Cộm mắt và cách dùng thuốc
Cộm mắt không phải là một bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh. Khi kèm với ra gỉ mắt hoặc có đỏ mắt nhiều sẽ là bệnh... Trong khuôn khổ bài viết này chúng ta sẽ khu trú ở cộm mắt đơn thuần và cách điều trị nó.
Cộm mắt đơn thuần diễn ra như thế nào?
Cộm mắt (hay xốn mắt) là cảm giác khó chịu, cảm tưởng có vật gì đó trong mắt gây vướng víu, như có kim châm hay có cát ở trong mắt... Để thoái khỏi cảm giác này, có người sẽ day dụi, muốn tra nhỏ thuốc gì đó man mát vào mắt hoặc nhắm mắt nghỉ ngơi. Tất cả chỉ là cảm giác thoáng qua chứ không phải là trường diễn, mức độ có thể nặng nhẹ nhưng không gây giảm thị lực.
Đi cùng với khí hậu nóng lên, ô nhiễm không khí, nhiễm độc tia tử ngoại là bệnh khô mắt ngày càng gặp nhiều. Nữ giới gặp nhiều hơn nam giới, nhất là lứa tuổi tiền mãn kinh, rối loạn hormon sinh dục, các tuyến ngoại tiết teo biến, trong đó có tuyến lệ. Sau 40 tuổi, có đến 80% nữ giới sẽ gặp khô mắt từ nhẹ đến nặng. Đây là căn bệnh rất hay gây ra cảm giác cộm vướng, khô rát ở mắt, đặc biệt khi mới ngủ dậy và cuối ngày làm việc.
Các thuốc thường dùng chữa cộm mắt do khô mắt
Một trong những nguyên nhân gây cộm mắt là khô mắt. Chẩn đoán khô mắt không phức tạp, nếu dùng nước mắt nhân tạo thấy dễ chịu hay hết vướng cộm tức là bạn đang bị khô mắt. Trên thị trường có các nhóm thuốc chính sau:
Mô phỏng nước mắt tự nhiên: nước muối sinh lý, tear natural II...
Các chất nhầy bôi trơn và làm ẩm mắt: Có các sản phẩm methyl cellulose, glycerine, carbomere, polyvidone, hyaluronate natri...
Các chất chống bay hơi nước mắt: Có hoạt chất làm tăng liên kết giữa các phân tử nước hoặc phủ lên phim nước mắt để chống bay hơi.
Các thuốc kích thích mắt tiết ra thêm nước mắt: Ví dụ các thuốc kích thích hệ phó giao cảm ở mắt và niêm mạc mũi đều gây tăng tiết nước mắt như adequax...
Đây là các thuốc không phải kê đơn nên có thể dùng một loại thuộc nhóm làm ẩm và bôi trơn, ngày nhỏ 3-4 lần, nếu thấy cộm mắt giảm hay biến mất thì đúng là đang bị khô mắt. Như vậy, nên kiên trì dùng thuốc lâu dài như một biện pháp bổ trợ bù đắp cho lượng nước mắt thiếu hụt.
Một số thuốc chống cộm mắt, mỏi mắt, tăng cường khả năng làm việc cho mắt hiện đang sẵn có trên thị trường. Phần lớn chúng là dạng tra nhỏ chứa các vitamin cần thiết cho mắt, có thể có gia thêm tinh chất trà xanh, tinh dầu bạc hà hay long não tạo cảm giác mát mắt và êm dịu.
Ngoài ra, có thể uống một loại bổ mắt tổng hợp hay dùng thực phẩm chức năng lâu dài nếu mắt buộc phải làm việc nhiều, dùng máy tính nhiều giờ, cộm mắt kéo dài theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Các vitamin A-C-E, khoáng chất kẽm và selene đều cần thiết cho hoạt động của mắt, chống oxy hóa và lão hóa tại mắt. Tuy nhiên, không nên tự mua thuốc về sử dụng vì dù là các thuốc bổ mắt nhưng nếu dùng quá nhiều và trong một thời gian dài cũng gây hại cho sức khỏe như dùng nhiều các vitamin A, E sẽ tích lũy trong cơ thể gây đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, phát ban... Dùng nhiều vitamin C gây rối loạn tiêu hóa, loét dạ dày tá tràng, viêm bàng quang...
Như vậy, cộm mắt có thể rất bình thường, nhưng khi cộm mắt gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động và kèm theo các dấu hiệu khác như nhìn mờ, đỏ mắt, sợ sáng... người bệnh cần tìm đến bác sĩ mắt ngay.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/com-mat-va-cach-dung-thuoc-n179552.html