Có trường hợp mua phải SGK giả đã phản ánh, cung cấp thông tin

Có phụ huynh khi xem tivi, biết nơi mình từng mua là nơi phát hành sách giả, đã ngay lập tức gọi điện cho công ty thuộc NXBGDVN, phản ánh và đặt mua bộ sách mới.

Sách giáo khoa giả đã và đang gây thiệt hại kinh tế cho các nhà xuất bản, làm mất hình ảnh uy tín của các công ty phát hành sách chính hãng trên toàn quốc. Ngoài ra, khi học sinh sử dụng sách giáo khoa giả lâu ngày, có thể ảnh hưởng xấu tới thị lực và tiếp thu những kiến thức sai lệch.

Mua sách giáo khoa giả, học sinh mất đi kho tài liệu trực tuyến bổ ích

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng cho biết, việc các đối tượng lợi dụng, làm giả sách giáo khoa là hành động xâm hại đến quyền và lợi ích cũng như gây thiệt hại về kinh tế và uy tín của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Mặt khác, việc làm sách giáo khoa giả còn đe dọa sự phát triển ổn định, lành mạnh của ngành xuất bản.

“Đối với học sinh, khi mua phải sách giáo khoa giả, các em sẽ không được sử dụng những cuốn sách chất lượng. Các hình ảnh, nội dung trong sách bị nhòe, mờ, không rõ nét gây ảnh hưởng xấu tới thị lực của các em nếu sử dụng trong thời gian dài.

Ngoài ra, nội dung sách không được chỉnh sửa, cập nhật hàng năm như sách thật, nội dung sao chép, không được kiểm duyệt khi in ấn, khó tránh khỏi có sự sai lệch kiến thức. Chất lượng màu sắc, hình ảnh minh họa không phù hợp với nội dung, ảnh hưởng tới quá trình học tập của học sinh cũng như giảng dạy của giáo viên.

Đối với những đầu sách môn Tiếng Anh, sách giáo khoa thật sẽ được tích hợp kho học liệu điện tử đi kèm để tiện hỗ trợ việc giảng dạy và học tập. Toàn bộ sách Tiếng Anh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đều được dán thẻ cào chứa mã số cào để sử dụng online phần mềm điện tử hỗ trợ việc dạy và học môn Tiếng Anh (bài giảng điện tử, giáo án minh họa, audio, sách mềm 2.0, kế hoạch dạy học, video tiết dạy minh họa, video hướng dẫn phát âm, video bài học, ngân hàng đề kiểm tra, học liệu thông minh, tài liệu mở rộng, cổng luyện thi,...). Đối với sách giả, không thể truy cập số in trên thẻ cào để kích hoạt các phần mềm điện tử.

Như vậy, trong trường hợp học sinh và giáo viên mua nhầm sách giả, sẽ không thể sử dụng hệ thống học liệu điện tử, các ứng dụng bổ trợ cần thiết cho học tập và giảng dạy.

Bên cạnh đó, việc làm giả sách giáo khoa gây thiệt hại về kinh tế đối với các nhà sách uy tín trên địa bàn. Chi phí làm sách giả chắc chắn sẽ thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế làm sách thật, vì không phải thực hiện quy trình xuất bản theo quy định, không trả chi phí bản quyền, không tốn chi phí làm bản thảo, thiết kế sách, biên tập, đọc duyệt thẩm định nội dung, chi phí trả nhuận bút tác giả,… Vì vậy, thường các đầu nậu sẽ bán sách giáo khoa giả với giá thành rẻ cho các nhà sách, đại lý, cửa hàng bán lẻ. Điều này dẫn đến số lượng sách thật bị tồn kho tăng cao.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng mặc dù đã đầu tư kinh phí lớn, nhưng không phát hành được sách, gây thiệt hại kinh tế rất lớn. Việc in ấn và buôn bán sách lậu tại khu vực công ty phụ trách phát hành đã làm giảm doanh số phát hành, giảm hiệu quả sản xuất của công ty và ảnh hưởng uy tín của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam” - ông Huỳnh Ngọc Bảo chia sẻ.

