Cốm nổ mùa Đông
Trong những giấc mơ mùa Đông ấm nồng, tôi vẫn còn nghe thánh thót tiếng gọi 'Bà Cách ơi! Đi nổ đùng không?'. Tự nhiên lúc ấy cho đến mãi sau này, dù tỉnh hay mơ tôi vẫn cứ mong chờ một mùa nổ cốm để biết được mùa Đông đã lại về.
Quê tôi có tục lấy tên con đầu để gọi thay cho tên cha mẹ. Đôi lần tôi thắc mắc bà tôi chỉ cười bảo vì người ta thấy cháu ở phố về nên gọi thay mẹ. Nhưng không phải, sau này tôi mới biết cách gọi này thể hiện sự gắn kết tình cảm trong gia đình giữa cha mẹ và con cái như một sự tiếp nối thế hệ nên khi nghe gọi đến tên mẹ tôi là tôi biết ngay người ta đang gọi bà tôi đi cùng.
Tôi nhớ những ngày Đông giá hay sát Tết, để chuẩn bị đồ kẹo bánh Tết cho con cháu là bà tôi lại ưu tiên đi nổ cốm đầu tiên. Đồ đi nổ bà thường chọn rất kỹ từ thứ gạo thơm cất dành cho ngày Tết, lường vào mấy lon sữa bò rồi tất tả đi theo hướng người vừa gọi với. Chỉ chờ lúc đó, tôi vùng chăn, men theo con đường tắt qua nương nhà hàng xóm chạy ra. Đám trẻ con đã đứng đu đầy ngoài xưởng nổ.
Xưởng nổ của chú Dũng nằm ngay cuối làng. Nói xưởng vậy thôi nhưng chả có biển hiệu gì sất, nhìn vào chỉ thấy đám người ngồi la liệt giữa hàng thúng mủng quanh bếp lửa hồng chờ đến lượt, chuyện trò rôm rả.
Chú Dũng đang quay tay quả nổ được đặt trên bếp lửa, mồ hôi vã ra như tắm. Quả nổ phải được liên tục quay vừa đều vừa nhanh. Công đoạn này đòi hỏi sức khỏe và sự dẻo dai, nhanh nhẹn để cho mỗi hạt gạo đều được nổ đều cho đến khi đồng hồ báo căng là mẻ cốm chuẩn bị ra lò.
Tôi vẫn nhớ mãi thời khắc đó, như là một sự thăng hoa, khi chú Dũng rướn người mang quả nổ rời khỏi bếp, đặt vào túi lưới, trong khi chân chú đạp quả nổ thì tay đập lẫy cò trên nắp. Một tiếng nổ “đùng” vang lên là hàng vạn hạt cốm gạo trắng ngần tung bay trong bụng lưới. Trong khi người lớn vẫn đang mải mê chuyện trò rôm rả thì bọn trẻ con lặng người, choáng ngợp với một vẻ đẹp ấn tượng đến không thể tả. Chúng không thể ngờ được rằng những hạt gạo nhỏ xíu, tròn mẩy nằm trong cái ống thổi kia lại có thể xốp nhẹ bay lên như những bông mây.
Thường thì nhà tôi không mấy khi nhờ người ngào đường tại chỗ. Túi cốm nổ to được tôi công kênh đội đầu đưa về nhà. Bà bảo ăn bao nhiêu ngào bấy nhiêu.
Tôi ngồi bên bếp lửa chờ bà tôi ngào cốm trong một cái chảo to có đường và ít gừng thái chỉ đun lên sền sệt. Tôi nhìn bà dùng đôi đũa cả đảo đều tay cho các hạt cốm dính đường thật mịn đều, kết dính vào nhau bằng lớp đường thơm ngọt rồi đổ chảo cốm đã ngào đường ra một cái khuôn bằng gỗ cán đều. Cốm đã cứng lại và nguội bớt, bà lấy dao nem chia nhỏ khối cốm bằng những đường cắt cho miếng cốm cầm vừa tay người ăn. Tôi chờ đợi khoảnh khắc cốm nguội, chừng có vài phút thôi mà thấp thỏm không yên. Vài phút ấy với tôi mà nhớ nhung suốt một đời người.
Bây giờ trẻ con ít biết đến nổ cốm, cũng ít biết đến cái lạnh, cái đói trong mùa Đông mà thèm một phong bánh nổ âu cũng là lẽ thường nhưng với những người già như chúng tôi đó là một niềm hạnh phúc. Thứ hạnh phúc đơn sơ nhưng vô cùng bền chặt khi cảm nhận vị ngọt thơm của đường, chút nồng nàn của gừng hòa quyện vào cái giòn rụm của hạt cốm thời thơ bé mà sau này lớn lên dẫu đi xa cũng mãi nhớ về.
