'Cởi chiếc áo chật' để làm du lịch

Huế, Đà Nẵng, Hội An là 3 thành phố gần nhau, hình thành tour du lịch rất thú vị. Tuy nhiên, làm gì để du du lịch thực sự cất cánh là điều không dễ. Có ý kiến cho rằng cần có một 'nhạc trưởng' cho tour này. Nhưng cũng lại có ý kiến nói hãy để từng địa phương phát huy nội lực tìm ra cách đi riêng của mình. Vậy, cách nào hay?

Khách du lịch thêm yêu Huế trong một ngày mưa xứ Huế.

Khách du lịch thêm yêu Huế trong một ngày mưa xứ Huế.

Trong năm 2019, ngành du lịch Thừa Thiên-Huế đã đón sự trở lại của thị trường khách Âu, Mỹ truyền thống bên cạnh sự gia tăng khách châu Á. Có được điều đó trước tiên vì Huế là thành phố của di tích, nhưng nếu không phát triển các dịch vụ du lịch mới thì cũng sẽ không thay đổi.

Tổng lượt khách đến Thừa Thiên-Huế năm 2019 đạt gần 5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt hơn 2,1 triệu lượt, tăng 12% so với năm 2018. Trong đó, du khách Thái Lan tăng mạnh (chiếm 12% trong tổng lượng khách quốc tế). Người ta hay nói về hiệu ứng tăng trường du lịch một phần nhờ vào phim “Mắt biếc”, bối cảnh trong phim ở một số địa phương tại huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà và thành phố Huế. Nhưng đó cũng chỉ là thời điểm và cũng chủ yếu thu hút được sự tò mò của khách nội địa. Tương tự như hiệu ứng từ phim Kong: Đảo đầu lâu (Kong: Skull Island) với Quảng Bình, Ninh Bình thời gian trước- rộ lên một lúc rồi lại trở về sự yên tĩnh thường có.

Vấn đề ở chỗ phải là phát huy giá trị di sản cùng với tạo ra những sản phẩm du lịch mới.

Với du lịch Huế, nhiều người vẫn gọi là tour “du lịch buồn”. Vì rằng thành phố trầm mặc quá, mùa mưa lê thê quá và các điểm vui chơi giải trí đơn thuần quá. Để vượt qua nó không hề dễ dàng, cho dù thành quách lâu đài vẫn còn đó, danh hiệu “thành phố Fesstival” cũng không bị ai lấy đi. Cũng chính vì thế, việc dự định trình chiếu ánh sáng nghệ thuật trong Kinh thành Huế lần đầu tiên vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, từ ngày 24 đến ngày 30/1, được xem là cú hích mới cho “một phong cách du lịch cũ đã thành cổ điển” của nơi này.

Còn với Hội An, người ta cũng có cảm giác tương tự như Huế, đó là những công trình kiến trúc của một thời xa xôi trong một không gian văn hóa rất đặc biệt. Kate Springer của Fodor’s nhận định: “Kiến trúc cổ, thực phẩm tươi ngon, chợ ven biển nguyên sơ, thị trấn cảng lịch sử trên bờ biển miền Trung Việt Nam này có tất cả. Hội An có vô vàn những khung cảnh tuyệt đẹp, đáng giá trên các tấm bưu thiếp, từ những phố đèn lồng lụa đủ màu sắc lung linh mỗi tối đến vô số nhà cổ từ thế kỷ 18, hội trường cổ xưa, nhà hàng và quán bar ngoài trời. Gần phố cổ là những bãi biển ngập nắng”.

Hội An có ưu điểm vượt trội khi rất gần thành phố Đà Nẵng, khu di tích Mỹ Sơn, biển Cửa Đại, những năm qua du lịch phát triển tốt. Tuy nhiên, người ta cho rằng nay “chiếc áo” cũng đã chật, cần phải thay áo mới. Có nghĩa là, sản phẩm du lịch phải nhiều hơn, phong phú và đặc sắc hơn.

Không thể chỉ dựa vào những gì có sẵn mà phải tạo ra cái mới của ngày hôm nay trên nền tảng những gì được thừa hưởng từ quá khứ. Ngày 7/1, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An thông tin phố cổ đứng đầu danh sách những điểm nên đến năm 2020 (go list 2020) ở châu Á của Fodor’s - cẩm nang du lịch nổi tiếng của Mỹ. Đây là năm thứ 9 tổ chức Fodor’s thực hiện cuộc bình chọn danh sách này.

Trong năm 2020, Hội An và Đà Nẵng kỳ vọng sẽ thu hút đa dạng nguồn khách du lịch nhờ liên tiếp đứng trong nhóm đầu (top) của các bảng xếp hạng do các tổ chức quốc tế thực hiện, mới đây nhất là Google và Fodor’s. Trong công bố mới nhất của Google ngày 8/1, Đà Nẵng dẫn đầu trong nhóm top 10 thành phố có lượng tìm kiếm khách sạn nhiều nhất thế giới 2020. Theo đó, dựa trên dữ liệu về tìm kiếm khách sạn toàn cầu do Google công bố, Đà Nẵng đã vượt mặt những thành phố du lịch nổi tiếng như Sao Paulo (Brazil), Seoul (Hàn Quốc) và Tokyo (Nhật Bản) để trở thành thành phố du lịch được yêu thích nhất trên toàn thế giới.

Những điều đó cho thấy tiềm năng của 3 thành phố miền Trung này là rất lớn. Nhưng kỳ vọng thì vẫn ở phía trước. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Huế, Đà Nẵng, Hội An hoàn toàn có thể bứt phá về du lịch trong thời gian tới. Vấn đề là phải đổi mới được cách làm, phải liên kết vùng, phải kêu gọi được nhiều nhà đầu tư… chứ không thể cứ “ngủ yên trên di sản” hay là vẫn chịu mặc “chiếc áo cũ” đã chật.

Đỗ Quang Ngọc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/coi-chiec-ao-chat-de-lam-du-lich-tintuc457106