Coi tín dụng là mặt hàng đang… ế

Nếu coi các nhà băng đang vận hành như một doanh nghiệp, thì các nhà băng đang liên tục nhập hàng vào nhưng lại không bán ra được. Như vậy, bản thân các ngân hàng cũng đang… ế, tồn kho tín dụng. Mặt hàng bị ế này khá đặc biệt, khi cho thấy sự suy yếu của toàn bộ nền kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã giảm lãi suất điều hành 4 lần, phân bổ hết room tín dụng, ban hành Thông tư cơ cấu nợ, trái phiếu, tung ra các gói tín dụng ưu đãi… Bất chấp những nỗ lực này, tín dụng tính tới cuối tháng 6/2023 chỉ tăng 4,73%, thấp nhất trong vòng 13 năm qua.

Ở một góc độ khác, từ đầu năm tới nay, tiền gửi của người dân vọt tăng lên tới 6,33 triệu tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay. Bất chấp các đợt giảm lãi suất huy động liên tiếp, dòng tiền gửi vẫn tiếp tục tăng.

“Chưa bao giờ tốc độ huy động tiền gửi của các tổ chức tín dụng lớn như hiện nay. Nó cho thấy đồng tiền không có điểm đến, không chảy vào được sản xuất. Tốc độ huy động nhanh thì ngược chiều lại tăng trưởng sẽ chậm. Điều này phản ánh đúng bức tranh kinh tế hiện nay”, ông Nguyễn Quốc Hùng tổng thư ký hiệp hội ngân hàng chia sẻ tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp”.

Ở khía cạnh kinh doanh, nếu coi các nhà băng đang vận hành như một doanh nghiệp, thì các nhà băng đang liên tục nhập hàng vào nhưng lại không bán ra được. Như vậy, bản thân các ngân hàng cũng đang… ế, tồn kho tín dụng. Mặt hàng bị ế này khá đặc biệt, khi cho thấy sự suy yếu của toàn bộ nền kinh tế.

Cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng đều thận trọng

Một khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân ghi nhận khoảng 60% doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đơn hàng suy giảm. Cả nhu cầu sản xuất và nhu cầu tiêu dùng đều sụt giảm khiến doanh nghiệp giảm hẳn nhu cầu vay vốn.

“Giảm lãi suất chỉ là một mặt của vấn đề. Quan trọng là không có việc thì các doanh nghiệp vay làm gì? Doanh nghiệp rất thực dựng, vay thì phải có việc làm mới vay. Trong khi thực tế các doanh nghiệp đang thiếu đơn đặt hàng, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu và lan sang các lĩnh vực phụ trợ nữa.”, ông Nguyễn Văn Thân, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết.

Đánh giá cao ngành ngân hàng là ngành có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định lạm phát và kinh tế vĩ mô, song ông Thân cũng chia sẻ chúng ta cần chấp nhận thực tế là doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa thể hấp thụ được vốn.

Thậm chí, ngay cả những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất cũng không đơn giản. Ông Vũ Công Huân, chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn HDC, một doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và thủy sản cho biết doanh nghiệp của ông hiện được cấp hạn mức tín dụng khoảng 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số cho vay thực tế chỉ 8 – 10 tỷ đồng.

“Nguyên nhân là do chúng tôi không có tài sản đảm bảo. Với quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngân hàng chỉ cấp cho chúng tôi hạn mức 3 tỷ đồng. Tôi phải vay 3 ngân hàng mới được tín dụng khoảng 10 tỷ đồng. Không vay được vốn khiến năng lực bán hàng của chúng tôi sụt giảm 25 – 30%. Điều này rất đáng tiếc khi dòng tiền của chúng tôi rất tốt”, ông Huân chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài khóa - tiền tệ quốc gia cho rằng không ngân hàng nào là không muốn cho vay. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại việc mở rộng tín dụng cũng phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

“Ngân hàng đã huy động, nghĩa là mua vốn vào thì chắc chắn phải cho vay ra. Tuy nhiên, tìm được khách hàng tốt, xác định được đúng dòng tiền tương lai để có thể thu hồi về cũng không hề dễ dàng”, bà Mùi nhận định.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, đáng ra thời điểm này các quỹ bảo lãnh tín dụng cần phát huy được hiệu quả, hỗ trợ, bão lãnh các doanh nghiệp vay vốn. Tuy nhiên, thực tế các quỹ này đến nay không phát huy được hiệu quả. Khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân tư vấn cũng cho thấy 80% doanh nghiệp lên tiếng rằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa được địa phương triển khai hiệu quả. Thậm chí kết quả khảo sát còn kém, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn nảy sinh.

