Còi tàu vang vọng phố khuya
Đường phố Phùng Hưng (Hà Nội) dài 1.250m lúc nào cũng rầm rập tàu xe cho dù chỉ được phép đi một chiều. Phùng Hưng chính là đường hào xưa bao phía Đông thành cổ và là rào chắn toàn bộ khu kẻ chợ Thăng Long.
Vì thế khá nhiều phố “Hàng” đều nối với đường Phùng Hưng tạo thành các ngã ba như Hàng Cót, Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Vải, Hàng Bông và Bát Đàn. Bên cạnh đó còn tới năm ngã ba nữa cũng giao cắt với Phùng Hưng tạo nên mối giao thông dằng dịt nhất Hà Nội.
Cổ thành một thuở
Dấu vết tường thành phía Đông Hoàng thành còn lại chính là con đường dốc đá xây đường tàu hỏa chạy từ ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội) lên ga đầu cầu Long Biên. Đây là đường sắt được người Pháp xây dựng từ năm 1901 chạy dọc phố Phùng Hưng (bên số nhà chẵn). Do đó con đường này còn được gọi là phố “Đường tàu”.
Gần đây phố “Đường tàu” Phùng Hưng được du khách nước ngoài thích thú tìm tới uống cà phê và ngắm tàu hỏa chạy qua. Có lẽ đây là một con phố kỳ lạ nhất thế giới với những ngôi nhà nhỏ xây dọc đường tàu đều có vỉa hè cách đường tàu chỉ chừng 1m. Hiện nay những ngôi nhà đó được sơn vẽ trang trí thành cửa hàng cà phê và giải khát độc đáo. Muốn lên đường sắt trên dốc đá cao phố Phùng Hưng du khách phải leo qua những bậc gạch, rồi băng qua đường sắt để vào cửa hàng cà phê. Sự mạo hiểm này gây tò mò và thích thú đối với du khách và đặc biệt các bạn trẻ. Họ khoái trá nhất là khi cầm tách cà phê đứng dậy chờ tàu chạy qua rầm rầm rồi lại ngồi xuống trò chuyện tiếp bên vỉa hè. Gần đây các cơ quan chính quyền phải canh gác không cho ai vào phố “Đường tàu” nữa vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng rất nhiều du khách vẫn tìm tới đây để chụp ảnh từ xa và đón chờ những đoàn tàu chợt tới.
Nay phố Phùng Hưng ngày càng rộn rã bao nhiêu thì con đường xưa thời mới lấp hào càng hoang vu bấy nhiêu (năm 1888). Bởi lẽ khi ấy dẫy bên số lẻ chỉ có một số nhà làm ăn buôn bán nhỏ. Thêm nữa hồi năm 1906, sau khi đường sắt hình thành ít năm, phố Phùng Hưng mọc lên ngôi nhà Hợp Thiện chuyên làm tang lễ cho những người chết vô gia cư. Ma trơi trên phố vắng chập chờn suốt từ đầu phố Hàng Bông tới Cửa Đông. Hồi đó dân hát xẩm chợ Đông Thành ở đầu phố Hàng Vải hay hát những câu buồn rơi nước mắt. Họ cứ nỉ non: “Còi tàu vang vọng phố khuya/ Áo tơi côi cút bên hè đường xa/ Gió đông thổi buốt hiên nhà/ Tiếng kèn ai oán hồn ma chầu trời”.
Nhưng phải nói nhà tang lễ của Hội Hợp Thiện do ông Bạch Thái Bưởi cùng một số người lập ra tại 125 Phùng Hưng được mọi người nhớ mãi. Năm tháng ấy thường xảy ra chuyện những người tha phương chết vì bệnh dịch hay đói kém mà không có ai đón nhận. Hội Hợp Thiện hay tin đều cử người tới đưa họ về 125 Phùng Hưng làm tang lễ rồi đem đi chôn dưới đất Quỳnh Lôi. Khu nghĩa trang này cũng do những người trong Hội Hợp Thiện chung tiền mua. Nhà thơ Nguyễn Bính đã từng làm bài thơ miêu tả đám tang ở nơi đây. Ông viết: “Sớm nay vô số lá vàng rơi/ Người gái trinh kia đã chết rồi/ Có một chiếc xe màu trắng đục/ Hai con ngựa trắng bước hàng đôi”. Hội Hợp Thiện hoạt động suốt 40 năm cho tới 1946 thì giải tán vì chiến tranh. Khi hòa bình lập lại, chính quyền thành phố đã hợp pháp hóa trụ sở của Hội Hợp Thiện thành Nhà tang lễ Phùng Hưng cho tới nay.
