'Cơm nóng, canh ngọt' phục vụ khu cách ly
Trong khi các cán bộ, chiến sĩ và nhân viên y tế căng mình nơi tuyến đầu chống dịch thì một bộ phận không nhỏ khác cũng dành thời gian, công sức và tình yêu thương nấu những suất cơm ấm áp gửi đến các lực lượng. Suất cơm nghĩa tình không chỉ thể hiện tinh thần tương thân tương ái muôn đời của người Việt Nam, 'không để ai bị bỏ lại phía sau' mà còn là sức mạnh của khối đại đoàn kết trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Từ khi Bình Phước xuất hiện ca dương tính với Covid-19 đầu tiên tại huyện Chơn Thành, Hội LHPN huyện Hớn Quản đã xây dựng kế hoạch đảm nhận vai trò tổ hậu cần phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Ban đầu bếp cơm được các xã, thị trấn luân phiên nhau thực hiện, song để bảo đảm lâu dài và an toàn vệ sinh thực phẩm, bếp cơm khu cách ly Hớn Quản đã được dời về Trường mầm non Tân Khai. Bà Nguyễn Thị Cẩm Giang, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hớn Quản cho biết: “Nơi đây có đầy đủ yếu tố thuận lợi cho bếp cơm, từ cơ sở vật chất có đồ chuyên dụng nấu cơm tập thể, đội ngũ cấp dưỡng, nhân viên y tế đến cả tủ lưu mẫu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Và hơn hết, khi tập trung tại trường đã huy động được sự đoàn kết chung tay của nhiều người dân trên địa bàn thị trấn”.
Cô Trương Thị Nha Trang, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Khai chia sẻ: Bên cạnh bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ bếp cơm, chúng tôi còn vận động tổ cấp dưỡng, giáo viên trong trường tình nguyện hỗ trợ bếp cơm. Mỗi ngày từ kinh phí được cấp và nguồn lực nhân dân hỗ trợ, chúng tôi đã nấu những bữa cơm phong phú, đa dạng món ăn gồm cơm, thức ăn mặn, món xào, canh với thực phẩm tươi ngon và cả món tráng miệng khi trái cây, lúc sữa chua, chè, bánh... Đối với người già, thai phụ, sản phụ đến trẻ em đều được các thành viên cẩn thận chuẩn bị những suất cơm riêng biệt.
Từ khi thành lập bếp cơm khu cách ly đến nay, khu chế biến của nhà bếp Trường mầm non Tân Khai rộn rã tiếng nói cười và tiếng lách cách băm, chặt… nguyên vật liệu. Vừa đặt bó rau ngót sẵn có của nhà hỗ trợ bếp cơm, chị Lê Thị Hòa, giáo viên Trường tiểu học Tân Khai B nhanh chân đến phụ gọt nha đam. Đây là nguyên liệu được người dân thị trấn Tân Khai hỗ trợ để các tình nguyện viên chuẩn bị nước giải khát cho khu cách ly tập trung. Chị Hòa tâm sự: Với suy nghĩ ai có công góp công, ai có của góp của, người hỗ trợ rau, người giúp thịt, cá, người góp công nấu bữa ăn ngon để phục vụ người dân đang ở trong khu cách ly tập trung. Đối với tôi, đây là công việc nên làm và thấy vui vì góp một phần công sức nhỏ bé của mình phòng chống dịch. Dù nhỏ bé nhưng nếu mỗi người góp một chút sẽ thành công sức lớn, như Bác Hồ từng nói “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Từ khi bếp cơm hoạt động đến nay, người dân trên địa bàn hỗ trợ rất nhiều, từ gạo, mắm, muối đến thịt heo, gà, vịt... để nhà bếp chế biến các món ăn. Không chỉ tình nguyện viên như chúng tôi mà tất cả người dân trên địa bàn huyện Hớn Quản đều đang chung tay sẻ chia, gửi gắm tình thương tới những người đang thực hiện cách ly và lực lượng phòng, chống dịch.
Cô Trương Thị Nha Trang, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Khai
Mỗi ngày, bếp cơm đỏ lửa từ sáng đến 5 giờ chiều để cung cấp hàng trăm suất cơm phục vụ bữa trưa và chiều cho 2 khu cách ly tập trung của huyện. Bên cạnh những tình nguyện viên tham gia đứng bếp, bếp cơm còn có sự tham gia của đội shipper tình nguyện gồm 8 thành viên là những giáo viên trên địa bàn. Thành viên của đội có nhiệm vụ hỗ trợ vận chuyển những suất cơm, phần quà, thực phẩm đến khu cách ly tập trung và người dân trong vùng phong tỏa tạm thời hoặc hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Anh Hồ Thanh Phong, tổ trưởng tổ shipper tình nguyện, cho biết: Để đóng góp một phần sức của mình vào công tác phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi sắp xếp việc cá nhân phù hợp nhằm chia sẻ với cộng đồng. Khi cả tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, công việc đội shipper có thể nhiều hơn, nặng nề hơn nhưng chúng tôi xác định làm công tác tình nguyện thì không nề hà khó nhọc. Có việc lúc nào nhóm sẽ có mặt mọi lúc, mọi nơi.
Bếp cơm khu cách ly huyện Hớn Quản mang theo tình thương yêu của cả cộng đồng vẫn không ngừng “đỏ lửa” để chung tay tiếp thêm sức mạnh cho các lực lượng đang ngày đêm căng mình chống dịch. Như cô Trương Thị Nha Trang, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Khai chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục “chiến đấu”, tình nguyện đỏ lửa bếp cơm cho đến khi nào hết dịch”. Và khi mỗi người dân chung tay, san sẻ tình yêu thương, đoàn kết, họ cũng đặt trọn niềm tin vào Đảng, chính quyền sớm đẩy lùi được đại dịch.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/125564/com-nong-canh-ngot-phuc-vu-khu-cach-ly