 Mỗi cuốn sách thật đều có mã số thẻ cào để truy cập kho tài liệu trực tuyến. Ảnh minh họa: thbacson.thainguyen.edu.vn.

Mỗi cuốn sách thật đều có mã số thẻ cào để truy cập kho tài liệu trực tuyến. Ảnh minh họa: thbacson.thainguyen.edu.vn.

Theo ông Huỳnh Ngọc Bảo, hiện nay, sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị in lậu và phát hành nhiều, đặc biệt là sách Tiếng Anh.

Ông Bảo lý giải: “Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là do các đối tượng làm sách giả không chịu các chi phí như: tổ chức làm bản thảo, xin giấy phép, trả nhuận bút, phí xuất bản, chi phí công tác tập huấn, giới thiệu, làm thị trường,... nên các đối tượng này sản xuất sách giáo khoa giả với số lượng lớn. Thêm đó, sách Tiếng Anh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phân phối trên nhiều thị trường tại các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt khu vực Miền Trung, nên đối tượng buôn bán sách lậu thường in với số lượng lớn.

Ngoài ra, chủng loại, vật tư in và khổ sách khá thông dụng nên các đối tượng rất dễ làm giả. Với sự phát triển của công nghệ in hiện nay, việc chỉnh sửa từ một cuốn sách mẫu thành file hoàn chỉnh để in ra sách giả là rất nhanh chóng. Khâu in và hoàn thiện sách được trang bị máy móc hiện đại nên việc in sách được thực hiện trong thời gian ngắn mà bề ngoài gần giống như sách thật.

Nguyên nhân tiếp theo xuất phát từ quá trình giao file sách cho các nhà in. Nếu không có quy trình kiểm soát chặt chẽ, sẽ rất dễ xảy ra tình trạng rò rỉ file, là “kẽ hở” để các đối tượng làm sách giả.

Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt in lậu, buôn bán sách giả còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Các thủ tục tổ chức kiểm tra, phát hiện sách giả cần nhiều căn cứ pháp lý, mất nhiều thời gian điều tra, xem xét, mới xử lý được”.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Diễm Trang - Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Giáo dục Quảng Bình cũng cho hay: “Công ty hiện là đơn vị chiến lược của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại tỉnh Quảng Bình. Khi trên thị trường xuất hiện sách giả, sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín của công ty, vì hiện nay, phần lớn người tiêu dùng không phân biệt được sách giả hay sách thật, người dân chỉ mua sách do thấy giá rẻ, giá tốt hơn phía công ty. Khi đó, một số phụ huynh có thể sẽ lầm tưởng rằng, công ty tăng giá sách để lấy lợi nhuận riêng.

Hiện nay, sách giáo khoa giả thường tập trung vào đầu sách có giá trị lớn, như sách Tiếng Anh. Hiện tại, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang học 2 bộ sách Tiếng Anh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và sách của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Quyển sách Tiếng Anh dù của nhà xuất bản nào cũng sẽ có mã code để học trực tuyến.

Sách giáo khoa thật có mã code riêng cho từng học sinh để truy cập website học trực tuyến, còn sách giả thì dường như quyển nào cũng chỉ có một mã và không thể dùng truy cập trang trực tuyến. Đây là thiệt thòi lớn cho các em” - bà Diễm Trang chia sẻ thêm.

“Đặt mua sách ở nơi uy tín là bảo vệ tương lai con trẻ”

Bà Nguyễn Thị Diễm Trang chỉ ra: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán, sử dụng sách giáo khoa giả trên thị trường, một phần do nhận thức của người dân. Thực chất, có rất nhiều cách để phân biệt sách giáo khoa giả và sách giáo khoa thật.