Đặc biệt, cũng vào những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi nhà 105 Phùng Hưng được tổ chức làm trụ sở tờ Báo Tin tức của Mặt trận dân chủ Đông Dương (1938). Đây là một tờ báo công khai của Đảng ta xuất bản ngày đó. Chủ nhiệm báo do Xứ ủy viên, Xứ ủy Bắc Kỳ Đặng Xuân Khu (đồng chí Trường Chinh) chỉ đạo. Còn chủ bút chính là nhà sử học kiêm nhà báo Trần Huy Liệu. Ban biên tập còn có những cây bút nổi tiếng như Hoàng Quốc Việt, Trần Đình Long, Đào Duy Kỳ, Trần Đình Chí, Khuất Duy Tiến… Trụ sở Báo Tin tức còn là nơi tiếp xúc với đại biểu đoàn thể nhân dân tới hỏi ý kiến về tổ chức và phương thức đấu tranh chống lại sự đè nén áp bức của thực dân Pháp. Tuy tờ báo hoạt động được ít năm rồi rút vào hoạt động bí mật nhưng đã khởi động một thời kỳ báo chí cách mạng Việt Nam phát triển trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ký ức Hà Nội trên phố đèn lồng
Đường phố Phùng Hưng chạy qua ba phường của quận Hoàn Kiếm nên tự nhiên cũng chia ra làm ba khúc phố buôn bán khác nhau. Đoạn đầu phố từ giao cắt ngã năm với Hàng Lược về tới Hàng Mã (chừng hơn 200m) được coi là phố bích họa. Đặc biệt khúc phố này còn được treo đèn lồng luôn được thắp sáng vào những ngày đi bộ cuối tuần. Nơi đây có nhiều hoạt động văn hóa tạo nên ánh sáng mới lạ thay vì cho phân khúc giữa từ Cửa Đông tới Nguyễn Quang Bích cả ngày tàu xe vào ra nhà tang lễ. May sao đoạn cuối phố từ Ngõ Trạm tới ngã ba Hàng Bông được coi là phố chợ. Đây là đoạn phố sầm uất nhất có tới ba đường rẽ vào chợ Hàng Da nên còi xe inh ỏi. Thật đúng là “Nghìn thu gặp hội thái bình/ Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long/ Phố ngoài bao bọc thành trong/ Cửa Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông rõ ràng/ Hà Nội băm sáu phố phường”. Phùng Hưng chạy dài dọc phố có nhiều cửa ngõ đi vào ba sáu phố phường. Giao cắt phố Cửa Đông chính là đường vào chợ Đông Thành xưa nên thuyền bè đi lại như mắc cửi.
Nếu cuối phố Phùng Hưng có mấy cây hoa sữa già nua hơn trăm năm thơm lừng thì đầu phố lại là dãy bàng cổ và đa chạy dọc ngõ Hàng Hương tới phố Hàng Lược. Vào dịp xuân, đoạn phố đi bộ bích họa được bày nhiều gian hàng quà tết và sân khấu hát văn rộn ràng. Bộ tranh bích họa gồm 20 tác phẩm được vẽ trên bức tường lấp vòm dốc đá là một công trình văn hóa độc đáo. Tác phẩm hội họa gợi nhớ bao hồi ức về một Hà Nội thân thương thời kỳ bao cấp.
Đó là những ô cửa số và gánh hàng hoa đi vào chợ. Rồi đó còn là hình ảnh tầu điện leng keng tiếng chuông vang lên góc phố. Bài hát “Nhớ về Hà Nội” luôn ngân reo trong lòng người mỗi khi ai qua đây. Lời ca thân quen ngày nào một thuở hàn vi: “Nhớ những con đê thành lối xe/ Bước chân năm tháng đi về/ Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya/ Hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy…”. Và, đó còn là bóng dáng cầu Long Biên già nua còm cõi trên sông Hồng làm mọi người càng xao xuyến “Ôi nhớ chiều ba mươi tết/ Chen giữa đào hoa tươi thắm/ Đường phố đông vui chờ đón tân niên/ Là phút thiêng liêng lắng nghe thơ Người/ Hà Nội ơi” (Nhớ về Hà Nội).
Đồng thời đường phố bích họa cũng là nơi lý tưởng để mọi người check-in những bức ảnh với phố phường Hà Nội xưa. Ai tới đây cũng chan chứa kỷ niệm hoài mong một thời trẻ trung thơm thảo trong cuộc đời. Bởi lẽ đó là những ký ức không thể nào quên: “Ta còn em cánh cửa sắt. Lâu ngày không mở/ Nhà ai?/ Qua đó, nao nao nhớ tuổi học trò/ Dàn thiên lý đã chết khô. Năm xưa/ Những chùm hoa thơm hò hẹn/ Cuộc tình đầu ngọt lịm/ Nụ hôn còn xanh mãi trên môi” (Em ơi! Hà Nội phố - Phan Vũ).
Thiều quang sáng tỏ lưng trời
Thú vị nhất khi con tàu chạy ình ình dọc Phùng Hưng luôn đem theo tâm tưởng mọi người cùng hú còi chào thành phố. Mỗi tối cuối tuần khi đường sắt rung lên, phố đường tàu đều bật sáng và tiếng hát văn Cô đôi thượng ngàn lại réo rắt ngân vang dưới phố đèn lồng. Hà Nội như mê đi trong giai điệu rộn ràng và lời ca kỳ thú: “Một màu xuân sắc thắm tươi rườm rà/ Trên ngàn xanh lắm quả nhiều hoa. Á a a á à ả à a…Hú”. Người gánh hàng hoa trên bức tranh tường cũng tất tả như đang đi vào chợ xuân. Một tốp thiếu nữ nhún nhảy theo nhịp điệu bay bổng dưới ánh sáng đèn lồng huyền ảo. Ký ức về một con hào nước nối với dòng sông Tô ngày nào cuồn cuộn trong xanh lại hiện về. Phùng Hưng giờ đây sống động phố phường bên thành cổ. Nhịp đường sắt hối hả đưa hành khách đi về phương xa. Khi ấy trong lòng người lại xuất hiện một nỗi nhớ trào dâng trên ga xép nhỏ Long Biên và cùng đoàn tàu vượt sông.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/coi-tau-vang-vong-pho-khuya-i719287/