Coca-Cola nợ thuế 16 tỷ USD tại Mỹ

Ngay cả giữa lúc nền kinh tế thế giới đang bất ổn, tập đoàn Coca- Cola vẫn đang chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ. Theo báo cáo mới được tập đoàn này công bố, lợi nhuận trong sáu tháng đầu năm của họ tăng 6%, trong đó doanh số các loại nước giải khát như Coca-Cola và Sprite tăng 2%. Vậy nhưng tin mừng cũng đi kèm tin xấu: Tòa án Mỹ vừa phán quyết rằng Coca-Cola đang nợ Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) 16 tỷ USD tiền thuế.

Cuộc chiến trước tòa

Tòa án đưa ra phán quyết trên sau bốn năm kể từ khi IRS khởi kiện Coca-Cola. Theo đơn tố cáo của IRS thì trong giai đoạn 2007-2009, Coca-Cola đã nợ 6 tỷ USD tiền thuế. Sau đó trong giai đoạn 2010-2013, họ tiếp tục nợ 10 tỷ USD. Coca-Cola đã “phù phép” sử dụng chiêu trò chuyển đổi giá tại các chi nhánh nước ngoài nhằm lẩn tránh nghĩa vụ thuế ở Mỹ. Ngoài việc buộc Coca-Cola phải trả đủ các khoản thuế, tòa án còn cho phép IRS nâng mức thuế áp đặt lên Coca-Cola từ 17,4% lên 20,4%.

Hoạt động trốn thuế của Coca-Cola mang tính toàn cầu.

Hoạt động trốn thuế của Coca-Cola mang tính toàn cầu.

Coca-Cola đã gửi đơn kháng cáo lên tòa án. Theo giới chuyên gia thì đây là nước cờ có phần nguy hiểm. Ông Alex Martin, chuyên gia chuyển đổi giá tại công ty cố vấn thuế KBKG, nhận xét: “Coca-Cola kháng cáo phần vì không muốn phải đưa khoản nộp phạt vào sổ sách kế toán. Miễn là ban quản trị tập đoàn và công ty kiểm toán EY cùng đồng ý rằng Coca-Cola có khả năng thắng kiện thì họ sẽ không phải tính khoản nộp phạt vào sổ sách kế toán... Vậy nhưng nếu họ thua kháng cáo thì sẽ gặp hậu quả vô cùng tai hại. IRS chắc sẽ sử dụng kết quả kháng cáo làm cơ sở để xây dựng “bộ khung” xử lý những trường hợp gian lận thuế khác”.

Không chỉ IRS mà các cấp lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ cũng đang theo sát phiên tòa. Số tiền 16 tỷ USD trên hoàn toàn đủ để bao cấp cho IRS hoạt động trong vòng suốt một năm. IRS thắng kiện cũng sẽ đem lại thắng lợi lớn về mặt uy tín cho đảng Dân chủ cầm quyền. Và quan trọng trên hết là vụ kiện giống như một “phép thử” cho khả năng đối đầu với các tập đoàn đa quốc gia của ngành thuế Mỹ.

Mặc cho tình hình kinh tế khó khăn, doanh số của Coca Cola vẫn tiếp tục tăng.

Mặc cho tình hình kinh tế khó khăn, doanh số của Coca Cola vẫn tiếp tục tăng.

Vậy Coca-Cola đã làm gì để không phải nộp thuế ở Mỹ? Họ đóng cửa đa số nhà máy ở Mỹ rồi cho di dời dây chuyền sản xuất, đóng chai sang các quốc gia có mức thuế thấp như Ireland, Brazil, Eswatini v.v... Không ít chi nhánh, công ty con của Coca-Cola kiếm lời từ thị trường toàn cầu nhưng chỉ phải trả mức thuế địa phương.

Thế rồi Coca-Cola tiếp tục “tối thiểu hóa” những khoản thuế phải nộp. Các chi nhánh của tập đoàn này phải nhập khẩu nguyên liệu, chai lọ, vỏ bao v.v... từ công ty mẹ. Coca-Cola chỉ cần nâng giá bán nguyên liệu lên là đã có thể giảm được lợi nhuận trên giấy tờ của công ty con, và thế là họ chỉ phải trả nước sở tại ít thuế hơn. Nhưng trên thực tế thì tiền vẫn nằm trong tay Coca-Cola. Họ chỉ làm mỗi một việc là lưu chuyển tiền giữa các tài khoản của mình.

Quan tòa Albert Lauber là người xét xử sơ thẩm vụ kiện IRS - Coca-Cola. Ông viết trong phán quyết: “Chi nhánh Coca-Cola ở Ireland hiện cung cấp sản phẩm cho 90 quốc gia khác nhau. Mức doanh thu họ kiếm được hằng năm cao gấp đôi so với giá trị tài sản của công ty mẹ. Vậy nhưng từ gần 10 năm nay Coca-Cola Ireland liên tục báo lỗ... Mỹ và nhiều quốc gia khác đang chịu mất mát những khoản thuế khổng lồ bởi hành vi gian lận thuế của Coca-Cola”.

