Coi trọng kỷ cương, đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục, đào tạo

Tiếng trống tưng bừng vang lên rộn ràng ở khắp các mái trường báo hiệu năm học mới bắt đầu. Đến hẹn lại lên, hôm nay (5-9), các em học sinh cả nước háo hức, phấn chấn trong ngày khai giảng năm học 2024-2025 và đồng bào ta trên mọi miền đất nước cùng hân hoan trong 'Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường'.

Nhìn lại năm học 2023-2024, chúng ta vui mừng nhận thấy toàn ngành giáo dục đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đây là năm học đánh dấu 10 năm toàn ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, vì vậy, chất lượng dạy học ở các cấp học tiếp tục có chuyển biến tiến bộ.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học tiếp tục được các địa phương quan tâm. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Học sinh Việt Nam đạt nhiều thành tích cao trong các hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ và các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế. Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định.

Học sinh Hà Nội trong lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: giaoducthoidai

Học sinh Hà Nội trong lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: giaoducthoidai

Ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục, việc hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục, đào tạo tiếp tục được quan tâm, góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp học, bậc học. Những kết quả của ngành giáo dục đã góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Tự hào bước vào năm học 2024-2025, niềm vui của đội ngũ những người làm công tác giáo dục như được cộng hưởng bởi mới đây, ngày 12-8-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó nhấn mạnh phải bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước; lương nhà giáo được ưu tiên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Đây là cơ sở chính trị rất quan trọng để các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho giáo dục phát triển toàn diện, tạo ra sự đột phá trong phát triển nguồn chất lượng cao, phấn đấu đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Đây là năm học đầu tiên triển khai giảng dạy sách giáo khoa mới đối với học sinh lớp 12 trên cả nước, là dấu mốc khẳng định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Để hoàn thành tốt mục tiêu, phương hướng đề ra trong năm học mới, trên cơ sở bám sát chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, ngành giáo dục cần nỗ lực hơn nữa trong việc khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, bảo đảm cho việc đổi mới giáo dục tiếp tục có sự bứt phá toàn diện hơn, kết quả thực chất hơn; triển khai thực hiện hiệu quả 12 nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra.

Những người làm công tác giáo dục cần quán triệt và thực hiện phương châm chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ đề ra là: “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể; thầy, cô giáo là động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình là điểm tựa; xã hội là nền tảng”.

Nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt để giành kết quả, thành tích thực chất là đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên ngành giáo dục thiết thực tạo ra nguồn nhân lực, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, qua đó khẳng định phẩm chất, trí tuệ, uy tín của con người và dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

Với tinh thần “Càng yêu người bao nhiêu càng yêu nghề bấy nhiêu”, đội ngũ nhà giáo cần bền bỉ duy trì ngọn lửa niềm tin, nhiệt huyết với nghề dạy học, khắc phục mọi khó khăn, kiên trì, quyết liệt hơn nữa trong việc hiện thực hóa mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng sự kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, góp phần đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.

Là một bộ phận quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, các học viện, nhà trường Quân đội cần tiên phong đổi mới, sáng tạo trong đổi mới giáo dục và đào tạo, nắm chắc và thực hiện hiệu quả phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, nghiên cứu khoa học, các học viện, nhà trường Quân đội cần tiếp tục nâng cao chất lượng rèn luyện kỷ luật, tăng cường kỷ cương, xây dựng chính quy, phấn đấu mỗi cơ sở đào tạo trong Quân đội trở thành một điểm sáng về giáo dục, văn hóa, tiên tiến, mẫu mực, xứng đáng là cái nôi tôi rèn, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội và đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, tinh, gọn, mạnh, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/coi-trong-ky-cuong-doi-moi-va-nang-cao-chat-luong-toan-dien-giao-duc-dao-tao-792469