Cởi trói cổ phần hóa doanh nghiệp
Quá trình cổ phần hóa DN Nhà nước chậm, còn sai sót có liên quan đến vấn đề pháp luật và thực thi pháp luật, trong đó còn nhiều lúng túng trước các vấn đề pháp lý về đất đai, quyền sở hữu tài sản vô hình, các báo cáo tài chính...
Đã đến lúc cởi trói cho cổ phần hóa DN Nhà nước, để sớm hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DN Nhà nước là một chính sách quan trọng của Đảng và Chính phủ, nhằm tối ưu hóa các nguồn lực kinh tế, bảo đảm thực hiện được các mục tiêu kinh tế, chính trị và xã hội trong quá trình phát triển. Nhờ cổ phần hóa, sắp xếp, cơ cấu lại, các DN Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty được sắp xếp lại tinh gọn hơn, nhiều DN hoạt động có hiệu quả, đóng góp lớn cho ngân sách. Qua đó đã thể hiện được vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Cổ phần hóa cũng đã giúp tạo một làn sóng thu hút đầu tư xã hội hóa…
Mặc dù vậy, theo số liệu, từ Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho thấy, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, có 180 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị là 489.690 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 180 DN này, chỉ có 39/128 DN thuộc danh mục cổ phần hóa theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (đạt 30% kế hoạch), số DN chưa hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa là 89 DN. Tiến độ chậm chạp trong cổ phần hóa, thoái vốn DN Nhà nước giai đoạn 2012 - 2020 đang có những dấu hiệu kéo dài sang cả giai đoạn 2021 - 2025.
Trong năm 2021, chỉ có 4 DN cổ phần hóa, với tổng giá trị DN là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước là 196 tỷ đồng. Có 18 DN đã thoái vốn với giá trị 1,66 nghìn tỷ đồng, thu về 4,40 nghìn tỷ đồng, trong đó thoái vốn Nhà nước tại 4 DN với giá trị 52,8 tỷ đồng, thu về 85,1 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn tại 14 DN với giá trị 1,61 nghìn tỷ đồng, thu về 4,31 nghìn tỷ đồng... Việc chậm trễ cổ phần hóa DN Nhà nước khiến cho việc sắp xếp đổi mới DN tiếp tục chậm so với tiến độ đề ra, gây tác động không nhỏ đến tiến trình đổi mới, sắp xếp DN.
Nguyên nhân chính gây ách tắc là do cổ phần hóa bị tác động bởi vấn đề thị trường cũng như vấn đề về pháp luật và thực thi pháp luật. Một phần khác bởi chính chất lượng thông tin và chất lượng hoạt động của DN. Trong khi đó, chưa có cơ chế và phương pháp xác định giá trị DN, giá trị quyền sử dụng đất một cách chính xác.
Ngoài ra, cổ phần hóa thời gian qua chậm chủ yếu là do vướng mắc trong việc định giá tài sản của DN Nhà nước. Trong nhiều trường hợp, việc định giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế gây nên gây thất thoát tài sản, nhiều vụ việc đã bị xử lý hình sự. Mặc dù còn những tồn tại, hạn chế, song không nên vì thế mà dừng lại việc cổ phần hóa. Đây là chủ trương đúng, cần tiếp tục thực hiện.
Tuy nhiên, cùng với đó cần thêm những chính sách cởi trói cổ phần hóa cho DN Nhà nước. Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu đó là việc công khai, minh bạch thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của DN Nhà nước để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi cổ phần, thoái vốn. Cùng với đó, cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính đất đai, quy hoạch, đấu giá, nâng cao chất lượng thông tin hoạt động DN Nhà nước từ sớm, từ xa, không đợi đến khi xác định cổ phần hóa mới bắt tay vào xử lý…
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/coi-troi-co-phan-hoa-doanh-nghiep.html