Mái nhà chung của những người yếu thế

Qua công tác kiểm tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương cho thấy, các cơ sở trợ giúp xã hội công lập, ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện tốt việc tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng người yếu thế. Mỗi cơ sở thực sự trở thành mái nhà chung ấm áp nghĩa tình, tạo điều kiện, động lực để những người kém may mắn vươn lên, hòa nhập cộng đồng.

Chung tay chăm sóc, nuôi dưỡng người yếu thế

Mái ấm Nhân Ái (xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh) là cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, được thành lập năm 2008. Hiện nay, cơ sở đang chăm sóc, nuôi dưỡng 63 trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cơ sở vật chất của mái ấm được đầu tư khang trang, rộng rãi, sạch đẹp với các dãy nhà được chia thành nhiều khu vực chức năng, như: Nhà bếp, nhà ăn; phòng ngủ nam, nữ; phòng trẻ sơ sinh; phòng học, y tế, giải trí; khu trồng trọt - chăn nuôi… Định kỳ 3 tháng/lần, cơ sở tổ chức khám, theo dõi tình trạng sức khỏe để bổ sung, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho các em. Tất cả các em trong độ tuổi được đi học tại các trường công lập, từ mẫu giáo đến đại học. Em Hiên Nam (12 tuổi) cho biết: “Ở đây, chúng em được vui chơi, học tập, chăm sóc rất chu đáo. Các sơ rất thương yêu, dạy bảo từng việc nhỏ để chúng em trưởng thành”. Hằng ngày, ngoài giờ đi học trên lớp, về mái ấm, các em đều tham gia tập luyện thể dục - thể thao, học kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, đặc biệt luôn được giáo dục về tình yêu thương, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Ở mái ấm còn có phòng học máy tính, thư viện để các em học tập. Đến nay, cơ sở có 9 em đã tốt nghiệp đại học, đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đắk Lắk và Nhật Bản; một số em đi học nghề để lập nghiệp. Nhiều em trưởng thành đã xây dựng gia đình riêng, có cuộc sống ổn định.

Ngoài giờ học ở trường, trẻ em ở Mái ấm Nhân Ái được học máy tính tại cơ sở.

Ngoài giờ học ở trường, trẻ em ở Mái ấm Nhân Ái được học máy tính tại cơ sở.

Từ lâu, Cơ sở bảo trợ chùa Thanh Sơn (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm) đã trở thành mái nhà chung ấm áp nghĩa tình của hàng chục trẻ em mồ côi, không nơi nương tự, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong khuôn viên của chùa, khu nhà ở dành cho nam, nữ được xây tách biệt, mỗi gian phòng có đầy đủ tiện nghi; nhà ăn được xây dựng rộng rãi, thoáng mát, sạch đẹp. Với những trẻ mới được tiếp nhận vào cơ sở, trẻ em bị bỏ rơi đều được cơ sở thực hiện khai báo làm thủ tục theo đúng quy định. Định kỳ, cơ sở đều tổ chức khám sức khỏe cho trẻ và lập sổ theo dõi. Chế độ ăn uống, sinh hoạt của trẻ được cơ sở đảm bảo đầy đủ. Tất cả trẻ trong độ tuổi đều được đi học ở các trường tại địa phương. Hằng ngày, các trẻ ở đây còn được nhà chùa dạy đạo hạnh làm người, giúp các em phát triển tốt cả về thể chất và nhân cách...

Cách đó không xa, tại Tổ dân phố Bãi Giếng Trung, thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm), Mái ấm Hy Vọng hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy bảo hơn 20 trẻ em bị khuyết tật thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ở mái ấm, trẻ em luôn được các nữ tu dạy bảo cách nhận biết, điều chỉnh hành vi, viết chữ… trong tình thương yêu bao la. Chăm sóc trẻ em bình thường đã vất vả, chăm sóc những trẻ mang trong mình bệnh tật còn vất vả hơn nhiều. Dẫu vậy, các sơ ở đây luôn chăm lo cho các em từ miếng ăn, giấc ngủ. Nguồn kinh phí chăm nuôi do các sơ trồng rau, chăn nuôi và sự hỗ trợ của một số mạnh thường quân, Hội Dòng mến Thánh giá Nha Trang…

Góp sức đảm bảo an sinh xã hội

Theo lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cam Lâm, hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, gồm: Mái ấm Thừa Sai, Mái ấm Hy Vọng và chùa Thanh Sơn. Các cơ sở hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 100 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật. Qua kiểm tra, theo dõi, các cơ sở đều thực hiện khá tốt việc nuôi dạy các đối tượng. Những trẻ em thuộc đối tượng nhận trợ cấp xã hội hằng tháng đều được địa phương phối hợp với cơ sở thực hiện lập thủ tục theo đúng quy định. Nguồn kinh phí chăm nuôi các đối tượng đều do cơ sở tự cung, tự cấp, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm... Những nỗ lực của các cơ sở trợ giúp xã hội đã góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Trẻ em tại Mái ấm Hy Vọng học viết chữ.

Trẻ em tại Mái ấm Hy Vọng học viết chữ.

Ông Phạm Thái Đài - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, toàn tỉnh có 17 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 4 cơ sở công lập và 13 cơ sở ngoài công lập, hiện đang quản lý, nuôi dưỡng gần 800 đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng tự nguyện là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật. Qua hoạt động kiểm tra hằng năm của sở cho thấy, các cơ sở thực hiện khá tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, tiếp nhận đối tượng. Hầu hết các cơ sở đều được cấp giấy phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng đảm bảo về chế độ dinh dưỡng, sức khỏe, chế độ trợ cấp; trẻ em trong độ tuổi đều được đi học văn hóa, học nghề, cao đẳng, đại học; người khuyết tật được theo dõi, khám sức khỏe định kỳ, tập vật lý trị liệu hằng ngày. Tuy vậy, các cơ sở vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhân viên làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội chưa được cấp giấy chứng nhận hành nghề theo quy định; chưa lập kế hoạch đầy đủ trong trợ giúp cho đối tượng… Ngành chức năng đã yêu cầu và hướng dẫn các cơ sở khắc phục. Trong thời gian tới, sở và các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhà nước nhằm đảm bảo các cơ sở trợ giúp xã hội hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

PHÚ AN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202411/mainha-chung-cua-nhung-nguoi-yeu-the-e3e41e3/