Cội nguồn nuôi dưỡng sức mạnh ngàn năm
Được mệnh danh là nôi của người Việt cổ, Bắc Ninh đang bảo lưu, gìn giữ khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành. Hướng về ngày Giỗ tổ 10-3 âm lịch, nhiều thế hệ con cháu Lạc Hồng sau khi dâng lễ, cúng giỗ các Vua Hùng ở Phú Thọ đã hành hương về chốn đền lăng độc đáo và linh thiêng bậc nhất này để bái yết, tri ân công đức Thủy tổ Kinh Dương Vương.
Không chỉ là điểm đến quan trọng để con dân đất Việt bày tỏ lòng biết ơn với các bậc tiền nhân có công khai sơn sáng thủy, khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương còn là tài sản vô giá, thiêng liêng, quý báu của quốc gia gắn liền với truyền thống văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Trí tưởng tượng, những truyện cổ tích, huyền thoại là tài sản vĩ đại của loài người. Con Rồng cháu Tiên là câu chuyện dân gian đầu tiên và phổ biến nhất lý giải cội nguồn dân tộc Việt. Dấu vết niềm tin cha Rồng mẹ Tiên phản ánh về các vị thần quan trọng như thần núi, thần sông hay Quốc Tổ vua Hùng gắn với những truyền thuyết tưởng tượng đã mở ra tâm thức thần thoại và trở thành niềm tự hào chung của bao thế hệ người Việt.
Trong cuốn “Sapiens - Lược sử về loài người”, tác giả Yuval Noah Harari - học giả người Mỹ, gốc Do Thái phân tích rằng: “Loài người chúng ta nếu chỉ dựa trên những mối quan hệ thân tình, quan hệ huyết thống hoặc bạn bè thân thiết thường xuyên buôn chuyện thì chỉ duy trì được sự gắn kết của một cộng đồng khoảng 150 người. Để gắn kết những cộng đồng có số lượng thành viên lớn hơn lên tới cả ngàn cả triệu thì người ta phải cần đến một thứ mạnh hơn, đó là niềm tin vào những “Huyền thoại chung”. Và với người dân Việt Nam chúng ta, truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên” chính là một huyền thoại chung như thế.
“Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi/Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể...” (Nguyễn Khoa Điềm). Cái ngày xửa ngày xưa mà các bà mẹ Việt thủ thỉ, rầm rì kể cho con nghe luôn có một truyền thuyết lung linh về nguồn cội con Rồng cháu Tiên.
Kể rằng, ngày xửa ngày xưa có một vị thần thuộc nòi Rồng, tên Lạc Long Quân là con của vua Kinh Dương Vương và thần Long Nữ. Lạc Long Quân quen sống dưới nước, thỉnh thoảng mới lên bờ, chàng có nhiều phép lạ, sức mạnh vô song. Ở miền rừng núi có nàng tiên Âu Cơ vô cùng xinh đẹp thuộc dòng dõi Thần Nông. Lạc Long Quân đã phải lòng Âu Cơ ngay từ lần gặp đầu tiên, họ quấn quýt yêu nhau và kết duyên vợ chồng rồi sinh hạ chiếc bọc trăm trứng, nở ra trăm người con trai khỏe mạnh tuấn tú. Một hôm Lạc Long Quân bảo Âu Cơ: “Nàng ạ, ta vốn nòi Rồng ở miền nước thẳm, nàng là giống Tiên sống chốn non cao, khó mà ăn ở bên nhau lâu dài được. Nay ta đưa 50 con xuống biển, nàng đưa 50 con lên núi, chia nhau gìn giữ bảo vệ các phương, kẻ miền núi người vùng biển khi có chuyện gì thì giúp đỡ lẫn nhau”. Sau đó, người con cả là Hùng Đoàn được truyền ngôi vua, phong là Hùng Quốc Vương, thành lập ra nhà nước Văn Lang. Các vua Hùng từ đó cai quản đất nước kéo dài đến 18 đời...
Truyền thuyết về cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ rồi 18 đời vua Hùng không chỉ được trao truyền trong nhân dân mà còn được đề cập đến trong hai bộ quốc sử tầm vóc của nước Việt là “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” của Ngô Sĩ Liên và “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim. Cội nguồn được sinh ra cùng một bọc với nghĩa tình ruột thịt của người Việt chính là nền tảng niềm tin kết thành nguồn sức mạnh vô song đưa dân tộc qua những thác ghềnh, chông gai thử thách của lịch sử. Niềm tin chung một cội nguồn ấy đã trở thành di sản tâm thức tập thể của toàn dân nước Việt.
Qua hàng nghìn năm lịch sử, trong tiềm thức của hết thảy người Việt, dù già trẻ lớn bé đều chung một niềm tin rằng mình là “con Rồng cháu Tiên”, đều được sinh ra trong cùng một bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Chính ý thức, lòng tự hào về dòng dõi cội nguồn, về tình yêu quê hương đất nước ấy đã nối dài truyền thống, kết thành sức mạnh vô song bảo vệ bền vững các giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202404/coi-nguon-nuoi-duong-suc-manh-ngan-nam-ba40519/