Cốc Tình của Súa và Rua

Đến Yên Bái, các thổ địa đều bảo, nên đến Cốc Tình. Ban đầu tôi nghĩ, địa điểm này na ná như Tuyệt Tình Cốc hay xuất hiện trong truyện chưởng Kim Dung, sau mới biết, nó được một cặp người Mông vun vén, tạo dựng. Mà chuyện của đôi này, cũng có ba phần bóng dáng chuyện của Dương Quá với Tiểu Long Nữ.

Tuyệt tình cốc” ở Suối Giàng

Vốn đặt mục tiêu đi rừng chè cổ thụ ở Suối Giàng, Yên Bái, nhưng khi lên đến nơi, sau khi nghe Tuân “thổ địa” xúi bẩy, chúng tôi quyết định chuyển mục tiêu, đến một nơi được dân trong vùng gọi là “Tuyệt tình cốc” ở ngay Suối Giàng.

Những người là fan của “Thần điêu đại hiệp” hẳn đều biết cái tên “Tuyệt tình cốc” đồng nghĩa với chốn bồng lai, thiên đường dưới hạ giới. Đây là bối cảnh chính diễn ra chuyện tình của Tiểu Long Nữ và Dương Quá. Trong truyện, Kim Dung miêu tả: “Nguyên nơi này bốn bề thảo mộc hoa lá xanh tươi, đường tới cảnh vật đã đẹp, trong cốc phong cảnh lại càng mỹ lệ hiếm có”. Bởi sự trùng hợp có rừng, có núi, suối nước, hồ tự nhiên, lại vắng vẻ, hoang sơ, nên cái tên Cốc Tình cứ thế mà có.

Tuân có kinh nghiệm làm porter (người khuân vác hành lý kiêm dẫn đường, kiêm hướng dẫn viên ở các vùng núi) nhiều năm, câu chuyện Cốc Tình từ miệng Tuân cứ thế mà dẫn dụ chúng tôi, kiểu như người tiêu dùng bị content (thông điệp truyền thông) dẫn dắt, cứ mê muội mà theo sau.

Đường vào Cốc Tình khá hẹp và dốc nên chúng tôi quyết định đi bộ men theo vách đá để tiện thưởng thức cảnh quan. Phải qua nhiều cây cầu, lối đi được làm hoàn toàn bằng vật liệu tự nhiên như đá, gỗ, tre, trúc… mới tới khu du lịch. Nơi này được quy hoạch khá tốt, nó khiến tôi nhớ đến cách người Trung Quốc khai thác thiên nhiên ở Cửu Trại Câu. Đường đi khá dài nhưng một cái cây, một hòn đá mọc giữa lối người ta cũng không chặt bỏ. Những gốc cây cổ thụ to mấy người ôm bị đổ cũng vẫn được giữ nguyên. Qua thời gian, rêu và địa y mọc trên thân cây lại tạo thành một mỹ cảm khác. Càng vào sâu rừng càng yên tĩnh, phảng phất đã có hoa tớ dày (đào núi) nở sớm lẫn trong bàng bạc sương núi khiến chuyến rẽ ngang trở thành thu hoạch bất ngờ.

Tuân bảo, Cốc Tình là sản phẩm của một cặp vợ chồng người Mông, đều còn rất trẻ, vợ là Vàng Thị Rua, chồng là Giàng A Súa. Cả khu du lịch rộng 4ha này đều do chính Súa và Rua từng bước cải tạo, uốn nắn, “nương theo rừng, nhờ vào rừng”.

Làm du lịch trong rừng là phải kính rừng

Hôm ấy, Súa đi vắng, chỉ có Vàng Thị Rua ở nhà tiếp khách. Cô gái Mông trẻ hơn tôi nghĩ, nhanh nhẹn và chuyên nghiệp đến mức bạn cùng đoàn tôi phải hỏi đi hỏi lại: em học làm du lịch ở đâu? Rua cười thoải mái bảo: vợ chồng em đi khắp nơi xem người ta làm, thấy chỗ nào hay thì bắt chước, cách phục vụ cũng thế, mình muốn được phục vụ thế nào thì làm như thế cho khách. Cũng nhờ nhiều khách ngoại quốc đến đây, vì thích cảnh quan họ cũng góp ý nhiều, bọn em cứ sửa dần để “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”.

Gốc cây đổ ngang trong khu Cốc Tình được giữ nguyên, lâu ngày trở thành một vẻ đẹp mới được du khách yêu thích

Gốc cây đổ ngang trong khu Cốc Tình được giữ nguyên, lâu ngày trở thành một vẻ đẹp mới được du khách yêu thích

Trước đây, công việc chính của vợ chồng Rua là đi nương, làm ruộng và hái chè. Là người gốc ở thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái, hai thanh niên người Mông này gặp nhau ở thói quen thích khám phá, mày mò. Mối tình của họ chớm nở cũng từ những lần kết bạn đi rừng và phát hiện ra, nơi mình ở thực ra với nhiều người chính là chốn đào nguyên.

Ở đây, địa thế cao, khí hậu mát mẻ quanh năm, lại dựa vào rừng già nên rất thu hút khách du lịch trekking (đi bộ đường dài trong rừng, núi...). Trước đây, khách đến Suối Giàng chủ yếu là để tham quan rừng chè Shan tuyết cổ thụ. Nhìn ra những địa phương khác ở Yên Bái, như Mù Cang Chải, nhiều người đổi đời nhờ làm du lịch, vợ chồng Rua cũng nghĩ “thử một lần xem”.

