khi Nhà trường được mang tên vị danh tướng Đội Cấn. Truyền tải các bài học lịch sử là việc làm mang ý nghĩa sâu sắc về bồi đắp, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ” - cô Nguyễn Thị Yến trao đổi.