Coi trọng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản

Nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ đăng quang của Nhà vua Nhật Bản Naruhito tại Tokyo, Nhật Bản từ ngày 22 đến 23-10.

Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21-9-1973. Năm 1995, Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đến thăm. Năm 2009, Nhật Bản là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Năm 2011, Nhật Bản công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đến Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 3-2014, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.

Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục phát triển tốt đẹp, toàn diện với sự tin cậy chính trị cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Gần đây có các đoàn lãnh đạo Nhật Bản thăm Việt Nam, như: Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo thăm Việt Nam 4 lần (tháng 11-2006, tháng 1-2013, tháng 1-2017 và tháng 11-2017); Chủ tịch Hạ viện thăm Việt Nam tháng 1-2002 và tháng 5-2017; Chủ tịch Thượng viện thăm Việt Nam tháng 12-2015; Hoàng thái tử Nhật Bản Naruhito (Nhà vua hiện nay) thăm chính thức Việt Nam tháng 2-2009; Nhà vua Akihito (đã thoái vị, hiện là Thượng hoàng Nhật Bản) thăm Việt Nam (từ 28-2 đến 5-3-2017); Hoàng tử Nhật Bản Akishino thăm chính thức Việt Nam tháng 6-1999 và thăm với tư cách cá nhân tháng 8-2012. Lãnh đạo Việt Nam thăm Nhật Bản có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản tháng 9-2015; Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước tháng 5-2018; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị G7 mở rộng tháng 5-2016, thăm chính thức tháng 6-2017, dự Hội nghị cấp cao Mê Công-Nhật Bản tháng 10-2018, dự Hội nghị cấp cao G20 tháng 6-2019; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức tháng 12-2012.

Hiện nay, hai bên có các cơ chế hợp tác quan trọng, bao gồm: Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật do hai Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm đồng chủ tịch; đối thoại đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản về ngoại giao-an ninh-quốc phòng cấp thứ trưởng Bộ Ngoại giao; đối thoại chính sách quốc phòng Việt-Nhật cấp thứ trưởng; đối thoại an ninh cấp thứ trưởng; Ủy ban hỗn hợp về thương mại, năng lượng và công nghiệp; đối thoại nông nghiệp cấp bộ trưởng.

Về hợp tác kinh tế, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số hai (tính theo số lũy kế), đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam (năm 2018). Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2019 giữa hai nước đạt 29,16 tỷ USD (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó xuất khẩu đạt 14,98 tỷ USD (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018), nhập khẩu đạt 14,18 tỷ USD (tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2018). Lũy kế đến tháng 9-2019, Nhật Bản có 4.291 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 60,36 tỷ USD, đứng thứ hai trong tổng số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Nhật Bản cũng là nước cung cấp vốn vay bằng đồng yên cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay cho đến tháng 1-2019 là 2.578 tỷ yên (tương đương khoảng 23,76 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ).

Bên cạnh đó, Việt Nam và Nhật Bản tích cực đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực, như: Nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, lao động, giáo dục, du lịch, lãnh sự... Hợp tác địa phương hai nước cũng được thúc đẩy mạnh mẽ với hơn 40 cặp địa phương đã ký văn bản hợp tác.

Hiện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có khoảng 330.000 người sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Nhật Bản, trong đó chủ yếu tập trung tại Tokyo và các tỉnh: Aichi, Saitama, Osaka.

Nhà vua Nhật Bản Naruhito lên ngôi ngày 1-5-2019, mở ra thời kỳ Lệnh Hòa (Reiwa). Việc Nhật Bản tổ chức trọng thể Lễ đăng quang của Nhà vua Naruhito và mời đông đảo lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế đến dự là sự kiện đặc biệt.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Lễ đăng quang của Nhà vua Naruhito thể hiện Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản và những bước phát triển vượt bậc trong quan hệ hai nước; mong muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nhà vua và Hoàng gia Nhật Bản.

Chúng ta cũng hoàn toàn tin tưởng rằng, việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ đăng quang Nhà vua Naruhito tại Tokyo sẽ góp phần khẳng định chủ trương, đường lối đối ngoại do Đại hội XII của Đảng đề ra, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, tạo cơ sở để góp phần tiếp tục đề cao vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đối ngoại đa phương; đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam phát triển năng động, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/xa-luan/coi-trong-quan-he-doi-tac-chien-luoc-sau-rong-viet-nam-nhat-ban-597881