Chống ế thế nào?

Vậy làm sao để kích thích nhu cầu tín dụng, từ đó khôi phục lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế? Hạ lãi suất tiếp tục là một ý kiến được đưa ra. NHNN đánh giá vẫn còn dư địa để giảm thêm lãi suất từ 1 – 1,5% trong thời gian tới. Tuy nhiên, 4 lần hạ lãi suất liên tiếp trước đó cũng cho thấy đây chưa chắc là biện pháp hiệu quả.

Ông Nguyễn Bá Hùng – chuyên gia kinhh tế của ADB Việt Nam tin rằng, nên tiếp cận vấn đề tín dụng tương tự như mọi loại hàng hóa khác. Đó là từ góc nhìn cung cầu.

“Khi nói về tín dụng, chúng ta hay nói tới các chương trình hỗ trợ, ưu đãi, giảm lãi suất... Theo tôi chúng ta nên hạn chế góc nhìn cho - nhận như vậy. Thay vào đó là góc nhìn cung cầu. Cung là tín dụng đang giảm giá, thể hiện ở lãi suất giảm, trong khi bên cầu cũng đang yếu nên không thể hấp thụ nguồn cung này”.

Theo ông Hùng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới biến động, xuất nhập khẩu khó khăn, nền kinh tế trong nước cần có biện pháp chính sách thực như tăng nhu cầu tiêu dùng, như vậy mới có động lực tăng trưởng trở lại.

Ông Nguyễn Bá Hùng – chuyên gia kinhh tế của ADB Việt Nam

Ông Nguyễn Bá Hùng – chuyên gia kinhh tế của ADB Việt Nam

Động lực lớn nhất có thể kể tới là đầu tư công. Đây là lĩnh vực có quy mô đủ lớn, đa dạng đủ sức doanh nghiệp tạo nên cầu tín dụng. Tiếp đến là thi trường bất động sản, tiêu dùng, tập trung tín dụng vào những nhu cầu thực, thay vì hoạt động đầu cơ.

Với các nhu cầu tín dụng, các doanh nghiệp thường tập trung vay tiền để đảo nợ hoặc tăng dòng tiền lưu động. Các nhà băng nên chú trọng vào các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt nhưng khó khăn thanh khoản hoặc ngược lại.

“Khi nền kinh tế mạnh, các doanh nghiệp thương vay đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, khi kinh tế yếu, nhu cầu này đang suy giảm, thay vào đó là nhu cầu về dòng tiền tăng lên. Đây chính là lý do các nhà quản lý nên cân nhắc điều chỉnh chuẩn mực cho vay.”, ông Hùng chia sẻ.

Với các khoản đầu tư dài hạn, hiện ngân hàng đang cho vay kỳ hạn không quá 7 năm tương đương lợi tức gần 15%/năm. Con số này theo ông Hùng vẫn quá cao. Các ngân hàng nên có các sản phẩm kéo dài thời hạn đầu tư ra cho những dự án có dòng tiền ổn định.

Cuối cùng, khi nền kinh tế khó khăn thì thị trường đi vào trạng thái đào thải, doanh nghiệp yếu kém phải chấp nhận đóng cửa, rời khỏi thị trường, nhường chỗ cho doanh nghiệp mạnh. Đó là hoạt động M&A thường diễn ra trên thế giới. Nếu ngân hàng có dịch vụ tư vấn M&A thì đây cũng sẽ là nguồn cầu tín dụng lớn. Vấn đề là mảng ngân hàng đầu tư tại Việt Nam vẫn đang yếu. Trong thời gian tới, các ngân hàng có thể cân nhắc mở rộng dịch vụ này.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/coi-tin-dung-la-mat-hang-dang-e-1690278584430.htm