Thế là hai người lên kế hoạch tìm hiểu, tham khảo, học hỏi một số khu du lịch thành công, đồng thời xin phép địa phương để khai thác một góc khu rừng nguyên sơ thành Cốc Tình. Ngay từ đầu, Rua với chồng đã thỏa thuận với nhau: làm du lịch trong rừng là phải kính rừng, không được mạo phạm, không được phá bỏ, can thiệp thô bạo vào hệ sinh thái của rừng.

Ban đầu, gia đình hai bên không ai ủng hộ ý tưởng mạo hiểm này. Vốn liếng ít, lại chưa có mô hình tương tự nào làm mẫu, vợ chồng Rua chỉ có thể chọn cách làm từ từ. Hai người lên rừng, tìm từng tảng đá, từng khúc gỗ rồi cũng chẳng nhờ kiến trúc sư, mà cứ men theo lối mòn của dân đi rừng, đắp thành những con đường nhỏ nhỏ dẫn đến những điểm check in “độc lạ”. Để thu hút thêm khách, ngay cổng vào Cốc Tình, Rua trồng rất nhiều hoa cải vàng. Mùa cải ra hoa, mỗi ngày vợ chồng cô đón cả trăm khách đến tham quan chụp ảnh.

Khi xây dựng Cốc Tình, Rua với chồng đã thỏa thuận với nhau: làm du lịch trong rừng là phải kính rừng, không được mạo phạm, không được phá bỏ, can thiệp thô bạo vào hệ sinh thái của rừng.

Tiếng lành đồn xa, thanh niên Yên Bái biết đến Cốc Tình ngày một nhiều. Nhiều cặp đôi cũng đã chọn nơi này làm địa điểm chụp ảnh cưới. Mở cửa từ năm 2018, mỗi ngày khu du lịch đón khoảng 100 - 200 du khách. Vào những dịp lễ, Tết, có ngày lượng khách đến tham quan, chụp ảnh lên đến gần cả ngàn người.

Tận dụng mọi ưu thế bản địa

Vừa nói chuyện Rua vừa tủm tỉm khoe, sở dĩ các cặp đôi thích lên đây chơi, chụp ảnh cưới còn là vì một truyền thuyết ở vùng này do chúng em nghe được từ người già trong bản, rồi truyền ra, giờ ngay cả người ngoại tỉnh cũng biết.

Khách check in ở Cốc Tình

Khách check in ở Cốc Tình

Bà chủ trẻ Vàng Thị Rua

Bà chủ trẻ Vàng Thị Rua

Tương truyền rằng, ngày xưa có 2 gia đình di cư về Suối Giàng đầu tiên. Khi sinh con, một gia đình sinh con trai, một gia đình sinh con gái, thế là họ quyết định hứa hôn cho hai đứa nhỏ. Một thời gian sau, cùng với quá trình di cư đến Suối Giàng, dân cư dần đông đúc, người con gái yêu một người khác. Thấy vậy, hai gia đình kịch liệt phản đối. Cô gái và người yêu trốn vào rừng hò hẹn. Qua thời gian, thấy hai người yêu nhau tha thiết, gia đình đành đồng ý cho họ lấy nhau nhưng 10 năm trôi qua mà đôi vợ chồng trẻ vẫn chưa có con. Khi đó cặp vợ chồng lập một bàn thờ ngoài bìa rừng để xin Tiên nhi cho có con, sau đó họ được toại nguyện. Tiên nhi là thần rừng có dung mạo nhỏ bé như trẻ con, cai quản việc sinh nở và chăm lo sức khỏe cho trẻ em người Mông. Đến nay bàn thờ cổ này vẫn còn dấu vết ngoài bìa rừng. Do tích xưa truyền lại và sự linh nghiệm của bàn thờ cổ, nhiều cặp vợ chồng thường thích đến đây để khấn xin thần rừng giúp họ sớm được con cháu đầy nhà.

Một cách tận dụng tài nguyên bản địa khác của Rua là cô thường tổ chức các tua trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng, giới thiệu khách trekking tham gia các công việc thường nhật như hái chè, sao chè, ăn cỗ cơm mới, cỗ cưới, tham gia một số hoạt động văn hóa tín ngưỡng của người Mông ở Suối Giàng. Mới đây nhất, trong danh sách “tham quan kết nối” Rua còn bonnus (tặng thêm) cho khách địa chỉ một rừng trúc tuyệt đẹp, không kém rừng trúc trong “Thập diện mai phục” của Trương Nghệ Mưu. Nhờ thế, điểm đánh giá về Cốc Tình trên các trang du lịch quốc tế thường có số điểm khá cao, trở thành một đường dẫn thu hút khách ngoại quốc tìm đến đây.

Một lối đi “thuận theo rừng” do vợ chồng Rua thiết kế

Một lối đi “thuận theo rừng” do vợ chồng Rua thiết kế

Khi lượng khách đến nhiều và đa dạng hơn, vợ chồng Rua làm không xuể. Hàng ngày, cô thuê một số chị em phụ nữ trong bản dọn dẹp vệ sinh, nhổ cỏ, quét lá, trồng hoa, nấu nướng giúp nhiều người có thu nhập ổn định 200.000 đồng/ngày trở lên.

“Cái khó nhất hiện giờ của chúng em là ngoại ngữ, để giao tiếp và đón khách nước ngoài. Vợ chồng em đang tích cực tìm cách khắc phục điều này, cũng muốn dạy cho những người làm việc ở đây tiếng Anh để ít nhất có thể giao tiếp thông thường với khách. Khi mình biết tiếng, khách sẽ có thiện cảm với mình hơn, và mình cũng có cơ hội nói cho họ về cái hay, cái đẹp của quê mình”, Rua chia sẻ.

HẠ ĐAN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/coc-tinh-cua-sua-va-rua-post1599868.tpo