Cò xe lộng hành ở bệnh viện Việt Đức: Ai bảo kê?
Qua nhiều ngày tiếp cận với các 'cò' mồi và tài xế taxi tại Bệnh viện Việt Đức, nhóm PV được những người trong cuộc tiết lộ về cách tồn tại trước cổng bệnh viện. Công an cấp quận nhận diện khá rõ các 'cò', nhưng vì sao 'cò' vẫn tồn tại?
“Làm luật” hằng tháng?
Sau các cuộc chèo kéo phía trong bệnh viện, PV Tiền Phong đồng ý đi 1 cuốc xe về ngoại thành Hà Nội của T. Theo T cho biết, trước đây làm nghề kinh doanh, nhưng được bạn bè giới thiệu chạy taxi ở Bệnh viện Việt Đức thu nhập cao nên đã bỏ nghề gia nhập các đội, nhóm.
Trong quá trình nói chuyện, chúng tôi giả vờ có người nhà cũng từng chạy xe taxi nhưng làm ăn thua lỗ phải bán xe và thắc mắc vì sao các taxi có thể dừng, đỗ thoải mái trước cổng Bệnh viện Việt Đức, thậm chí vào bên trong sâu bắt khách. T lập tức mỉm cười và nói: “Thực ra, bọn anh đã đóng “luật” hằng tháng. Lúc nào đỗ xe, phía quận đi kiểm tra, có người sẽ gọi điện báo trước cho anh, em đánh xe chỗ khác”.
Theo T, Bệnh viện Việt Đức nằm giáp ranh giữa địa bàn 2 phường Hàng Bông và Hàng Trống. Công an phường Hàng Bông quản lý an ninh trật tự ở trong viện, còn phía ngoài đường chủ yếu thuộc địa bàn Hàng Trống. Các “cò” thường đỗ xe trên phố Phủ Doãn và các đường phố xung quanh nên theo T, họ phải “làm luật” là đóng tiền hằng tháng thì mới tồn tại được(!?).
Tuy vậy, theo chia sẻ của T, thu nhập của các tài xế taxi và “cò” mồi ở đây cũng rất tốt. Trung bình, mỗi ngày những người này có thể kiếm được 1 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản tiền xăng xe, phí này nọ, một tháng ít ra cũng được hơn 20 triệu đồng. “Nhiều tiền, nhưng đa phần các ông không giữ được, toàn thằng (tài xế taxi) dính vào “bóng bánh” (cá độ bóng đá) và lô đề nên nợ đầm, nợ đìa”, T nói.
Rất có thể là T bịa chuyện, vu khống cho lực lượng chức năng, nên nhóm PV đặt lịch làm việc với cơ quan công an. Đại úy Nguyễn Tài Nghĩa, Phó trưởng Công an phường Hàng Trống khi nghe nhóm PV phản ánh đã phủ nhận thẳng thừng. Ông Nghĩa nói rằng, đơn vị không quản lý, không ký hợp đồng bến bãi với các taxi nên không thể có chuyện đóng tiền hằng tháng như vậy. Trái lại, công an phường xử lý rất nghiêm các trường hợp vi phạm.
“Trong 6 tháng đầu năm 2020, đơn vị đã xử lý 35 trường hợp ô tô, taxi dừng đỗ sai quy định xung quanh khu vực Bệnh viện Việt Đức, tổng tiền phạt gần 26 triệu đồng. Bên cạnh đó, có 45 trường hợp xe máy dừng đỗ sai quy định cũng bị xử lý, tổng tiền phạt gần 10 triệu đồng. Riêng đối với hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lãnh đạo Công an phường Hàng Trống cho biết, 6 tháng qua đã xử lý 144 trường hợp, trong đó ở tuyến đường Phủ Doãn chiếm nhiều nhất với 101 trường hợp”, ông Nghĩa cho biết.
Quận điểm mặt, phường không biết?
Trao đổi với PV Tiền Phong, thiếu tá Nguyễn Đức Thành, Tổ trưởng Tổ trinh sát (Công an quận Hoàn Kiếm) nói rằng, tuyến đường Phủ Doãn, và đặc biệt trước cổng Bệnh viện Việt Đức thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông là do đường nhỏ, lưu lượng taxi, xe buýt đi lại quá nhiều. Phía Công an quận đã nhiều lần ra quân xử lý, nhưng do chế tài xử phạt bất cập nên không thể dứt điểm.
Về vấn nạn “cò” xe trong Bệnh viện Việt Đức, ông Thành cho biết, Công an quận nắm rõ phương thức, thủ đoạn, lai lịch của tất cả các đối tượng, điển hình như Dũng “Quảng”, Minh “xi-líp”, Hà “sáu ngón”... Một số “cò” từng có tiền án, tiền sự, từng bị xử lý về hành vi gây rối trật tự trong viện. Tuy nhiên, sau nhiều lần vi phạm, các đối tượng này hoạt động rất khôn khéo, tránh gây xích mích để bị chú ý.
Khi PV đề cập câu chuyện trên, thượng úy Nguyễn Hồng Khánh, Phó trưởng Công an phường Hàng Bông nói rằng, chưa từng nghe qua các đối tượng có biệt danh như Dũng “Quảng”, Hà “sáu ngón”, Cường “bưởi”, Minh “xi-líp”…Ông Khánh nói rằng, từ đầu năm tới nay chỉ có đợt tháng 3, Công an phường phối hợp quận tuần tra, truy quét “cò” xe cứu thương mời chào bệnh nhân trong khuôn viên Bệnh viện Việt Đức. Qua đó, 5 đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi gây mất trật tự công cộng. Theo vị này, từ khi dịch COVID-19 vào cao điểm đến nay không còn “cò” xe nào hoạt động trong Bệnh viện Việt Đức.
Ngày 22/8, UBND Hà Nội họp về các vấn đề liên quan COVID nhưng nhiều lãnh đạo bệnh viện trên địa bàn phản ánh tình trạng “cò” xe. Ngay trong cuộc họp này, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội-Trưởng ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19, đề nghị các quận, huyện vào cuộc. Như vậy, câu chuyện nhức nhối không chỉ diễn ra với Bệnh viện Việt Đức...
Trước thông tin “cò” xe cứu thương mỗi tháng phải nộp 1 triệu đồng cho Công an phường Hàng Trống, đại úy Nguyễn Tài Nghĩa, Phó trưởng Công an phường Hàng Trống, nói: “Công an phường không quản lý, không ký hợp đồng bến bãi với “cò” xe nên không thể có chuyện đóng tiền hằng tháng như vậy”.