Cũng cần nói là Việt Nam nằm trong số những nước chịu thiệt hại. Còn nhớ là Tổng cục Thuế đã ra quyết định truy thu thuế với số tiền hơn 471 tỉ đồng với Coca-Cola Việt Nam vào năm 2020. Coca-Cola Việt Nam đã sử dụng phương pháp chuyển đổi giá như trên để có thể báo lỗ trong vòng 20 năm liên tiếp. Nếu điều chỉnh kết quả kinh doanh của Coca-Cola Việt Nam theo đúng biên độ giá thị trường chuẩn thì chỉ riêng trong 3 năm 2007, 2011 và 2012, lợi nhuận của họ đã tăng thêm đến 362 tỉ đồng. Cộng số tiền 471 tỉ đồng trên với những khoản nộp chậm, khoản phạt khác thì Coca-Cola Việt Nam phải chi trả 821,4 tỉ đồng.

Ít có cơ hội

Vụ kiện đang diễn ra không phải lần đầu tiên IRS và Coca-Cola đưa nhau ra tòa. Vào năm 1996, IRS kiện Coca-Cola vì lý do tương tự. Tập đoàn này sau đó tự nguyện chuyển đổi một phần lợi nhuận từ chi nhánh nước ngoài về công ty mẹ, đồng thời thay đổi công thức tính toán các khoản đầu tư, buôn bán giữa các bộ phận trong mạng lưới của mình. Vấn đề là Coca-Cola cố ý để lại những “lỗ hổng” trong công thức mới nhằm tạo cơ hội gian lận thuế cho mình.

Trụ Sở Thuế vụ Mỹ.

Trụ Sở Thuế vụ Mỹ.

Ông John Murphy, giám đốc tài chính của tập đoàn Coca-Cola, trả lời tờ Financial Times: “Các cố vấn độc lập được chúng tôi thuê vẫn đang theo sát vụ kiện. Quan điểm chung của họ là Coca-Cola có đủ lý lẽ để kháng cáo thành công... IRS mới là bên có lỗi. Họ đã đạt được mục tiêu của vụ kiện năm 1996 nhưng lại không biết cách tự vừa lòng với kết quả mình đạt được. Họ đang đi ngược lại chính phán quyết trước đó của tòa”.

Vậy nhưng theo chính thẩm phán Albert Lauber thì kết quả vụ kiện năm 1996 không có ảnh hưởng lên vụ kiện đang diễn ra. Phiên tòa đó chỉ áp dụng đối với các khoản thuế trước năm 1996. Việc Coca-Cola thay đổi công thức kế toán là do họ tự làm chứ không phải hành vi mang tính ràng buộc pháp lý được IRS và luật pháp Mỹ công nhận.

Chuyên gia Alex Martin nhận xét: “Bản thân quan tòa đã viết rằng Coca-Cola đang lý lẽ dựa trên một tiền lệ pháp lý không hề tồn tại. Thật khó để nghĩ rằng Coca-Cola sẽ kháng cáo thành công, mà IRS cũng chẳng có lý do gì để mà lùi một bước”.

Nếu Coca-Cola kháng cáo thất bại thì họ sẽ mất số tiền bằng với lợi nhuận một năm rưỡi. Đó sẽ là cú đòn quá nặng giữa lúc tập đoàn này đang phải hứng chịu nhiều áp lực khác. Người dân các quốc gia Hồi giáo như Ai Cập, Indonesia, Arập Xêút và Pakistan đang tẩy chay hàng loạt các sản phẩm của Coca-Cola. Coca-Cola Icecek, công ty đóng chai của Coca-Cola tại Pakistan, cho biết doanh số trong quý một năm 2024 đã sụt giảm đến hơn 25%. Người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm của Coca-Cola do tập đoàn có quan hệ với Israel. Nói rõ hơn là Coca-Cola đặt nhà máy đóng chai tại khu định cư Atarot của Israel. Atarot là khu định cư bất hợp pháp được Israel xây dựng trên đất chiếm đóng từ người Palestine sống tại Bờ Tây. Liên hiệp quốc và nhiều tổ chức phi chính phủ đã lên án hoạt động của Coca-Cola tại Atarot.

Mặt khác Coca-Cola cũng phải hứng chịu áp lực dư luận bởi vì Olympics 2024. Công ty này là một trong những nhà tài trợ chính của kỳ thế vận hội mùa hè Paris. Những chai Coca-Cola, Sprite v.v... luôn xuất hiện trong các sự kiện thi đấu của thế vận hội. Nhiều người không khỏi đặt câu hỏi: “Olympics là sự kiện thể thao, có tính khuyến khích mọi người rèn luyện sức khỏe, mà sao lại quảng cáo cho thứ đồ uống ít nhiều có hại cho sức khỏe như Coca-Cola?”.

Những lời phản đối Coca-Cola và yêu cầu rút quảng cáo thương hiệu này đã trở nên phổ biến đến mức ông Leandro Larrosa, giám đốc marketing của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), đã phải công khai tuyên bố là tổ chức này và nước chủ nhà luôn dành sự quan tâm 100% đến việc bảo vệ thương hiệu và giá trị của thế vận hội, nhưng IOC cũng đồng thời không chịu trách nhiệm về những hành vi mang tính quảng cáo của các nhà tài trợ. Việc IOC tìm cách “xa rời” khỏi Coca-Cola quả là tin xấu với tập đoàn này và hoàn toàn có thể khiến họ phải xem xét lại chiến lược marketing của mình.

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/coca-cola-no-thue-16-ty-usd-tai-my-i740465/