'Cò' tung tin, thổi giá đất quanh siêu dự án 10 tỷ USD
Lợi dụng siêu dự án Hạ Long Xanh sắp được công bố, nhóm 'cò đất' tập trung về các khu vực của TX Quảng Yên (Quảng Ninh) tung tin đồn, làm thị trường ảo để 'bẫy' nhà đầu tư.
Từng đoàn ôtô từ các địa phương đưa người đổ dồn về các khu đất; hàng trăm tấm biển giới thiệu “đất nền nằm quanh dự án Hạ Long Xanh” mọc lên giữa các bãi đất trống cỏ mọc um tùm. Thị trường đất tại một số địa phương của thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh thời gian gần đây trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Tung chiêu "mồi" đất nằm cạnh dự án
Dự án khu quy hoạch dân cư Đầm Cành Chẽ thuộc thôn 4 xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên nằm yên suốt trong thời gian dài. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay, dự án này bỗng nhiên trở nên “nóng” khi hàng ngày ôtô biển Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh... nối đuôi nhau về khu vực này để xem đất.
Ông L.V.H. người dân thôn 4, xã Hoàng Tân, cho biết từ năm 2019, hàng trăm người đi ôtô xuống xem rồi truyền tai nhau thông tin dự án Hạ Long Xanh có vốn đầu tư dự kiến lên tới 10 tỷ USD của tập đoàn Vingroup sắp về và lấy hết đất xã Hoàng Tân. Từ đó, xã nghèo với người dân chủ yếu làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản bỗng dưng dựng biển chuyển nghề sang làm “cò đất”.
Đi dọc tuyến đường từ khu đầm tôm vào xã Hoàng Tân, hàng chục tấm biển môi giới bất động sản, bán đất nền nằm quanh dự án; thậm chí, còn được đặt ngay đối diện trụ sở ủy ban xã Hoàng Tân.
Zing liên hệ với số điện thoại trên biển quảng cáo và được giới thiệu đất khu vực Đầm Cành Chẽ thuộc thôn 4 xã Hoàng Tân đang hút giới đầu tư do nằm rìa dự án Hạ Long Xanh. “Chỗ này bỏ hoang, nhưng vài tháng nữa dự án công bố thì đất đắt hơn vàng”, người đại diện công ty nói.
Ngoài khu đất vàng ở Cành Chẽ, một số khu đất tại xã Hoàng Tân và phường Tân An cũng đang nóng.
Tại khu Thống Nhất, phường Tân An, hoạt động mua bán, giao dịch đất ở đây khá nhộn nhịp, “cò đất” chăng biển, dựng cả bàn ghế, bản đồ quy hoạch phục vụ khách hàng đến xem. Nếu khách ưng ý có thể đặt cọc tiền ngay tại chỗ sẽ có nhân viên mang hợp đồng mua bán soạn thảo sẵn ra để phục vụ.
Theo bà H.X.T. (người dân), dự án khu dân cư Thống Nhất 2 và 3 được thị xã quy hoạch rộng hơn 10 ha. Từ năm 2019 tới nay, chính quyền tổ chức bán đấu giá 3 lần, lần gần đây nhất vào tháng 1/2020 dao động 10-12 triệu/m2.
Tuy nhiên, giá đất tại đây đang được nhóm môi giới làm giá với nhau bằng cách mua đi bán lại và đẩy lên mức 18-20 triệu/m2. Cá biệt, có nhiều ô gắn mác biệt thự "lưng tựa núi, mặt hứng biển" có phong thủy tốt được chào bán 20-25 triệu/m2.
“Giá đất được tung hứng là thế nhưng hiện tại dự án vẫn chưa hoàn thành, hệ thống cống rãnh và điện chiếu sáng chưa có. Thậm chí cả một dự án lớn mà chưa có đường dẫn vào, phải đi nhờ qua lối đường mòn từ tuyến đê chắn biển hoặc từ con ngõ nhỏ của xóm”, bà T. nói.
Cá biệt, nhiều "cò đất" sẵn sàng bỏ ra 100 - 150 triệu đồng để đặt cọc giữ đất, sau đó lên mạng xã hội tìm kiếm khách hàng rồi “lướt sóng” ăn giá chênh lệch. Khách đi ôtô đổ về đây đông nhất vào cuối tuần và chủ yếu đến từ các tỉnh ngoài Quảng Ninh.
“Làm thị trường” khiến nhà đầu tư hoa mắt
Tình trạng nhóm môi giới về thu mua đất rồi “làm thị trường” tung tin đồn về một số dự án sắp được phê duyệt xây dựng tại địa phương gây ra hiện tượng sốt đất ảo.
Trao đổi với Zing, ông Đoàn Quang Tuyên, Chủ tịch phường Tân An, cho biết nhóm người này thu mua đất với giá rẻ, thường nhắm tới các thửa đất của người dân hoặc khu dân cư đã được xây dựng, phê duyệt từ trước đó.
Khi đó, cả nhóm tổ chức “làm thị trường” bằng cách tung tin đồn về một số dự án bất động sản của các tập đoàn lớn như dự án Hạ Long Xanh hay Khu kinh tế ven biển Quảng Yên sắp mở nằm sát "khu đất vàng". Từ dự án sẽ có tuyến đường lớn hoặc công trình công cộng, công viên nằm ngay trước mặt các thửa đất...