Tuy nhiên, các dấu hiệu nhận biết sách giả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mang tính chuyên môn sâu, nên cơ quan chức năng, khách hàng,… không thể nhận biết được sách giáo khoa giả nếu không có hướng dẫn cụ thể.

Hằng năm, vào đầu năm học mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đều có công văn hướng dẫn phụ huynh và học sinh phân biệt sách thật và sách, nhưng vẫn có những phụ huynh vì chạy theo giá cả, mà quên đi chất lượng sách”.

 Bà Nguyễn Thị Diễm Trang - Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Giáo dục Quảng Bình. Ảnh: NVCC.

Bà Nguyễn Thị Diễm Trang - Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Giáo dục Quảng Bình. Ảnh: NVCC.

Theo bà Diễm Trang, để phòng chống in lậu, phát hành sách giả hiệu quả, cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ, xuyên suốt trên cả nước, từ các cơ quan chức năng tới nhà trường và phụ huynh.

“Thời gian qua, phía công ty nhận được một số phản ánh của phụ huynh về tình trạng mua phải sách giả trên thị trường. Khi xem tin tức trên báo đài, tivi và phát hiện đơn vị cung cấp sách mà mình từng mua cho con là nơi phát hành sách giả, những bậc phụ huynh này đã ngay lập tức gọi điện cho công ty để phản ánh và đặt mua bộ sách mới.

Tuy nhiên, đây cũng là một con số rất ít, bởi nhiều người nếu không cập nhật tin tức thường xuyên, sẽ không biết mình đã mua phải sách giả.

Một bộ phận người tiêu dùng đã nhận thức được tầm quan trọng khi chọn sách cho con, nên vào mỗi dịp đầu năm học, các bậc cha mẹ gọi điện đến công ty để đặt mua sách từ nguồn chính thống. Họ chia sẻ rằng, khi năm học mới bắt đầu cũng là lúc có nhiều đối tượng chào bán sách giáo khoa với giá rất rẻ, nhưng vì lo sợ sách giả sẽ ảnh hưởng tới thị lực, sức khỏe, nhận thức của con em, nên quyết định đặt mua ở công ty để yên tâm hơn. Song, con số này vẫn còn khiêm tốn.

Do đó, tôi cho rằng, công tác truyền thông trong việc đẩy lùi tình trạng buôn bán sách giả là rất quan trọng. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của người dân về tác hại khi dùng sách giả, để các bậc phụ huynh tin tưởng phía công ty trong hành trình phát triển tri thức cho học sinh. Đặt mua sách tại các nhà sách uy tín cũng chính là cách để bảo vệ tương lai của chính con em mình” - Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Giáo dục Quảng Bình nhấn mạnh.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra

Để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn sách giáo khoa giả trên thị trường, ông Huỳnh Ngọc Bảo bày tỏ: “Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần tăng cường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trong công tác chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, thông qua các chuyên án, chuyên đề phòng, chống sách giáo khoa giả.

Các nhà xuất bản địa phương cần thường xuyên phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cũng như công an địa phương để thành lập đoàn kiểm tra đối với các nhà sách nghi phát hành sách giả ngay từ thời điểm đầu năm học.

Đối với các công ty đầu mối, việc phối hợp với các công ty địa phương, nắm bắt tình hình phát hành sách giả là rất quan trọng. Từ đó, có những đề xuất để thành lập đoàn kiểm tra các cửa hàng, đại lý nghi ngờ bán sách giả.

Ngoài ra, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nên trích ra một tỷ lệ kinh phí nhất định, để tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống sách giả; tập huấn công tác chuyên môn cho cán bộ làm công tác quản lý thị trường, cập nhật thông tin nhận biết, phân biệt sách giả - sách thật”.

Quỳnh Nguyễn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-truong-hop-mua-phai-sgk-gia-da-phan-anh-cung-cap-thong-tin-post246450.gd