Cởi 'nút thắt' về chuẩn cơ sở vật chất cho trường học

Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi một số quy định về chuẩn cơ sở vật chất đã cởi 'nút thắt', giúp các trường thuận lợi hơn trong việc phấn đấu đạt chuẩn.

Một tiết học của trẻ Trường Mầm non Phạm Thái (Kinh Môn)

Một tiết học của trẻ Trường Mầm non Phạm Thái (Kinh Môn)

Phấn khởi

Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT ngày 16/12/2024, có hiệu lực từ 31/1/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai trong toàn quốc nói chung và Hải Dương nói riêng, tạo thuận lợi hơn cho các trường trong việc phấn đấu đạt chuẩn quốc gia.

Trước năm 2019, Trường Mầm non Phạm Mệnh và Trường Mầm non Thái Sơn ở thị xã Kinh Môn đều đã đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Sau khi sáp nhập, trường đổi tên thành Trường Mầm non Phạm Thái và mất chuẩn do vượt quá 20 nhóm, lớp theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT.

Cô giáo Nguyễn Thị Sợi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phạm Thái cho biết Thông tư 23 quy định trường mầm non tối đa 30 nhóm, lớp. Như vậy, trường sẽ đủ điều kiện để kiểm định trường đạt chuẩn quốc gia.

“Chúng tôi rất phấn khởi vì Thông tư 23 đã gỡ khó cho trường về tiêu chuẩn quy mô trường lớp để thời gian tới trường sẽ được xem xét công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đây tiếp tục là niềm vui, tạo động lực để mỗi cán bộ, giáo viên phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường”, cô Sợi nói.

Tương tự, năm 2017, Trường Tiểu học Thanh Hải (Thanh Hà) đã đạt chuẩn quốc gia mức độ II . Tuy nhiên, đến năm 2022, sau kiểm định lại, trường mất chuẩn. Nguyên nhân do trường bị vượt quy mô số lớp, thiếu phòng bộ môn và diện tích tối thiểu/ học sinh.

Trường Tiểu học Thanh Hải (Thanh Hà) đang đề nghị kiểm định để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II

Trường Tiểu học Thanh Hải (Thanh Hà) đang đề nghị kiểm định để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II

Thầy giáo Phạm Ngọc Hiển, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Hải cho biết trường hiện có 1.360 học sinh, với quy mô 40 lớp, vừa đủ tiêu chuẩn theo Thông tư 23. Về tiêu chuẩn phòng bộ môn, trường cũng không đạt do chỉ có 3 phòng bộ môn. Tuy nhiên, Thông tư 23 điều chỉnh cho phép trường học ghép các phòng bộ môn. Vì vậy, trường đang triển khai ghép phòng bộ môn tin học và khoa học công nghệ. Riêng phòng mỹ thuật sẽ thiết kế theo không gian mở. Như vậy sẽ đủ điều kiện theo quy định.

“Đây là trường tiểu học duy nhất ở huyện Thanh Hà chưa đạt chuẩn quốc gia. Nếu Thông tư 13 không được sửa đổi thì trường rất khó đạt chuẩn. Mặt khác, nếu không đạt chuẩn còn ảnh hưởng tới việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã Thanh Hải”, thầy Hiển nói.

Tại TP Hải Dương cũng có không ít trường không đạt chuẩn do thiếu diện tích bình quân tối thiểu cho một học sinh.

Trường THCS Trần Hưng Đạo có diện tích gần 3.000 m2 với hơn 500 học sinh. Đại diện lãnh đạo Trường THCS Trần Hưng Đạo cho biết trường chưa từng đăng ký kiểm định đạt chuẩn quốc gia do nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Trong đó, khó nhất là quy định diện tích bình quân tối thiểu cho một học sinh. Tuy nhiên, Thông tư 23 đã điều chỉnh diện tích bình quân tối thiểu cho một học sinh giảm xuống còn 6 m2 thì trường sẽ đạt.

Trên đây chỉ là 3 trong nhiều trường ở Hải Dương chưa đạt chuẩn hoặc mất chuẩn do vượt quy mô trường lớp, thiếu phòng bộ môn, thiếu phòng học, diện tích bình quân tối thiểu cho một học sinh không bảo đảm… theo Thông tư 13.

Gỡ khó

Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh còn khoảng 50 trường mầm non, 30 trường tiểu học, 21 trường THCS trường chưa đạt chuẩn hoặc đã đạt chuẩn nhưng đến thời hạn kiểm định không còn đáp ứng yêu cầu. Trong đó, TP Hải Dương có số lượng trường chưa đạt chuẩn nhiều nhất tỉnh với 12 trường mầm non, 13 trường tiểu học và 8 trường THCS. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia thấp nhất tỉnh.

Nguyên nhân một số cơ sở giáo dục chưa được công nhận chuẩn quốc gia do thiếu cơ sở vật chất, phòng học kéo dài, không có giải pháp khắc phục. Một số cơ sở giáo dục không đạt chuẩn quốc gia khi đến thời hạn công nhận lại do phòng học, cơ sở vật chất thiếu và xuống cấp, không được đầu tư, xây dựng kịp thời, trong khi số học sinh tăng nhanh, đặc biệt là ở khu đô thị và khu công nghiệp.

Công tác tham mưu, huy động nguồn lực ở một số cơ sở giáo dục còn hạn chế. Việc sáp nhập các trường dẫn đến quy mô số lớp ở nhiều trường vượt quá quy định…

Theo Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) sẽ đạt tiêu chuẩn diện tích bình quân tối thiểu cho một học sinh

Theo Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) sẽ đạt tiêu chuẩn diện tích bình quân tối thiểu cho một học sinh

Đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương cho biết một số trường diện tích hẹp không thể mở rộng, số học sinh tăng nhanh, không đủ phòng học, phòng bộ môn. Một số trường có nhiều công trình đã xuống cấp, cũ hỏng… Khó khăn về diện tích, khuôn viên, cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp và hạn hẹp về kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa là những nguyên nhân chính khiến các trường khó đạt chuẩn.

Những vướng mắc do chưa đáp ứng đầy đủ các quy định của Thông tư 13 đã ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch, tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia…

Tuy nhiên, Thông tư 23 kịp thời ban hành đã tháo gỡ phần lớn khó khăn cho các trường không đáp ứng diện tích bình quân tối thiểu cho một học sinh. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các trường rà soát, đăng ký kiểm định, nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trong thời gian tới.

Dù Thông tư 23 mới có hiệu lực từ ngày 31/1/2025 nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo đã sớm chỉ đạo các trường rà soát, triển khai đăng ký kiểm định trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định mới.

Ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cho biết Thông tư 23 ban hành là một giải pháp kịp thời và quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để Hải Dương hoàn thành tốt chỉ tiêu đề ra về xây dựng trường chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII. Đến hết năm 2024, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt 85,86%, tăng 14% so với năm 2020, đạt chỉ tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII đề ra.

THẾ ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/coi-nut-that-ve-chuan-co-so-vat-chat-cho-truong-hoc-403529.html