Có trường hợp học giả, thi giả vẫn được thừa nhận, thậm chí cấp bằng xuất sắc

Đại biểu Quốc hội nhắc đến thực tế, học giả, thi giả vẫn được thừa nhận, thậm chí được cấp bằng xuất sắc và tìm được chỗ làm tốt bởi cơ chế mua-bán, xin-cho.

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 31/10, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã đề cập đến những lo lắng về giáo dục.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu nhấn mạnh:

“Trong cương lĩnh chính trị và chiến lược phát triển đất nước, giáo dục luôn được xem là quốc sách hàng đầu.

Không phủ nhận thành tựu của giáo dục trong những năm vừa qua. Đó là hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục, thực hiện nền giáo dục toàn dân đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân; nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động; công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục, nhất là đối với người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, người lao động nông thôn.

Cơ sở vật chất của giáo dục ngày càng được tăng lên và ngày càng hiện đại hóa, giáo dục và hợp tác quốc tế trong giáo dục đạt được nhiều thành tựu.

Lần đầu tiên chúng ta có 2 trường đại học nằm trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu trên thế giới”.

Tuy nhiên, theo đại biểu cử tri rất băn khoăn về chất lượng giáo dục, quản lý giáo dục hiện nay.

Việc trẻ em bị bạo hành bởi chính giáo viên; Việc bỏ quên học sinh trên xe đưa đón dẫn đến chết người; Việc quản lý ở các cơ sở giáo dục được gọi là chất lượng cao cho thấy có nhiều lỗ hổng về quản lý khiến các bậc cha mẹ học sinh hết sức bất an.

Việc cô giáo chấm thi vứt bài học sinh xuống đất, các em phải tự nhặt vở; học sinh bị đánh đến nỗi cha mẹ phải đặt máy quay lén, cho thấy sự xuống cấp của một bộ phận giáo viên.

Việc dạy thêm học thêm, mua bán gian lận thi cử hết sức nghiêm trọng xảy ra ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia ở 3 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La năm 2018 là hậu quả của một nền giáo dục lỏng lẻo, cải tiến giáo dục không đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý giáo dục mặc dù chúng ta vừa thông qua Luật Giáo dục sửa đổi.

Cơ sở vật chất đầu tư cho giáo dục tăng, phương tiện hỗ trợ giáo dục hiện đại nhưng học sinh không tiếp thu được kiến thức.

“Học giả, thi giả vẫn được thừa nhận, thậm chí được cấp bằng xuất sắc và tìm được chỗ làm tốt bởi cơ chế mua-bán, xin-cho. Điều đó tác động rất lớn đến tâm lý học sinh, sinh viên, gia đình các em.

Làm mất động lực phấn đấu của các em học sinh giỏi, học sinh nghèo. Cơ hội tìm kiếm nhân tài của quốc gia vì thế mà mất dần, chảy máu chất xám không có dấu hiệu giảm dù Chính phủ đã có rất nhiều cơ chế thu hút nhân tài”, đại biểu phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu nhắc lại tuyên bố của nổi tiếng của Tổng thống Nelson Mandela – người từng đoạt giải Nobel Hòa Bình- được viết tại cổng trường Đại học Nam Phi như một cảnh báo với ngành giáo dục.

"Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.

Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục đấy.

Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đấy.

Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đấy.

Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đấy.

Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục đấy.

Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.

Cũng phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Dương Minh Ánh – đoàn Thành phố Hà Nội nhấn mạnh, trong thời gian qua, cử tri hết sức quan tâm đến việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Vấn còn nhiều ý kiến cho rằng, hình thức thi trắc nghiệm môn toán trong kỳ thi Trung học phổ thông khiến cử tri chưa được yên tâm.

“Phương thức thi này cũng là một nguyên nhân gây ra sai phạm hàng loạt đối với cuộc thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Tiếp đó, hình thức thi này tạo nên cách dạy và học, tư duy với môn Toán thay đổi.

Thầy, cô chỉ cần biết dạy cho học sinh cách làm bài thi trắc nghiệm sao cho đạt kết quả bằng các mẹo làm bài, còn học sinh, sinh viên khoanh tối đa các phương án đúng, còn lại là khoanh xác suất.

Cách học này dẫn đến tình trạng học sinh bỏ qua các bước khi làm một bài toán và tư duy logich, cái cần phải có khi học môn toán lại bị xem nhẹ. Học sinh chỉ cần ra được đáp án đúng là đủ.

Nhiều thầy giáo dạy đại học ở các môn khoa học tự nhiên đã có ý kiến về chất lượng của học sinh trung học phổ thông gần đây. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng chung của toàn hệ thống.

Đề nghị Chính phủ lắng nghe ý kiến cử tri lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu lại phương thức thi trong thời gian tới”, đại biểu kiến nghị.

Đỗ Thơm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-truong-hop-hoc-gia-thi-gia-van-duoc-thua-nhan-tham-chi-cap-bang-xuat-sac-post203920.gd