Theo Lâm Lâm (Báo Hà Tĩnh)
Quê tôi có tục lấy tên con đầu để gọi thay cho tên cha mẹ. Đôi lần tôi thắc mắc bà tôi chỉ cười bảo vì người ta thấy cháu ở phố về nên gọi thay mẹ. Nhưng không phải, sau này tôi mới biết cách gọi này thể hiện sự gắn kết tình cảm trong gia đình giữa cha mẹ và con cái như một sự tiếp nối thế hệ nên khi nghe gọi đến tên mẹ tôi là tôi biết ngay người ta đang gọi bà tôi đi cùng.
Tôi nhớ những ngày Đông giá hay sát Tết, để chuẩn bị đồ kẹo bánh Tết cho con cháu là bà tôi lại ưu tiên đi nổ cốm đầu tiên. Đồ đi nổ bà thường chọn rất kỹ từ thứ gạo thơm cất dành cho ngày Tết, lường vào mấy lon sữa bò rồi tất tả đi theo hướng người vừa gọi với. Chỉ chờ lúc đó, tôi vùng chăn, men theo con đường tắt qua nương nhà hàng xóm chạy ra. Đám trẻ con đã đứng đu đầy ngoài xưởng nổ.
Xưởng nổ của chú Dũng nằm ngay cuối làng. Nói xưởng vậy thôi nhưng chả có biển hiệu gì sất, nhìn vào chỉ thấy đám người ngồi la liệt giữa hàng thúng mủng quanh bếp lửa hồng chờ đến lượt, chuyện trò rôm rả.
Chú Dũng đang quay tay quả nổ được đặt trên bếp lửa, mồ hôi vã ra như tắm. Quả nổ phải được liên tục quay vừa đều vừa nhanh. Công đoạn này đòi hỏi sức khỏe và sự dẻo dai, nhanh nhẹn để cho mỗi hạt gạo đều được nổ đều cho đến khi đồng hồ báo căng là mẻ cốm chuẩn bị ra lò.
Tôi vẫn nhớ mãi thời khắc đó, như là một sự thăng hoa, khi chú Dũng rướn người mang quả nổ rời khỏi bếp, đặt vào túi lưới, trong khi chân chú đạp quả nổ thì tay đập lẫy cò trên nắp. Một tiếng nổ “đùng” vang lên là hàng vạn hạt cốm gạo trắng ngần tung bay trong bụng lưới. Trong khi người lớn vẫn đang mải mê chuyện trò rôm rả thì bọn trẻ con lặng người, choáng ngợp với một vẻ đẹp ấn tượng đến không thể tả. Chúng không thể ngờ được rằng những hạt gạo nhỏ xíu, tròn mẩy nằm trong cái ống thổi kia lại có thể xốp nhẹ bay lên như những bông mây.
Thường thì nhà tôi không mấy khi nhờ người ngào đường tại chỗ. Túi cốm nổ to được tôi công kênh đội đầu đưa về nhà. Bà bảo ăn bao nhiêu ngào bấy nhiêu.
Tôi ngồi bên bếp lửa chờ bà tôi ngào cốm trong một cái chảo to có đường và ít gừng thái chỉ đun lên sền sệt. Tôi nhìn bà dùng đôi đũa cả đảo đều tay cho các hạt cốm dính đường thật mịn đều, kết dính vào nhau bằng lớp đường thơm ngọt rồi đổ chảo cốm đã ngào đường ra một cái khuôn bằng gỗ cán đều. Cốm đã cứng lại và nguội bớt, bà lấy dao nem chia nhỏ khối cốm bằng những đường cắt cho miếng cốm cầm vừa tay người ăn. Tôi chờ đợi khoảnh khắc cốm nguội, chừng có vài phút thôi mà thấp thỏm không yên. Vài phút ấy với tôi mà nhớ nhung suốt một đời người.
Bây giờ trẻ con ít biết đến nổ cốm, cũng ít biết đến cái lạnh, cái đói trong mùa Đông mà thèm một phong bánh nổ âu cũng là lẽ thường nhưng với những người già như chúng tôi đó là một niềm hạnh phúc. Thứ hạnh phúc đơn sơ nhưng vô cùng bền chặt khi cảm nhận vị ngọt thơm của đường, chút nồng nàn của gừng hòa quyện vào cái giòn rụm của hạt cốm thời thơ bé mà sau này lớn lên dẫu đi xa cũng mãi nhớ về.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat/com-no-mua-dong/205783.htm