Quảng Bình: 'Cởi trói' nỗi khổ đeo đẳng phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện Minh Hóa

Hiểu được sự thiếu khoa học của các tục cúng trừ ma đuổi bệnh, sinh chòi, sinh bờ suối..., bác sĩ Cao Xuân Tiêm đã đến từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con, ốm đau thì phải đến trạm y tế.

 Bác sĩ Cao Xuân Tiêm tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho bà con dân bản

Bác sĩ Cao Xuân Tiêm tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho bà con dân bản

Nhiều hủ tục được xóa bỏ

Dân Hóa là xã nằm ở vùng biên giới huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số và là hộ nghèo, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, lạc hậu. Vì vậy, mỗi lúc ốm đau họ chủ yếu chữa bệnh bằng cách nhờ thầy cúng trừ tà ma... khiến hậu quả bệnh tình ngày càng nặng hơn, thậm chí là những cái chết thương tâm đã xảy ra.

Trước đây, khi người phụ nữ đồng bào gần đến ngày sinh, người dân sẽ dựng chòi ở bìa rừng hoặc bờ suối để sinh nở. Nguy cơ xảy ra biến chứng xấu cho sức khỏe của sản phụ và trẻ là rất cao. Chính quyền cùng cán bộ y tế thường xuyên tuyên truyền để xóa bỏ tập tục này.

Là người con của đồng bào, bác sĩ Cao Xuân Tiêm - Trạm trưởng Trạm Y tế Y Leeng (Trạm Y tế Dân Hóa) hiểu được sự thiếu khoa học của các tục cúng trừ ma đuổi bệnh. Qua những buổi khám bệnh tại trạm y tế cũng như sinh hoạt với thôn bản, bác sĩ Tiêm kết hợp tuyên truyền để đồng bào nâng cao nhận thức trong công tác chăm sóc sức khỏe, từ đó nhận thức của người dân dần được nâng lên.

Xã Dân Hóa chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số

Xã Dân Hóa chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số

"Đến nay, tại Dân Hóa, hủ tục "đẻ chòi" đã được giải quyết dứt điểm, "cởi trói" nỗi khổ đeo đẳng phụ nữ dân tộc thiểu số. Trước đây khi đau ốm ai cũng nghĩ do con ma rừng gây ra nên nhờ thầy cúng. Nhờ có bác sĩ Tiêm tuyên truyền, lý giải về bệnh tật nên vài năm nay hễ ai ốm đau là đến trạm y tế, chứ không mời thầy cúng đến để trừ tà nữa", ông Hồ Thông, trú bản K-Ai, xã Dân Hóa chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa cho biết: Từ khi về công tác tại Trạm Y tế xã Dân Hóa, bác sĩ Cao Xuân Tiêm, nhiều lần cùng đồng nghiệp lặn lội vào các bản xa đỡ đẻ, chăm sóc mẹ con sản phụ, cùng với đó bác sĩ cũng vận động, chia sẻ với bà con về sự nguy hiểm của phương thức sinh chòi, sinh bờ suối, qua đó góp phần lớn vào việc thay đổi nhận thức của bà con, xóa bỏ các hủ tục.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động

"Để giải thích, thuyết phục, động viên bà con trong các bản mỗi khi sinh đẻ, ốm đau phải đến trạm y tế, chúng tôi phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động. Đích đến đầu tiên là các già làng, trưởng bản, bởi hơn ai hết, những người này, tiếng nói luôn có trọng lượng với dân bản", bác sĩ Tiêm chia sẻ.

Đã nhiều năm trôi qua, anh cùng đồng nghiệp đỡ đẻ và tận tình chăm sóc sức khỏe cho các ca sinh khó cho tới khi cả mẹ và con đều khỏe mạnh mới cho về nhà. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu nghề, bác sĩ Cao Xuân Tiêm đã nhận được niềm tin yêu của đồng bào, người dân, người bệnh nơi đây. Với anh, đó chính là phần thưởng quý giá nhất.

Ông Đinh Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết, Trạm Y tế của xã thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho khoảng 5.000 người dân trên địa bàn, với hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số.

Trạm Y tế xã Dân Hóa trở thành địa chỉ tin cậy khi ốm đau của bà con.

Trạm Y tế xã Dân Hóa trở thành địa chỉ tin cậy khi ốm đau của bà con.

"Bác sĩ Cao Xuân Tiêm là con em đồng bào, sinh ra và lớn lên ở vùng đất này nên rất hiểu hoàn cảnh khó khăn cũng như các hủ tục lạc hậu. Trong công tác, bác sĩ Tiêm luôn năng nổ và tâm huyết. Với sự năng động của một trạm trưởng, sự tận tình của một thầy thuốc, bác sĩ Tiêm xây dựng Trạm Y tế xã Dân Hóa trở thành địa chỉ tin cậy khi ốm đau của bà con", ông Đinh Văn Chinh cho biết.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình Dương Thanh Bình cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều bác sĩ người dân tộc thiểu số được đào tạo bài bản về y học, sau khi tốt nghiệp trở về quê hương chăm sóc sức khỏe cho bà con dân bản. Họ là người Bru-Vân Kiều, Chứt, Sách… Bác sĩ Cao Xuân Tiêm là một trong những tấm gương tiêu biểu. Với tinh thần tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, họ đã để lại những hình ảnh đẹp, tình cảm sâu sắc được chính quyền và người dân ở đây hết lòng yêu mến, kính trọng.

Nguyễn Long

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/coi-troi-noi-kho-deo-dang-phu-nu-dan-toc-thieu-so-o-huyen-minh-hoa-quang-binh-20240721103229818.htm