Ngoài ra, để tăng giá trị, nhóm đầu cơ tổ chức mua đi, bán lại trong chính nhóm môi giới với nhau trong thời gian ngắn nhằm đẩy giá đất lên cao và tạo các giao dịch mồi làm cho nhà đầu tư mất cảnh giác, cho rằng thị trường đất tại đấy đang rất sôi động.
Khi các nhà đầu tư hoặc người dân nhẹ dạ, đổ tiền thật vào mua hết các giao dịch, nhóm đầu cơ đồng loạt rút khỏi địa phương khiến cơn sốt đất ảo kết thúc. Lúc này, không còn hoạt động mua bán ảo nhằm đẩy giá, giá đất sẽ quay đầu giảm sâu khiến các nhà đầu tư không kịp thoát ra khỏi cơn sốt đất.
Tình trạng làm giá đất gây ra nhiều hậu quả như gây mất an ninh trật tự, tín dụng đen, gây khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn và tác động xấu tới những người dân thật sự có nhu cầu mua nhà đất…
Khó quản lý vì giao dịch ngầm
Nói về quản lý nhà nước trong các hoạt động mua bán qua lại giữa nhóm đầu cơ nhằm thổi giá đất lên cao, một cán bộ xã Hoàng Tân cho biết nhà nước khó quản lý vì thường là giao dịch ngầm với nhau và không cần qua chính quyền.
Vị cán bộ này cho biết thêm, thường thì chỉ khi làm thủ tục tách thửa đất người dân mới phải qua bộ phận địa chính xã để chứng thực. Còn các trường hợp mua bán cả thửa đất hay đất nền tại các dự án được phê duyệt từ trước đều không cần phải qua xác nhận của chính quyền.
“Người dân chỉ qua trưởng thôn ký xác nhận giấy tờ viết tay về việc chuyển quyền sử dụng đất, sau đó mang ra văn phòng giao dịch để làm hợp đồng mua bán với nhau”.
Nhóm đầu cơ này thường liên kết với các phòng công chứng tư để làm hợp đồng giao dịch. Từ hợp đồng gốc, thực hiện mua đi, bán lại để đẩy giá đất lên cao. Cá biệt, một thửa đất trong 1 tháng có hàng chục giao dịch mua bán.
Tại dự án Khu dân cư Cành Chẽ, đầu năm 2016, khi dự án khu dân cư này hoàn thành giá mỗi lô đất chỉ rơi vào tầm 1,2 - 1,5 triệu/m2. Thế nhưng, từ cuối năm 2019 tới nay, đất ở khu vực này có hiện tượng tăng giá lên gấp 2 - 3 lần. Hiện tại, giá đất tại đây dao động 12 - 15 triệu/m2, lô mặt đường hay vị trí đẹp, hai mặt tiền có giá 15 - 20 triệu/m2.
“Mỗi ngày, giá đất qua hợp đồng chênh lệch lên đến cả triệu đồng. Dù biết, nhưng do họ giao dịch ngầm với nhau và không trình báo nên chính quyền không xử lý được”, vị cán bộ nói.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Bắc, Phó chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên, cho biết thị xã đã ra văn bản gửi Phòng TN&MT, Phòng quản lý đô thị và UBND các phường, xã nâng cao công tác quản lý nhà nước về đất đai để hạn chế hiện tượng sốt đất ảo.
Theo đó, người đứng đầu thị xã yêu cầu các địa phương niêm yết công khai quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của thị xã. Thông tin cụ thể về các dự án đã được cơ quan chức năng phê duyệt để người dân nắm bắt, nâng cao cảnh giác trước tình trạng sốt đất ảo.
Ngoài ra, thị xã yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về đất đai, việc chứng thực các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất phải theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Bắc cho biết thêm, thị xã lập đoàn liên ngành cùng các địa phương có tình trạng sốt đất để kiểm tra hồ sơ pháp lý của các văn phòng môi giới, giao dịch bất động sản.
“Đối với các phòng giao dịch không đủ cơ sở pháp lý, chúng tôi kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động, tháo dỡ biển và phải rời khỏi địa phương. Quan điểm của thị xã là xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp cố tình làm giá, gây bất ổn giá đất tại địa phương”, ông Bắc nói.
Ngoài ra, thị xã chỉ đạo các địa phương thông tin đến các trưởng thôn, trưởng khu phố không được xác nhận giấy tờ viết tay về việc chuyển quyền sử dụng đất. Đặc biệt, đối với những trường hợp chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh có tổng diện tích đất sử dụng dự kiến trên 4.109 ha, gồm khoảng 3.186 ha thuộc các xã, phường Tân An, Hà An, Hoàng Tân, Liên Hòa (TX. Quảng Yên), trên 923 ha thuộc các phường Hà Khẩu, Đại Yên (TP Hạ Long).
Liên danh Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần Vinhomes làm chủ đầu tư dự án với tổng mức đầu tư khoảng 232.369 tỷ đồng (tương đương khoảng 10 tỷ USD), trong đó vốn chủ sở hữu khoảng 34.855 tỷ đồng (khoảng 15%), vốn huy động khoảng 197.514 tỷ đồng (khoảng 85%).
UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết đã sẵn sàng các điều kiện cần thiết để hỗ trợ nhà đầu tư sớm khởi công dự án khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư